Cách thành phố Nam Định 5km về phía tây bắc, chùa Phổ Minh (Phổ Minh tự 普明寺) hay chùa Tháp nằm giữa một vùng đồng lúa chiêm trũng thuộc thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng.
Đây là một trong những ngôi chùa cổ còn lại của một thời Hào khí Đông A – nhà Trần. Năm 2012, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Trần và chùa Phổ Minh được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Theo các thư tịch cổ thì chùa Phổ Minh được xây dựng vào năm Nhâm Tuất (1262), tức là cách đây hơn 700 năm. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 7, mặt khắc 4 có khắc lại sự kiện này như sau: “Tháng 2, mùa xuân. Đem làng Tức Mặc thăng lên làm phủ Thiên Trường, dựng cung Trùng Quang, Trùng Hoa và chùa Phổ Minh ở phủ ấy. Thượng hoàng đến chơi hành cung ở Tức Mặc, ban yến tiệc cho dân. Các ông già trong làng người 60 tuổi trở lên, cho quan tước hai tư, đàn bà thì cho hai tấm lụa. Nhân đấy đổi làng Tức Mặc làm phủ Thiên Trường; dựng cung gọi là Trùng Quang để cho các vua đã nhường ngôi rồi về ở, phía Tây cung dựng chùa Phổ Minh; lại dựng một cung riêng để cho tự quân khi đến chầu Thượng hoàng thì ngự ở đó, gọi là cung Trùng Hoa; đặt người chức dịch ở hai cung ấy để phòng khi sai khiến hầu hạ, và đặt chức Lưu thủ để trông coi”.
Tuy nhiên, theo các minh văn trên bia, trên chuông thì ngôi chùa này đã có từ thời nhà Lý. Có thể chùa đã được xây dựng lại với quy mô rộng lớn vào năm 1262. Sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 16 còn ghi lại như sau: “Chùa Phổ Minh: Ở xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc. Sử chép: năm Thiệu Long thứ 5 đời Trần Thánh Tông dựng chùa Phổ Minh ở phía Tây cung Trùng Quang. Lại xét: Bia đá dựng từ đời Lê Cảnh Trị nói: “Lý gia triệu thủy, Trần thì trùng quang, nghĩa là nhà Lý bắt đầu xây dựng, nhà Trần sửa sang thêm. Thế thì chùa này không phải bắt đầu xây dựng từ nhà Trần”.
- Xem thêm: Chùa phố
Sau khi được xây dựng lại vào năm 1262, tại chùa Phổ Minh đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng. Theo Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 6, mặt khắc 17 vào năm Quý Mão (1303), Thượng hoàng Trần Nhân Tông ở phủ Thiên Trường đã cho mở hội Vô lượng pháp ở chùa Phổ Minh, bố thí vàng bạc tiền lụa, chẩn cấp dân nghèo trong nước và giảng kinh Giới thí. Năm Canh Thân (1320), Bảo Từ thái hậu đã cho gọi sư Phổ Huệ đến chùa Phổ Minh mở hội Quán đỉnh.
Năm Mậu Thân (1308), Phật hoàng Trần Nhân Tông viên tịch ở am Ngọa Vân trên ngọn Tử Phong – Yên Tử. Sau đó ít lâu, con ngài là vua Trần Anh Tông đã đem 7 trong số 21 hạt xá lợi đặt trong cỗ kiệu bát cống bằng đá rồi xây tháp Phổ Minh lên trên. Tháp Phổ Minh là một trong số ít công trình còn giữ được tương đối toàn vẹn từ thời Trần.
Tháp dựng vào năm 1305 trước cửa Tam Bảo, nằm trong khuôn viên chùa Phổ Minh, cao khoảng 20 m, gồm 14 tầng. Nền tháp và tầng thứ nhất xây bằng đá, những tầng còn lại phía trên xây bằng gạch. Tầng nào cũng trổ 4 cửa vòm cuốn, giữa các tầng là gờ mái… Tầng tháp thứ nhất đặt trên bệ đá, có hai lớp cánh sen, lớp dưới chúc xuống, lớp trên ngửa lên đỡ lấy tháp hình vuông, mỗi cạnh rộng hơn 5 m. Bệ và tầng thứ nhất có những hình chạm nông trên mặt đá như hoa lá, sóng nước, mây cuốn, đặc trưng cho phong cách trang trí thời nhà Trần.
