Những chiếc nón cao bồi và bình đựng nước uống được in hình da rắn và con báo được bày bán khắp nơi trong khu chợ thành phố biên giới Pedro Juan Caballero của Paraguay. Người ta chỉ cần vượt qua đại lộ 2 làn đường là đến địa phận của Brazil. Thành phố này là trung tâm buôn lậu ma túy vào Brazil, nơi có 2 cartel cạnh tranh là Primeiro Comando da Capital (PCC) quyền lực nhất ở thành phố Sao Paulo và Comando Vermelho (CV) ở thành phố Riode Janeiro đều ở miền Nam Brazil.
Theo dữ liệu điều tra từ Cơ quan Chống Ma túy Quốc gia Paraguay (SENAD), khoảng 80% cần sa sản xuất tại nước này được buôn lậu đến Brazil. Số liệu thống kê từ Cuộc Điều tra thứ 2 về Rượu và Ma túy Đại học liên bang Sao Paulo, 3 triệu người Brazil thường xuyên sử dụng ma túy và lực lượng cảnh sát liên bang nước này bắt giữ được 126 tấn ma túy – trong đó phần lớn có nguồn gốc từ Paraguay – chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017. không giống như 2 quốc gia trong khu vực Colombia và Uruguay, hoạt động canh tác cần sa bị coi là bất hợp pháp ở Paraguay.
Cảnh sát tham nhũng nuôi dưỡng chuỗi đồn điền cần sa Paraguay
Chuỗi đồn điền cần sa ở vùng giáp giới giữa Paraguay và Brazil được cho là bao phủ diện tích 7.000 hecta và nằm trong vùng đất “miễn dịch” do được bảo hộ bởi mạng lưới sĩ quan cảnh sát cũng như giới chức chính quyền tham nhũng. Adriano, 25 tuổi, là người Brazil quản lý 2 đồn điền trong khu vực, điều hành hoạt động canh tác và thu hoạch cũng như đóng vai trò trung gian trong những vụ tranh chấp đòi quyền lợi hay hay những vấn đề khác giữa công nhân và ông chủ.
Ông chủ của Adriano là Gerson, 50 tuổi, cũng là người Brazil và sinh trưởng trong gia đình có truyền thống khai thác cần sa. Hai đồn điền mà Adriano quản lý là đất công – bao gồm những cánh rừng và công viên quốc gia được bảo vệ – bị chiếm dụng hay được thuê từ chủ đất. Gerson thường lái chiếc xe tải Toyota chở đầy ắp thực phẩm và sản phẩm vệ sinh đến khu vực đồn điền và nói chuyện với Adriano về những mối đe dọa mà họ phải đối mặt từ lực lượng cảnh sát.
Theo Gerson, cảnh sát Paraguay không gây nhiều vấn đề. Khi bị bắt dừng xe, Gerson phải nộp số tiền hối lộ khoảng 70 USD mới được phép tiếp tục hành trình. Cảnh sát Brazil cũng vậy nhưng đáng sợ nhất là lực lượng cảnh sát quân sự. Gerson tiết lộ: “Họ không ăn hối lộ. Giáp mặt với họ, bọn buôn lậu chỉ 2 con đường là nhà tù hay cỗ quan tài”. Những con đường nằm trên vùng biên giới giữa 2 quốc gia láng giềng Paraguay và Brazil nằm song với nhau. Khác biệt duy nhất của những tuyến đường này là bên phía Brazil được tráng nhựa cẩu thả còn phía Paraguay thì cực kỳ tệ hại.
Trên đường đi, Gerson luôn phải tránh né các trạm cảnh sát. Khi chạy qua thị trấn nhỏ gần nhất – nơi có chưa đến 1.000 cư dân – để đến đồn điền, Gerson liên tục ngó qua cửa sổ để biết có bị ai bám theo hay không. “Trụ sở điều hành” trong khu đồn điền của Gerson chỉ là căn nhà đơn giản được bố trí nhiều giường đôi, một buồng tắm có vòi nước nóng, tivi và đĩa vệ tinh. Adriano giải thích trong quãng thời gian 5 năm làm việc trong nhiều đồn điền cần sa khác nhau trong khu vực, đây là lần đầu tiên anh có được sự tiện nghi như thế.
Trước đây, Adriano làm việc cho mỗi đồn điền chừng vài tháng là chuyển sang nơi khác do điều kiện sống quá tệ hại. Adriano và Gerson luôn kè kè khẩu súng ngắn bên mình đề phòng bất trắc. Tuy nhiên, những tranh chấp bạo lực giữa các nhóm thường kết thúc êm đẹp bởi vì không ai muốn thu hút sự chú ý của chính quyền. Trong khi đó, mọi chiến dịch truy quét của cảnh sát thường được những sĩ quan tham nhũng thông báo trước để thương lượng số tiền phải hối lộ.
