Tranh thủ thời gian trống giữa các cuộc cưới hỏi, tôi đã viếng 6 ngôi đền, chùa: chùa Keo Thái Bình, đền Phủ Giầy, chùa Cổ Lễ – Nam Định, chùa Tây Phương, chùa Thầy, chùa Đậu thuộc Hà Tây cũ.
Các ngôi đền chùa nói trên, mỗi nơi một vẻ, trong đó chùa Đậu để lại cho tôi dấu ấn sâu sắc nhất, không chỉ vì đây là ngôi chùa ngàn năm, mà trong đó có 2 pho tượng (tượng táng?) hàm chứa nhiều bí ẩn mà chúng ta chưa hoàn toàn giải mã được.
Cổ tự tịch mịch
Từ Hà Nội đi theo QL1 hướng Tây Nam 24km, đến thị trấn Thường Tín, rẽ phải đến con đường đá gồ ghề chừng vài km là đến chùa Đậu bên dòng sông Nhuệ. Khác với cảnh hương khói nghi ngút của các ngôi chùa khác, chùa Đậu hết sức vắng vẻ vào ngày thường. Tam quan chùa là một gác chuông tuyệt đẹp, 2 tầng 8 mái cong vút. Nhiều bộ phận gỗ được chạm khắc hình rồng, phượng và hoa lá. Tầng trên treo quả chuông đúc năm Cảnh Thịnh thứ 9 (1801) nhà Tây Sơn.
Chẳng có du khách nào, chỉ có vài bà nông dân chiếm dụng bày bán mớ rau, quả trứng. Không có hàng rong quấy rầy, cũng không có “cò thần thánh” bao vây, cổ tự tịch mịch, bỗng dưng nghe tiếng chuông chiều, lòng tôi thanh thản như quên hết bụi trần. chúng tôi cũng được Đại đức Thích Thanh Nhung, trụ trì ngôi chùa tiếp đón nồng hậu.
Chùa Đậu có tên chữ là Thành Đạo tự, Chùa thờ Bà Đậu – Nữ thần Pháp Vũ nên được gọi nôm na là chùa Đậu. Theo dân gian, chùa rất thiêng, ngày xưa, các sĩ tử đến chùa cầu khấn thường được đậu đạt.
Đại đức Thích Thanh Nhung căn cứ trong cuốn sách đồng có từ thời thái thú Giao Châu Sĩ Nhiếp đầu thế kỷ thứ III (200-210, thuộc nước Ngô, thời Tam Quốc) hiện còn cất giữ tại chùa, chùa đã có lịch sử 1.800 năm (?). Tả cảnh đẹp nơi chùa và công đức vô lượng đó, Sĩ Nhiếp đề thơ rằng:
Ðồng bằng bát ngát nẩy Tòa Sen
Phật ngự trang nghiêm tựa Thiên Tiên
Ðất phúc xây lên cung nguyệt điện
Trời Nam riêng hẳn cảnh thiên nhiên
Nén hương khói tỏa tan niềm tục
Hồ ngọc trăng soi rõ cửa Thiền
Công đức từ bi bao xiết kể
Công lao vô lượng, lại vô biên
(Trích sách đồng)
Tôi hoài nghi về tính chân thật của câu chuyện quá xa xôi này: Thứ nhất, chẳng lẽ thơ Sỹ Nhiếp viết bằng chữ Nôm? Thứ nhì, thơ trên viết theo thể Đường luật, phải đến đời Đường (TK XIII) mới xuất hiện, không thể vượt thời gian xuất hiện thời Tam Quốc.
Về niên đại chùa, đáng tin hơn là theo văn bia tu tạo, ngôi chùa này được tôn tạo vào thời nhà Lý, thế kỷ thứ 11. Ngoài ra, trong chùa còn nhiều viên gạch lớn thời nhà Mạc và một số bia có niên hiệu Sùng Khang (1566-1577) nhà Lê. Chùa đã có gần ngàn năm lịch sử, nhưng đã qua nhiều lần tu bổ, diện mạo hiện nay là kiến trúc kết cấu gỗ đời Trần.
- Xem thêm: Chùa làng quê
Bên trái khuôn viên chùa là một hoa viên được trồng tỉa công phu, nhiều cây vô ưu trổ hoa đỏ rực, có một cây cầu tạo dáng như một cầu vòng bắc qua hòn đảo nhỏ giữa hồ.