Mặt ngoài những viên gạch các tầng trên được trang trí hình rồng. Mỗi đầu viên gạch có dòng chữ “Hưng Long thập tam niên” và khắc họa con rồng nổi thời Trần. Sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 16, cũng ghi chép về tháp cổ Phổ Minh như sau: “Lại tháp cổ ở trước chùa Phổ Minh, cao 14 tầng, 2 tầng dưới xây bằng đá, 12 tầng trên xây bằng gạch, tất cả cao 5 trượng 3 thước, chân tháp xây vuông, bốn bề đều một trượng, bên cạnh có cột đá có buộc dây đồng để ràng lấy đỉnh tháp.
Bài bia ở chùa Phổ Minh ghi rằng: “Cung điện nguy nga, đỉnh đồng nghìn quân trấn giữ, quy mô lộng lẫy, tháp Phật trăm thước dựng nên”, đó là ghi sự thực. Bia dựng từ đời Lê Cảnh Trị. Đến đời nhà Ngụy Tây, có người xưng là Trần Túc đem quân triệt hạ để lấy quả hồ lô bằng đồng ở trên đỉnh tháp và dây đồng ràng quanh quả hồ lô; khi phá đến tầng thứ 3, thì bỗng thấy một vật như hình tấm lụa đỏ ở trong cái hòm bằng đá bay vụt lên không, Trần Túc lấy làm kinh sợ, bắt dân sở tại xây lại như cũ. Tương truyền từ sau khi đào sông Vị Hoàng, tháp này bị nghiêng, mà cơ nghiệp nhà Trần bị suy”.
Vua Trần Nhân Tông đã từng ca ngợi vẻ đẹp của tháp Phổ Minh bằng bốn câu thơ sau:
“Sư về trong viện câu kinh vắng
Quán ở bên sông bóng nguyệt treo
Ba chục cung tiên cây tháp đặt
Trăm ngàn cõi Phật tiếng triều reo”.
Bên cạnh Tháp cổ Phổ Minh, ở chùa Phổ Minh còn có nhiều hiện vật có giá trị. Trước đây, chùa có 120 pho tượng, nhưng do thời gian, chiến tranh hủy hoại, nay chỉ còn hơn 50 pho tượng, trong đó có nhiều pho tượng đẹp về hình thể, cân đối về tỷ lệ, mang tính nghệ thuật cao. Ngoài ra, xưa kia trước sân chùa có đặt một chiếc vạc đồng rất lớn được xếp vào An Nam tứ đại khí (gồm tháp Báo Thiên, tượng Phật chùa Quỳnh Lâm, vạc Phổ Minh, chuông Quy Điền).
- Xem thêm: Chùa làng quê
Sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 16, ghi chép về cái vạc ở chùa Phổ Minh như sau: “Đỉnh cũ Phổ Minh: Nặng ngàn quân, ở chùa Phổ Minh, huyện Mỹ Lộc. Tương truyền, đời Lý Thiền sư Dương Không Lộ học được pháp thần thông, sang triều đình Bắc quốc khuyên giáo đồng đỏ, vào kho đồng lấy được đầy túi mang về đúc thành đỉnh, nay đặt ở trước cửa chùa, tức là một trong ‘An Nam tứ khí’“.
Không chỉ sách Đại Nam nhất thống chí ghi chép việc quân Minh xâm lược đã phá cả tứ đại khí của nước ta với âm mưu làm mất sử sách và những công trình văn hóa để đồng hóa dân ta, sách Đại Việt sử ký toàn thư bản kỷ, quyển 10, mặt khắc 23 cũng có khắc ghi lại cụ thể về việc giặc phá vạc ở chùa Phổ Minh vào năm Bính Ngọ (1426) như sau: “Bọn Vương Thông nhà Minh vì bị thua ở Tốt Động, quân khí cơ hồ mất sạch, bèn phá chuông Quy Điền và vạc Phổ Minh để làm súng đạn, hỏa khí. Sau khi Trần Hiệp chết, Hữu bố chính sứ Dặc Khiêm giữ ấn của Bố chính ty, án sát sứ Dương Thì Tập giữ ấn của Án sát ty, Đô đốc thiêm sự Trần Duệ giữ ấn của Đô ty. Từ đó, lịch chính sóc của nhà Minh không được thi hành ở các quận huyện nước ta nữa”.
Hơn 7 thế kỷ trôi qua, dù đã nhuốm màu thời gian nhưng chùa Phổ Minh vẫn đứng vững, tạo nên phong cảnh vừa uy nghi vừa thoát tục. Ngọn tháp Phổ Minh vươn cao trên trời xanh đã trở thành di sản quý, mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân Nam Định. Tháp Phổ Minh cũng được Trung tâm Sách kỉ lục Việt Nam đã xác lập là ngôi tháp chùa bằng gạch cao nhất ở Việt Nam.