Theo Gerson, giới chính khách Paraguay nhận tiền hối lộ nên cố tình trì hoãn việc thực hiện chương trình nâng cấp những tuyến đường dẫn đến khu vực đồn điền cần sa nhằm mục đích cản trở những chiến dịch của cảnh sát. Ví dụ, một hôm Gerson nhận được tin báo SENAD chuẩn bị tấn công khu vực có đồn điền của ông và 4 chủ sở hữu khác. Ngay lập tức, Gerson ra lệnh chôn giấu hàng tấn cần sa đã sấy khô.
Một ngày sau, Gerson tiếp đón vị khách gọi là “Cabanas” – đó là người đàn ông Paraguay hơn 70 tuổi, đội nón cao bồi và giắt khẩu súng ngang hông. Cabanas này chính là “ông trùm” khu vực đóng vai trò trung gian giữa các chủ đất và chính quyền Paraguay. Cabanas cho biết cảnh sát đề nghị sẽ hủy bỏ chiến dịch truy quét nếu mỗi chủ đồn điền chịu nộp số tiền 10 triệu guarani (đơn vị tiền tệ Paraguay, khoảng 1.800 USD). Theo Gerson, không có con số chính xác bao nhiêu đồn điền cần sa trong khu vực song có thể có đến con số hàng trăm.
Trong suốt 4 tháng cây cần sa sinh trưởng, chỉ có 2 công nhân làm việc trên một cánh đồng. Vào mùa thu hoạch, chủ các đồn điền tuyển thêm 10 người nữa để hái, phơi khô và ép cần sa vào bao. Phần đông công nhân được trả mức lương 70.000 guarani (khoảng 12 USD) một ngày. Tiền lương công nhân cũng như giá cần sa do các chủ đồn điền quyết định để tránh sự cạnh tranh. Công nhân ngủ trong những chiếc lều bẩn thỉu dựng tạm bằng vải bạt và gỗ.
Họ sử dụng nước giếng hay suối để sinh hoạt. Công nhân nam làm cật lực từ sáng tinh mơ đến tận chiều hôm, thậm chí cả ban đêm dưới ánh sáng đèn cung cấp từ máy phát điện chạy bằng dầu. Thậm chí tại một số đồn điền vào vụ thu hoạch, công nhân bị buộc làm việc suốt 24/24 giờ và tận dụng ánh sáng từ các tấm gương phản xạ bố trí xung quanh họ. Phần đông công nhân trên các đồn điền đều ở khoảng tuổi 20. Họ có vẻ trầm lặng và hoài nghi.
Ví dụ như Roque phụ trách công việc gieo hạt và thu hoạch cần sa. Roque bắt đầu vào nghề canh tác cần sa lúc mới 17 tuổi sau khi bỏ học trường phổ thông trung học và không tìm được việc làm. Sau 4 năm làm công thu hoạch cần sa cho các ông chủ đồn điền, Roque – nay đã 25 tuổi – đã sở hữu được một cánh đồng cần sa riêng với sự tài trợ từ Gerson. Tiền lãi kiếm được từ việc bán cần sa, Roque dùng để nuôi bạn gái và mua vui với gái mại dâm. Thực tế không có phụ nữ tại các đồn điền mà công nhân nam liên lạc với bạn gái thông qua ứng dụng di động WhatsApp. Cần sa nuôi sống các gia đình và mang lại sự ổn định cho các cộng đồng ở một phần đất nước Paraguay, nhưng cũng chẳng đủ để giúp họ thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Các chiến dịch của SENAD
Năm 2016, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Brazil Alexandre de Moraes có chuyến di đến khu vực đồn điền cần sa ở biên giới cùng với một vài viên chức SENAD. Bộ trưởng dùng rựa chặt nát một loạt cây cần sa để gửi thông điệp cứng rắn đến bọn buôn lậu rằng mọi khu vực trồng cần sa bất hợp pháp đều không được dung thứ. Về phần mình, Francisco Ayala – giám đốc phụ trách truyền thông của SENAD – bình luận: “Chắc chắn rằng không có tổ chức chính quyền nào hoàn toàn trong sạch hay không tham nhũng, đặc biệt khi bàn đến vấn đề buôn lậu ma túy, một ngành kinh doanh bất hợp pháp mang về lợi nhuận khủng khiếp đến hàng trăm triệu USD cho các mạng lưới cartel ma túy.
