Nằm bên bờ vịnh Bengal, đất nước Hồi giáo Bangladesh tuy khá lạc hậu nhưng vẫn quyến rũ những du khách yêu thích khám phá nhờ thiên nhiên còn đậm vẻ hoang sơ, những bãi biển cát trắng mịn dài nhất thế giới và người dân hiền lành thân thiện.
Nhận được lời mời từ bạn bè ở đất nước này, như thường lệ tôi không ngại ngần sắp xếp thời gian để đến thăm gia đình họ. Khi chuẩn bị các loại giấy tờ để xin visa, dù nhận được nhiều lời khuyên ngăn rằng phụ nữ không nên một mình đến Bangladesh, tôi vẫn hào hứng bắt đầu chuyến đi.
Sức hút từ nền văn hóa pha trộn
Xuống sân bay, tôi như lạc lõng giữa rừng người hầu như toàn đàn ông, đa số râu tóc đều nhuộm đỏ. Sau chút bối rối, tôi nhìn thấy hai người bạn địa phương đang vẫy tay chào. Vậy là chúng tôi tiến về làng Kachan trong ráng chiều đỏ thắm.
Vừa đến cổng làng, thật bất ngờ khi có hàng chục người đang chờ đón chúng tôi, họ mỉm cười vẫy tay rất vui vẻ khi tôi đi ngang qua. Sau khi dẫn tôi vào căn phòng đã dọn sẵn dành riêng cho khách, hai anh bạn đưa tôi đi khắp làng chỉ để giới thiệu rằng tôi là một du khách từ Việt Nam sang thăm gia đình họ. Lần này thì không chỉ hàng chục người mà hàng trăm người trong khu chợ của ngôi làng xuất hiện sau những cánh cửa để vẫy tay và mỉm cười chào đón. Có những chủ nhà mời chúng tôi vào uống trà sữa, ăn bánh dù chỉ có thể nhìn nhau cười do không nhiều người nói được tiếng Anh.
Ngày hôm sau, chúng tôi rời ngôi làng Kachan lên thủ đô Dhaka để đến Đài tưởng niệm quốc gia, Shahid Minar, tu viện Phật giáo Dharmarajika, hay công viên Ramna. Các công trình tôn giáo của thành phố cổ kính và giàu giá trị lịch sử, mỹ thuật. Công viên Ramna thì được hoàng gia xây dựng từ cách đây hơn 400 năm.
Công viên rộng mênh mông còn sót một số di tích cổ xen lẫn giữa hoa lá rất đẹp, đặc biệt nhất phải kể đến những cây cổ thụ hình dáng uy nghi, bóng tỏa rợp mát cả một khu vực rộng. Ngoài đường phố nổi bật nhất là những chiếc xe lôi. Khắp Dhaka ở đâu cũng thấy những chiếc xe lôi và nó được sơn đủ màu sắc dường như làm tăng thêm cho sự náo nhiệt của thành phố đông đúc này. Ngoài xe lôi còn có những chiếc có thể gọi là tuk tuk được bít bùng bằng những lưới sắt, xe taxi và tàu hỏa. Giao thông ở Bangladesh đúng là một sự hỗn loạn, tiếng còi xe cùng tiếng ồn và khói bụi ở khắp nơi.
Bangladesh có nhiều nét giống như ở Ấn Độ. Phụ nữ Bangladesh mặc sari khá sặc sỡ và nổi bật, đàn ông thì mặc váy dài (lungi). Đất nước này cũng đa tôn giáo và nhiều tín ngưỡng: tín đồ đạo Hồi, đạo Phật, Thiên Chúa giáo hay Ấn Độ giáo đều đông đảo. Vì vậy văn hóa nghệ thuật ở Bangladesh rất đa dạng và độc đáo. Âm nhạc cũng đặc sắc và luôn rộn ràng tại bất kỳ ở lễ hội nào hoặc ngay trên đường phố. Ẩm thực Bangladesh đa dạng và tương tự Ấn Độ, bữa chính của họ bao gồm cơm, cá, khoai tây, Biryani, roshogolla, cà ri, chatpati và các loại đồ ngọt khác nhau. Người dân ăn tối rất muộn, thường vào lúc 9 hoặc 10 giờ tối, khi người chồng trở về từ nơi làm việc.
