Ngày 18-10, năm người đã bị bắn tại một công viên ở hạt Harford bang Maryland. Vụ nổ súng này xảy ra khi người Mỹ vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ xả súng xảy ra đêm 1-10 (theo giờ Mỹ) ở Khách sạn và Sòng bạc Mandalay Bay (thành phố Las Vegas) khi hung thủ Paddock, 64 tuổi, đứng trên phòng khách sạn ở tầng thứ 32 và bắt đầu xả súng nhằm vào khoảng 40.000 người đang tham dự lễ hội âm nhạc đồng quê Route 91 Harvest ở bên dưới. Con số thương vong là gần 600 người, trong đó có 51 người thiệt mạng. Đây là vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử Mỹ, một lần nữa đưa vấn đề kiểm soát súng đạn trở thành chủ đề nóng trong dư luận cũng như chính trường Mỹ.
Tác giả bài viết dưới đây là một người Việt định cư và làm ăn ở Mỹ lâu năm, nhìn chuyện súng đạn ở xứ cờ hoa qua những suy nghĩ thực tế. Bài viết giúp chúng ta tham khảo và hiểu được phần nào vấn đề phức tạp này.
Tôi không phải chuyên gia súng đạn, cũng không phải “lái súng”, cho nên kiến thức có giới hạn. Biết cái gì viết cái nấy, viết về súng cá nhân, chứ không động tới vũ khí chiến lược của Mỹ, viết để chia sẻ hơn là một bài sưu tầm.
Những con số thống kê biết nói
Tôi muốn đưa ra một vài thống kê từ trang americangunfacts.com, để người đọc có khái niệm tại sao dân Mỹ có quyền trang bị súng, và đó là quyền hiến định, không dễ gì có một đảng, hay một chính phủ nào, có thể thay đổi được:
+ Dân số Mỹ khoảng 300 triệu, nhưng hiện có từ 270 đến 310 triệu khẩu súng đủ loại trong nhà người dân. Điều này không có nghĩa là mỗi người Mỹ từ cụ già đến bé sơ sinh, đàn ông hay đàn bà, đều có súng. Tỷ lệ dân Mỹ có súng chỉ trên dưới 30%, nghĩa là có rất nhiều người có hơn một khẩu súng trong nhà. Không nói đâu xa, trong nhà tôi có ba cây súng.
+ Người dân Mỹ dùng súng để bảo vệ mạng sống.
+ Phụ nữ Mỹ dùng súng để chống lại tội phạm tấn công tình dục 200.000 lần/năm.
+ Tỷ lệ súng tính theo dân số: Mỹ 88,8%, Yemen 54,8%, Thụy Sĩ 45,7%, Phần Lan 45,3%.
+ Số người chết vì súng tính trên mỗi 100.000 người: đứng đầu là Honduras với 91,6 người, thứ hai là El Salvador 69,2 người, thứ ba là Côte D’ivore 56,9 người, thứ tư là Jamaica 52,2 người,… Mỹ xếp hạng thứ 103, chỉ có 4,8 người chết vì súng đạn trên mỗi 100.000 dân.
+ Nước Anh cấm súng, nhưng có tới 2.034 tội phạm hình sự trên 100.000 dân, và hơn phân nửa là dùng dao trong nhà bếp để gây án. Trong khi Mỹ cho xài súng thả dàn, chỉ có 466 trường hợp xảy ra trên 100.000 dân. Từ khi cấm súng năm 1997, ở Anh, tội phạm tăng 77%, trung bình mỗi phút có hai vụ tấn công.
+ Phần lớn vụ nổ súng giết người hàng loạt ở Mỹ, đều xảy ra ở những địa phương cấm sử dụng súng.
+ Năm 1982, Kennesaw, bang Georgia ra luật: bắt buộc chủ gia đình phải có ít nhất một cây súng. Tội phạm đột nhập gia cư, trộm cướp, giảm 89%. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ này vẫn là 85% thấp hơn so với trước năm 1982.
Những thống kê tương tự và những tư liệu khác, đã khiến nước Mỹ kiên quyết không hủy bỏ Tu Chánh Án Số 2: Quyền sở hữu súng.
Tu Chánh Án Số 2: Quyền sở hữu súng
Tu Chánh Án này ban hành ngày 15-12-1791, cho phép người dân sử dụng súng. Mọi công dân trưởng thành, đều có quyền mua súng (trừ những kẻ có tiền án tội phạm, hay bệnh tâm thần). Muốn mua mấy trăm cây súng cũng được! Luật lệ về súng đạn rất khác nhau, tùy theo từng bang. California tương đối gắt gao, so với Texas chẳng hạn. Alabama cho phép mang súng nơi công cộng mà không cần giấy phép. Có cả chục bang, như North Dakota, New Hampshire, West Virginia, Missouri, Idaho,… cũng dễ dãi như vậy.