Qua tam quan là một sân gạch rộng, hai bên có hai tòa giải vũ 5 gian làm nơi nghỉ ngơi cho khách hành hương. Tiền đường phía trước 7 gian 2 chái, nối liền với 2 dãy hành lang 2 bên và nhà tổ ở phía sau làm thành một khung vuông bao bọc lấy Đại hùng Bửu điện và điện thờ Bà Đậu hay nữ thần Pháp Vũ phía sau theo bài trí “tiền phật hậu thánh”.
Bà Pháp Vũ (cai quản về mưa) cùng với Pháp Vân (mây), Pháp Lôi (sấm), Pháp Điện (chớp) hợp thành Tứ Pháp, là 4 vị nữ thần đặc hữu của Việt Nam, tương tự như truyền thuyết “tứ bất tử” trong dân gian, nhưng được thờ phụng ở vị trí cao cả, sánh cùng đức Phật. Tuy nhiên, hình tượng các nữ thần còn rất sơ khai, họ là những phụ nữ có quyền năng vô hạn để cứu độ con người, xung quanh vẫn bao phủ một màn mờ ảo.
Có lẽ là vị thần trấn điện của chùa (?), nên điện thờ Bà Đậu quanh năm cửa đóng then cài, ngay cả những ngày lễ hội (mùng 8-9 tháng Giêng Âm lịch), các thiện tín viếng chùa cũng chỉ được khấn ngoài cửa điện. Qua khe cửa có thể “nhìn trộm” thấy bà có mặt trái xoan, tay phải giơ lên đưa hai ngón tay giữa hướng lên trời, là kiểu khác với các tượng Tứ Pháp thờ tại nhiều nơi trong vùng đồng bằng Bắc bộ và có thể coi là đẹp hơn cả.
Trong chùa có chiếc khánh đồng đúc năm 1774 và hai tấm biển gỗ sơn son thiếp vàng khắc hai bài thơ nôm của chúa Trịnh Căn và chúa Trịnh Cương.
Tạo nên danh tiếng ngôi cổ tự không những chỉ có niên đại xa xưa, kiến trúc độc đáo, báu vật lưu giữ, mà còn là 2 pho tượng “toàn thân xá lợi” của 2 vị thiền sư.
Hai pho tượng kỳ diệu
Đại đức Thích Thanh Nhung kể, cách đây khoảng 300 năm, vào giữa thế kỷ 17, chùa Đậu có 2 thiền sư Vũ Khắc Minh (pháp danh Tự Đạo Chân) và Vũ Khắc Trường (pháp danh Tự Đạo Tâm) nối tiếp nhau trụ trì. Hai vị là hai thầy trò đồng thời cũng là hai chú cháu, cả hai trước khi viên tịch đều nhập thất 3 tháng 10 ngày, thiền sư để lại lời nhắn: Ta vào trong am tụng kinh niệm Phật, hết 100 ngày sau đó xác thân sẽ còn nguyên vẹn. 100 ngày sau, các Phật tử bên ngoài không nghe tiếng tụng kinh gõ mõ, liền mở cửa am, thấy có mùi thơm toả ra, thiền sư đã viên tịch, để lại xá lợi nguyên vẹn ở tư thế ngồi nhập thiền.
Tượng thiền sư Vũ Khắc Minh đã được tu bổ với các kỹ thuật truyền thống như: bó, hom, lót, thí, mài và thếp với các nguyên liệu như sơn ta, vải màn, giấy dó, mạt cưa và đất tổ mối. Tổng số lớp sơn và thếp vàng là 14 lớp. Trước khi tu bổ, tượng nặng 7kg, sau khi tu bổ, tượng nặng 7,5kg.
Pho tượng Vũ Khắc Trường đã bị hỏng nặng vào năm 1983 do am đặt tượng bị ngập sau trận lụt lớn. Tượng hồi đó đã được ông Vũ Văn Tuyền, cháu của thiền sư Vũ Khắc Trường đắp lại bằng đất và sơn ta. Tượng sau này đã được các nhà nghiên cứu sắp xếp lại những xương bị gãy, xông thuốc 2 lần và phủ xương bằng dung dịch PVC và đưa lại xương vào trong tượng và bao kín toàn tượng bằng sơn ta, giấy bản, vải màn, mạt cưa, đất và thếp bạc, chỗ dày nhất tới 22 lớp. Toàn bộ pho tượng sau khi tu bổ nặng 31kg.
Cũng vào năm 1983, Viện Khảo cổ học cử một đoàn cán bộ, do nhà khảo cổ kỳ cựu PGS-TS Nguyễn Lân Cường dẫn đầu về chùa Đậu kiểm tra sự xuống cấp của chùa qua nhiều biến cố.