Do thường xuyên đối mặt với nguy hiểm chết người cho nên các đặc vụ an ninh cũng như cảnh sát thường dễ bị mua chuộc. Nhưng, SENAD luôn cố gắng thực hiện các chính sách nhằm ngăn chặn tình trạng này. Chúng tôi tin rằng những vụ bắt giữ số lượng lớn ma túy trong vòng 3 năm qua là kết quả của chính sách thanh lọc và trong sạch hóa nội bộ SENAD”. Paraguay được coi là “siêu cường” cần sa trên toàn cầu do có khả năng cung cấp 9% lượng ma túy cho thế giới.
Theo đánh giá của Cơ quan phòng chống Ma túy và Tội phạm Liên Hiệp Quốc (UNODC), Paraguay đứng hàng thứ 4 trên thế giới về sản lượng cần sa. Giới chức chính quyền Paraguay cho biết khoảng 20% sản lượng cần sa nước này được vận chuyển về phía nam để vượt biên vào Uruguay, Argentina và Chile hay về phía Tây đến Bolivia. Trong khi đến 80% sản lượng cần sa Paraguay vượt biên vào Brazil, cung cấp cho nhiều băng nhóm tội phạm để phân phối ra khắp nước này.
Trong vòng 2 thập niên qua, phần lớn những giao dịch mua bán cần sa nằm dưới sự kiểm soát của Jorge Rafaat Toumani – trùm tư bản lốp ô tô của Paraguay với khách hàng chính là cartel PCC. Theo báo cáo từ SENAD, Jorge Rafaat được cho là bị thành viên PCC bắn chết tại thành phố biên giới Pedro Juan Caballero phía Đông Paraguay hồi tháng 6.2016. PCC không là băng đảng duy nhất nuôi tham vọng mở rộng kinh doanh ma túy đến Paraguay cũng như kiểm soát chuỗi đồn điền canh tác cần sa ở nước này và cả những tuyến đường vận chuyển ma túy.
Đối thủ cạnh tranh khốc liệt của PCC là CV cũng như nhiều băng nhóm tội phạm vô danh khác ở Paraguay và Bolivia. Theo người đứng đầu tổ chức SENAD Hugo David Vera Quintana, bọn tội phạm còn tranh nhau giành quyền kiểm soát con đường cao tốc vận chuyển cocaine từ Bolivia vào Brazil để từ đó vươn đến thị trường châu Âu. SENAD – hợp tác chặt chẽ với cảnh sát quốc gia Paragua và cảnh sát liên bang Brazil – thường xuyên bắt giữ, phá hủy nhiều chiếc ô tô, máy bay cũng như các phương tiện khác của bọn tội phạm ma túy xuyên quốc gia.
Mặc dù vậy, Vera Quintana thừa nhận mọi nỗ lực của chính quyền 2 nước Paraguay và Brazil cũng chỉ phá vỡ được khoảng 25 đến 30% hoạt động buôn lậu ma túy. Thậm chí khi tăng cường các chiến dịch đột kích, SENAD cũng chỉ xóa sổ được 2.930 hecta canh tác cần sa trong nửa đầu năm 2017 – tức hơn con số cả năm 2016.
Do đó, cứ mỗi 6 tháng SENAD lại tổ chức hành quân đến những khu vực đồn điền cũ để tiếp tục triệt hạ cây trồng cần sa. Trong khi đó, SENAD than phiền cơ quan không có đủ kinh phí để mở rộng các chiến dịch chống ma túy. Hiện nay, khi mà hoạt động của bọn tội phạm ma túy càng lan rộng, chính quyền Paraguay nhận định SENAD cần được tăng thêm ngân sách cũng như nhân lực mới đủ sức đối phó bọn chúng. Năm 2017, SENAD chỉ có ngân sách tương đối nhỏ là 9 triệu USD và 3.000 đặc vụ chịu trách nhiệm thực hiện các chiến dịch xóa sổ đồn điền cần sa cũng như tuần tra vùng biên giới.
Giới chức SENAD tuyên bố họ đang có kế hoạch tăng cường ngân sách cũng như nguồn nhân lực lên 20% trong năm 2018 đồng thời tiếp tục gia tăng thêm vào những năm tiếp theo. Đại tá Oscar Chamorro của SENAD phát biểu với báo chí: “Chúng tôi cam kết tiếp tục làm những gì mà chúng tôi đang làm đồng thời tìm kiếm một chiến lược khác hiệu quả hơn trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy. Muốn vậy, chúng tôi bắt buộc phải có nguồn ngân sách cũng như nhân lực dồi dào”.