Hương Lan vừa có một live show Một đời sân khấu được loan báo từ trước khi diễn ra là “show để đời và chi phí tốn kém nhất” của chị, lên đến 4 tỉ đồng.
Phong độ U70
Hơn 20 năm trước, cũng trên sân khấu Nhà hát Hòa Bình này, Hương Lan lần đầu tiên về nước chính thức biểu diễn trong chương trình Duyên dáng Việt Nam. Nay, khi Hương Lan hát trong live show Một đời sân khấu cũng ở Nhà hát Hòa Bình, khán giả của năm xưa và bây giờ vẫn hết sức nồng nhiệt đón nhận tiếng hát Hương Lan. Đây là show diễn hiếm hoi của một ca sĩ hải ngoại ở lứa tuổi U70 mà hát vẫn rất sung sức từ đầu đến cuối chương trình và khán giả không phải xem với tâm lý hoài niệm, châm chước cho giọng ca.
Live show Một đời sân khấu không gây ấn tượng về dàn dựng và điểm nhấn, nhưng nhờ vậy, với Hương Lan, người ta không tiếc và dễ bỏ qua những chiêu thức minh họa quá quen thuộc đã xuất hiện trong nhiều chương trình ca nhạc trước đó. Giọng hát tuổi 62 này vẫn khiến người ta thán phục độ ngọt ngào và sự vững bền của phong độ trong suốt đêm diễn. Cảm giác Hương Lan hát như chưa bao giờ được khoe giọng hát như vầy, càng hát thấy chị càng khỏe, lên xuống tông giọng, luyến láy rất ngọt và không cho thấy một sự chênh phô nào trong từng câu hát. Có lẽ, cho Hương Lan hát liên tục thêm một, hai tiếng nữa cũng chẳng sao.
Cho nên, về giọng hát của chị, không tiếc khi đến bây giờ Hương Lan mới có live show thứ hai của mình, nếu tính luôn live show năm 2009 do người khác tổ chức cho chị khá luộm thuộm mà chính chị cũng phiền lòng. Và không tính cách đây vài năm, có nhà tổ chức ngoài Hà Nội mời chị làm show nhưng sao đó không bán được vé nên hủy, khiến chị bị sốc một thời gian dài.
Không tiếc vì khách mời nhiều, lắm phong cách nhạc khiến người xem bị ngộp. Nhưng hóa ra từ đó mới thấy rằng, không ai thay thế được Hương Lan trong dòng nhạc của mình. Khen Hương Lan hát hay là quá thừa, chị mang danh thần đồng từ nhỏ và đến bây giờ vẫn là một tượng đài sừng sững không ai qua được của dòng nhạc trữ tình mang âm điệu quê hương, bolero. Tuy nhiên, công chúng mộ điệu vẫn không tránh khỏi một số cảm giác tiếc nuối. Giá mà…
Những tiếc nuối không đáng có
Ba tiết mục ca cổ, cải lương hiếm hoi xuất hiện từ đầu chương trình, tưởng như mở màn cho nhật ký đời sân khấu của Hương Lan, hiểu rằng đó là cột mốc, là truyền thống gốc gác của chị và gia đình trước khi rẽ sang hát tân nhạc. Nhưng cũng chính vì thế, người ta dễ tưởng đó là bữa tiệc âm nhạc được trải dài theo một đời sân khấu của Hương Lan, mà bắt đầu là từ cái nôi cải lương, rồi tiếp diễn là những chặng đường khác của chị cho đến nay như tên chủ đề live show đã phản ánh. Nhưng thực ra nó chỉ là phần mở màn cho hai phần chính khác là nhạc trữ tình bolero và nhạc “thính phòng”. Tiếc cho ca sĩ Hương Thanh về nước hát cùng chị ruột ca cảnh Duyên kỳ ngộ về Hai Bà Trưng quá ngắn ngủi, chưa tới sáu phút, không kịp gây ấn tượng gì, nhất là với những khán giả đã biết đến Hương Lan.
Phần ca khúc “tủ” ưng ý nhất của chị, hiểu nôm na là những bài hit của Hương Lan, lại được gom thành hai liên khúc. Mà so với liên khúc đầu Em đi trên cỏ non – Sa mưa giông – Còn thương rau đắng mọc sau hè, thì liên khúc sau, mỗi bài chỉ có tính chất điểm danh trong dồn nén những Con đường mang tên em, Trộm nhìn nhau, Nhật ký đời tôi, Tâm sự với anh, Ai cho tôi tình yêu. Có lẽ vì như Hương Lan cho hay, mấy chục năm qua chị đã hát liên tục những bài hát ấy rồi, nên lần này chỉ chọn lọc lại một số gọi là. Nhưng như thế thì hơi… “bất công” cho dòng nhạc mà chị được nổi danh, khi chương trình vẫn dành thời lượng rất nhiều cho những ca khúc khác, của dòng nhạc khác.
Những Tình hoài hương, Chiều về trên sông, Cây đàn bỏ quên, Kiếp đam mê, Tình ca, Tình yêu hôm nay… chị hát vẫn rất hay. Bài hát khoe khả năng xử lý ca khúc của Hương Lan như Tiếng hát từ cội nguồn là lựa chọn hợp lý. Bản thân người viết cũng từng coi băng video thời Hương Lan tóc xù hát mấy bản tình ca này gần 30 năm trước, hiểu rằng đây cũng là những ca khúc chị ưng ý. Nhưng những ca sĩ của dòng nhạc này đã làm tốt nhiệm vụ này và khán giả đến live show vẫn chờ mong chị hơn ở dòng nhạc khác. Hiểu rằng live show là dịp để chị cho thấy khả năng của mình nhiều hơn những gì khán giả đã đóng khung cho mình. Nhưng “quên” Điệu buồn Phương Nam, Đau xót lý chim quyên… thì thật tiếc! Cũng may là chị còn giữ lại Ai ra xứ Huế, Ngày đá đơm bông… cho nó được đứng riêng chứ không phải gom vào liên khúc.
Tạo cảm giác tạp kỹ và phá hỏng đi chất nhạc xuyên suốt của Một đời sân khấu là phần trình diễn thời trang áo dài và áo bà ba đi kèm được ưu ái xuất hiện quá nhiều trong chương trình. Mà hai ca khúc hay là Áo dài của Võ Thiện Thanh và Chiếc áo bà ba của Trần Thiện Thanh được trình bày chỉ là cái cớ để minh họa cho các màn thời trang này. Nếu chiều lòng nhà tài trợ hết mức, chỉ cần một tiết mục là đủ, hoặc chỉ cho xuất hiện minh họa khi nhạc giang tấu hoặc nửa bài hát. Mà Hương Lan, được thu xếp đứng hát nép một bên sân khấu trông càng giống minh họa cho các tiết mục này, trong khi chị là nhân vật chính live show.
Nhà tài trợ có lẽ đã quên mất đây là chương trình ca nhạc, thiết kế sân khấu ánh sáng, dàn dựng không phải là dành cho chương trình thời trang. Hình thức ca sĩ đứng bên góc sân khấu, hát như minh họa lời ca cho thời trang đi ra đi vào là mô-típ rất cũ từ khi Việt Nam có chương trình ca nhạc thời trang. Cũng may, dù lớn tuổi so với các cô người mẫu, nhưng Hương Lan vẫn là người mặc đẹp nhất cả áo dài lẫn áo bà ba.