Sau khi đi một vòng quan sát những hiện vật quý của chùa Đậu, nhà khảo cổ Nguyễn Lân Cường như bị hút hồn trước 2 pho tượng thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường. Ông xúc động nhớ lại giây phút đặc biệt đó: “Tôi đã đứng lặng người rất lâu trước chiếc am nhỏ bên phải chùa. Thiền sư Vũ Khắc Minh ngồi đó, phía sau mành, đôi mắt lim dim như đang suy tư về cõi Phật”.
Ông đã tiến lại vén mành, phát hiện ra vết nứt trên trán pho tượng. Qua vết nứt rất nhỏ, chỉ chừng 0,2cm, ông nhìn rõ xương sọ. Như vậy, ông chắc chắn bên trong pho tượng này chứa hài cốt người, chỉ có điều đây là hình thức táng nào thì còn phải nghiên cứu kỹ mới có được câu trả lời.
Nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh được đưa về phòng chụp X-quang của Bệnh viện Bạch Mai. Qua các phim chụp, các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam đã rất ngạc nhiên khi không phát hiện được vết đục nào trên hộp sọ.
Qua các tài liệu khoa học nghiên cứu về ướp xác, đặc biệt là các xác ướp nổi tiếng của Ai Cập, những nhà chuyên môn cho biết, để ướp được xác, người ta phải vét hết nội tạng và đục thủng phần xương lá mía dưới đáy sọ hoặc đỉnh sọ để hút hết não. Sau đó, người ta độn vải có tẩm hương liệu vào trong hộp sọ và xoang cơ thể, bảo quản trong điều kiện yếm khí (ngăn cách với không khí). Từ việc không có vết đục ở sọ, PGS-TS Nguyễn Lân Cường khẳng định rằng, não cũng như nội tạng của thiền sư Vũ Khắc Minh đã không bị lấy ra khỏi cơ thể.
PGS-TS Nguyễn Lân Cường đã công bố ra toàn thể thế giới rằng, ông đã phát hiện ra một hình thức táng mới và đặt tên là “tượng táng” hoặc thiền táng.
“Tượng táng” hay “toàn thân xá lợi”?
PGS Nguyễn Lân Cường cho biết rằng, phương thức táng này cũng có ở Trung Quốc, mà cụ thể là di hài Lục Tổ Huệ Năng (638 – 713), hiện nhục thân vẫn còn đến hôm nay và được để ở chùa Hoa Nam (huyện Khúc Giang, tỉnh Quảng Đông, TQ).
Trong các tài liệu chính sử của Việt Nam cũng ghi chép về việc Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, thiền sư Giác Hải để lại xá lợi sau khi hóa. Tuy nhiên, trải qua binh biến, giặc dã, hiện xá lợi của những tổ sư này không còn nữa.
Để tìm được câu trả lời về cách táng tượng này, PGS-TS Nguyễn Lân Cường đã nghiên cứu nhiều năm ròng. Việc tìm hiểu chất liệu để làm tượng được các nhà khoa học đặc biệt chú ý. Các chất liệu khá đơn giản, gồm sơn ta, đất tổ mối, mùn cưa, giấy bản… chẳng khác gì cách tạo hoành phi, câu đối ở các đình chùa nước ta, không có tác dụng sát trùng, cũng không tạo được điều kiện yếm khí cần thiết. Nếu chỉ dựa váo các căn cứ khoa học, quan điểm “tượng táng” sẽ là câu đố mãi mãi không có lới giải.
- Xem thêm: Thương nhớ đình làng
Trò chuyện với chúng tôi, Đại đức Thích Thanh Nhung kịch liệt phản đối về khái niệm tượng táng, mấu chốt là ở chữ “táng”, đánh đồng với các hình thức táng khác của loài người: thổ táng, hỏa táng, thủy táng, phong táng (diểu táng). Thử hỏi, nếu một ai đó qua đời mà để lại di chúc muốn “tượng táng”, đảm bảo chỉ vài ngày sau là bị phân hủy, thúi hoắc. Nên đây không phải là hình thức táng khác với hỏa táng, thủy táng, phong táng… mà chỉ có thể giải thích bằng hiện tượng tâm linh, cách gọi nhà Phật là “toàn thân xá lợi” (hay nhục thân xá lợi).
Hai pho tượng chùa Đậu nằm trong kho báu di sản mà đức Phật ban cho chúng ta. Tôi thấy mọi người chỉ sụp lạy chứ chẳng ai chịu lãnh hội những thâm ý mà Phật đã dạy.