Một số người lo sợ là khi cho mang súng tự do, sẽ đem nước Mỹ trở lại thời kỳ các anh chàng cao bồi cưỡi ngựa, rút súng bắn nhau trong quán bar hay đường phố, hoặc thách đấu để thanh toán ân oán giang hồ. Nghĩ vậy là quá lo xa! Luật lệ Mỹ chằng chịt như rễ của cánh rừng, nhưng vô cùng nghiêm minh, cộng thêm trình độ dân trí rất cao, thì chuyện xã hội loạn như thời đó, là chuyện không bao giờ xảy ra.
Phe ủng hộ súng (đương nhiên dẫn đầu bởi những tên tài phiệt sản xuất súng) và phe chống xài súng, luôn cãi nhau ỏm tỏi, cả trăm năm qua, mà chưa ngả ngũ. Chuyện ban hành nhiều luật lệ để kềm chế, kiểm soát việc sử dụng súng, thì mỗi bang đều có và đương nhiên là khác nhau rất xa. Nhưng chuyện cấm súng thì chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra.
Một lý do hiển nhiên khác mà người Mỹ quan tâm: Khi cấm dân xài súng, thì chẳng khác nào để súng lọt vào tay kẻ xấu, trong khi người lương thiện bị tước vũ khí, vì kẻ xấu sẽ có trăm ngàn cách để có súng. Người dân lương thiện chừng đó sẽ làm bia cho chúng bắn. Người dân Mỹ không đời nào chịu bị tước vũ khí. Đó là quyền hiến định.
Những năm 1990, và cao điểm là khoảng 1995, bọn choai choai tội phạm trong đó có nhiều thanh niên gốc Việt lộng hành. Chúng đột nhập vào nhà, cơ sở làm ăn, thậm chí những buổi tiệc tùng đông người, dùng súng huy hiếp, khảo của, như bọn thảo khấu Lương Sơn Bạc. Đột nhập lúc nhà vắng, chỉ là trộm nhưng đột nhập khi có người ở nhà, là cướp. Bọn này rất đáng sợ. Mua súng là để trị bọn chúng.
Chúng có trăm mưu ngàn kế để đột nhập gia cư. Thí dụ, bạn đi làm về, quẹo vào garage thì thấy một cái thùng giấy hay một vật gì đó để trên đường xe vào. Phản ứng tự nhiên là bạn ngừng xe, mở cửa bước xuống, dẹp chướng ngại vật, vừa bước xuống xe thì có đứa kè bên hông, chỉa súng vô be sườn, buộc bạn mở cửa cho đồng bọn vô nhà.
Tôi có người khách Mỹ, và sau này trở thành bạn. Anh ta là cảnh sát. Tôi cũng có một người bạn Việt làm cảnh sát. Họ biết luật pháp, nên chỉ dẫn và khuyên tôi nhiều thứ:
+ Đầu tiên họ khuyên mua súng và nuôi chó. Bọn cướp lảng vảng trước nhà, mà nghe tiếng chó sủa rân trời, nhất định chúng lùi bước tìm mục tiêu khác dễ ăn hơn. Không có tên cướp nào dù đang cầm súng trong tay, mà không nao núng khi biết mục tiêu đột nhập cũng có đồ chơi lại. Chúng ngu gì kiếm chuyện khó, nên chúng sẽ tháo lui.
+ Chúng sợ đàn bà cầm súng, vì các bà nhát, run, bóp cò hoảng, đạn có khi ghim vào mình chúng như chơi! Các bà nên có súng và học bắn súng.
+ Chúng sợ nhất là shotgun. Một là khi nghe tiếng lên đạn cái rốp, giòn giã, khô khan đến lạnh xương sống, thì ba hồn chín vía chúng cũng lên mây! Hai là đạn chài shotgun gồm rất nhiều viên bi nhỏ bên trong. Khi bắn sẽ túa ra, chắc chắn chạy đàng trời cũng dính chấu.
Lại có thêm lời khuyên:
“Khi bắn phải bắn từ phía trước. Bắn từ lưng là tù, bởi vì tòa nói rằng: Mày cố sát chớ không phải tự vệ! Nó đã bỏ chạy, đâu còn nguy hiểm tới mày, mà mày cố tình giết nó? Cho dù nó đã đột nhập vô nhà, có vũ khí, thậm chí đã gây thương tích cho mày, một khi nó quay lưng bỏ chạy, thì không được bắn nó”.
Nghe họ nói tôi mới hiểu tại sao khi cảnh sát bắn là bắn vô tử huyệt để tiêu diệt mục tiêu.