Trước khi lên đường, các bạn Việt Nam của tôi cứ dặn phải đem khăn trùm đầu theo, không thôi sẽ xảy ra chuyện lớn khi đến đất nước này mà không che tóc vì họ cho rằng phụ nữ Hồi giáo là phải trùm tóc, trùm mặt kín mít. Nhưng khi tôi hỏi cô bé Jannat là cháu của người bạn Bangladesh, cô ấy cười trả lời rằng Bangladesh là một nước đạo Hồi ôn hòa thì việc chọn dùng loại khăn nào do chính người con gái và văn hóa gia đình quyết định, không ai kỳ thị nếu bạn không che đầu ở đây và bạn có thể ăn mặc như bạn muốn, làm bất cứ điều gì bạn muốn. Nhưng hầu hết khi lập gia đình, những người vợ sẽ chọn quấn che tóc mình lại khi đi ra đường vì họ muốn dành sự quyến rũ ấy cho chồng mình mà thôi.
Cảnh sắc tự nhiên hoang sơ tuyệt đẹp và động vật hoang dã độc đáo
Hiện nay, lượng khách quốc tế đến Bangladesh khá hạn chế nên cảnh sắc thiên nhiên vẫn còn hoang sơ. Trong ba ngày đi dọc rừng ngập mặn Sundarban trên một chiếc tàu chứa cả trăm người, chỉ có duy nhất tôi là du khách nước ngoài.
Sundarban nằm trong vùng đồng bằng rộng lớn ven vịnh Bengal. Đây là rừng ngập mặn cửa sông lớn nhất thế giới với tổng diện tích bao gồm 10.000km², trong đó khoảng 6.000km² thuộc Bangladesh. Khu vực thuộc Bangladesh đã được đưa vào danh sách di sản thế giới.
Sundarban được kết nối bởi một mạng lưới phức tạp các bãi triều, bãi bùn và các hòn đảo nhỏ. Hầu như mọi ngóc ngách của rừng đều có thể đi vào được bằng thuyền nhỏ. Ngang dọc theo hệ thống sông ngòi chằng chịt nhưng nên thơ, đắm chìm giữa những rừng nhiệt đới xanh mát, cảm xúc được tự do giữa đất trời trong những đêm nằm nghe sóng vỗ mạn tàu với bóng trăng chênh chếch trên đầu mang thật nhiều nhung nhớ. Ở đây có đàn cá heo quý hiếm (mũi dài hơn cá heo thường thấy ở biển), Bangladesh cũng là một trong số ít nơi trên thế giới mà du khách có thể có cơ hội ngắm nhìn hổ hoàng gia Bengal. Loài hổ trắng oai vệ này bơi lội, di chuyển trong vùng ngập nước vô cùng khéo léo và là nỗi kinh hoàng cho không ít dân địa phương.
Dọc theo rừng Sundarban, dễ dàng bắt gặp hơn là đàn nai thong dong gặm cỏ ven bìa rừng và xuống bờ sông uống nước. Xa hơn chút thì có bầy heo rừng ngại ngần khi thấy người, có cả gấu núp sau đám lá.
Trở về sau chuyến đi dọc rừng ngập mặn, chúng tôi đến bãi biển Cox’s Bazar. Thong dong trong những chiều ngắm mặt trời lặn cũng chỉ có nhóm chúng tôi là người nước ngoài trên bãi biển đông đúc. Với chiều dài lên tới 125km, Cox’s Bazar là bãi biển nhiệt đới có dải cát trắng dài bậc nhất thế giới, mỗi đoạn của bãi biển mang một vẻ khác nhau. Đoạn sóng vỗ êm đềm, đoạn sóng ầm ập vỗ bờ, đoạn sóng mơn man bờ cát trải dài, cứ thế du khách đi dọc bãi biển mênh mông mãi mà không thấy chán.
Khí hậu Bangladesh được chia thành sáu mùa: mùa hè, mùa mưa, mùa thu, mùa mát, mùa đông và mùa xuân. Từ tháng Chín đến tháng Ba là thời gian tốt nhất để đến đất nước này. Chuyến đi của chúng tôi diễn ra vào tháng 11, lúc này thời tiết mát mẻ, bầu trời trong xanh và không có mưa.