Mua súng quá dễ
Ở Mỹ, tiệm bán súng công khai, đầy rẫy, khắp nơi. Mua súng dễ như mua con cá, bó rau. Ở Cali, chỉ cần chọn súng, đặt cọc, điền một mẫu đơn rất ngắn gọn, để tiệm súng gởi cho chính quyền điều tra lý lịch. Nếu không có thành tích bất hảo, hay bệnh tâm thần, thì từ hai tuần cho tới một tháng, bạn có thể đến trả nốt phần tiền còn lại, và mang súng về nhà. Súng cũng rẻ mạt. Từ vài trăm cho tới vài ngàn đều có. Ngày xưa mua AK 47 hay AR 16 cũng được. Từ ngày có những vụ dùng súng tự động bắn giết ở trường học, sở làm, thì Cali và nhiều bang cấm bán loại này.
Tôi chưa từng cầm súng. Nhưng tôi có cơ sở kinh doanh, mua bán ì xèo, đương nhiên là có tiền mặt, buộc lòng tôi phải tìm cách bảo vệ gia đình và cơ sở làm ăn của mình. Mua súng, xài súng, là chuyện bất đắc dĩ, nhưng phải làm ở thời điểm đó.
Chính vì cướp bóc lộng hành, tôi phải thủ rất kỹ. Ngoài việc mua súng, mỗi tối lái xe về, phải coi có đứa nào chạy theo không? Về tới nhà, nhìn xung quanh coi có xe lạ đậu gần nhà mình không? Coi có thằng nào lảng vảng trước cửa không? Trước khi tới nhà vài block đường, phải ngừng xe lại, mở cốp xe lấy đạn nạp vào súng. Biết là trái luật, nhưng vẫn làm. Luật Cali buộc khi chuyên chở súng, thì súng phải bỏ trong hộp có khóa. Súng và đạn không được để gần nhau. Súng trong xe, thì đạn phải trong “cốp” sau xe.
Người Việt hải ngoại đã trải qua một giai đoạn hãi hùng. Cảnh sát và FBI vô cùng vất vả để tiêu trừ mấy đám cặn bã, nhưng dường như bó tay, vì chúng quá đông, quá dữ và quá liều mạng. Khi con ma nghiện nó hành, thì chuyện gì chúng cũng làm để có tiền đi hút. Sau cùng, chính quyền đã tìm ra giải pháp: Trục xuất!
Đúng vậy! Trục xuất! Họ ký hiệp định với một nước có dân nhập cư phạm tội, mỗi thằng du đãng tội phạm, bị trục xuất, họ trả cho vài chục ngàn đô (hay cả trăm ngàn, đại khái là rất nhiều tiền).
Đối với Mỹ, điều này lợi trăm bề. Một là dẹp được tệ nạn. Hai là chỉ tốn một số tiền nhỏ, tốn một lần, hơn là nhốt bọn chúng vào tù, nuôi dai dẳng, nuôi tốn gấp nhiều lần con số tiền phải trả.
Đối với nước nhận người trục xuất cũng lợi trăm bề. Nhận một thằng, họ bỏ túi bộn bạc. Bỏ gọn lỏn vào túi! Đem nhốt chúng, đâu có tốn đồng xu nào, vì bắt chúng làm khổ sai, bỏ đói xanh xương, sinh lợi nhiều gấp mấy lần tiền bỏ ra nuôi chúng.
Còn đối với mấy thằng du đãng tội phạm, sợ té đái! Trục xuất là mất cơ hội vô quốc tịch, hay bị thu hồi quốc tịch.
Mua súng cũng giống như bạn phải sắm bình chữa lửa và cái thang dây để trong nhà, phòng khi có hỏa hoạn. Dù để hoài không xài tới, cũng đừng tiếc tiền mua. Bạn không bao giờ trông cho nhà cháy để có cơ hội dùng tới bình chữa lửa, hay dùng cái thang dây cho cả nhà leo xuống từ lầu hai, phải không? Nhưng nếu bạn không cụ bị những thứ đó, khi hữu sự, bạn chỉ có đứng nhìn thần hỏa thiêu rụi cơ ngơi mồ hôi và nước mắt của mình một cách vô vọng, hay bạn và người thân phải liều mạng nhảy lầu, tránh chết cháy, vì không có thang dây.
Đâu có ai mong cho kẻ xấu đột nhập vô nhà mình để đem súng ra phơ chúng! Nhưng cũng đâu có ai muốn kẻ xấu đột nhập vô nhà mình, mà trong tay không một tấc sắt? Súng là giải pháp bảo vệ an toàn cho mình và gia đình. Dù mình không mong có dịp xài tới nó, nhưng không có thì không được. Tuy nhiên, nếu một xã hội vô pháp vô cương, và không có trình độ dân trí cao (đi đường lỡ cọ quẹt một chút cũng xách mã tấu ra thanh toán), thì súng sẽ là một hiểm họa không biết tới đâu mà lường!