Trong những hồn xưa nét cũ, tôi thường nghĩ về ngôi đình làng của mình. Ngôi đình mang bao trầm tích văn hóa; dìu dặt, nâng đỡ những ý tưởng, ước mơ và khắc vào thế giới tuổi thơ tôi biết bao niềm thương nỗi nhớ…
Khi tôi còn thơ bé, ngôi đình đã đứng sừng sững, thâm nghiêm giữa làng. Ông tôi bảo đình có từ thời phong kiến, nghe kể lại khi đó làng mới có chừng khoảng trăm nóc nhà. Đình nhìn ra con đường chính của làng, con đường nối từ đường cái vào làng, qua đình rồi băng qua chiếc cầu bắc sang bên kia sông.
Nói cách khác, từ đình có thể thuận tiện di chuyển bằng cả đường bộ và đường thủy; dân trong làng cũng có thể tụ hội về đình một cách nhanh chóng. Nhà tôi ở ngay trên đường chính của làng, gần đình. Mỗi lần làng có hội hè, đình đám gì tổ chức ở sân đình, tôi lại sẵn cái chân đất chỉ chạy ù một hơi là tới ngay.
Tôi đã từng đắm mắt nhìn mái đình làng với dáng cong cong mềm mại như con thuyền đang bồng bềnh trên sóng nước; sự uyển chuyển, mạnh mẽ qua hình ảnh hai con rồng tranh châu, tranh nguyệt được dựng trên đỉnh mái đình. Bước chân vào đình, tôi không khỏi ngạc nhiên bởi trên mỗi cột, kèo, xà, vách ngăn là những bức họa nổi được chạm, khảm một cách tinh xảo, sắc nét đến lạ kỳ. Từng bức họa nổi ấy là những mảnh ghép phản ánh chân thực, hồn nhiên bức tranh sinh hoạt đời sống cũng như ký thác những quan niệm, ước mơ tốt đẹp của người dân làng bao đời; đủ cho ta nhận ra cốt cách, tâm hồn người Việt.
Với mái ngói rêu phong, đình làng đã là chứng nhân cho những biến đổi thăng trầm của làng. Mẹ tôi kể lại thời kỳ đấu tố địa chủ, gốc đa nơi góc đình phủ bóng trầm mặc lên những chua xót, đau thương. Những năm còn hợp tác xã, làm đổi công, tính điểm, lao xao chuyện chia lúa ngoài sân đình.
Đó còn là những ngày hội họp bầu bán các chức sắc trong làng; là tiếng trống thúc thuế, tiếng loa inh ỏi từ đình tỏa đi khắp đường làng ngõ xóm. Mẹ còn nhớ về những năm kháng chiến, đình làng là nơi tiễn những thanh niên lên đường nhập ngũ, với những cái nắm tay bịn rịn, và có cả những giọt nước mắt lặng thầm của kẻ ở người đi.
Tuổi thơ tôi êm đềm như vầng trăng tháng năm vẫn đi qua trên mái đình quê nhà. Làm sao kể hết được những đêm trăng sáng, lũ nhỏ chúng tôi say sưa với những trò chơi u, bịt mắt bắt dê hay kéo co giữa sân đình.
Ba tháng nghỉ hè hay những ngày rảnh rỗi, sân đình lại là không gian lý tưởng để cánh diều tuổi thơ tôi được thỏa sức chao lượn, để những viên bi lóng lánh đủ sắc màu cứ lăn tròn trên nền đất trong những ánh mắt thơ ngây dõi theo chẳng ngớt. Đặc biệt là khi tết đến xuân về, đình làng chính là chốn đông vui nhất. Sau những nghi thức cúng kiếng, cầu khấn, người trong làng, ngoài làng lại đổ xô vào xem chọi gà, cờ người, đấu vật hay múa hát,…
- Xem thêm: Quà quê
Nhớ sao những ngày theo anh đeo ghế gỗ cột bằng dây chuối khô đến đình làng học mà vui đến thế. Những ngày nắng hạn, giếng nhà cạn tới đáy, tôi lại lẽo đẽo theo mẹ đi gánh nước ở giếng đình, rồi cứ ra giếng đình kéo từng gàu nước lớn dội từ đầu đến chân tắm cho đã thích. Cũng bên mái đình những năm khốn khó, tôi từng đứng hàng giờ chỉ để đợi bố về, để được chạy theo xe khoai, xe sắn bố mua về bán buôn hãy còn nguyên màu đất cát.
Có những hôm đứng ở đầu đình ngóng mãi chẳng thấy bóng dáng bố, tôi còn kỳ công chạy tuốt đến bên kia cầu bắc qua sông, mắt đăm đắm nhìn, lòng thấp thỏm những trăn trở, nghĩ suy. Nhớ lại chỉ càng thấy thương bố thật nhiều.
Một ngày lớn lên, được nghe qua những câu ca như: “Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen…”, hay “Qua đình ngả nón trông đình/ Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu”, tôi lại nghĩ đến những câu hẹn hò, những lời thầm thĩ bên mái đình của biết bao trai gái làng.
Thật chẳng thể đếm hết bước chân đã lưu dấu bao lần nơi đình làng, chỉ biết rằng từng nếp ngói, cái cột cái kèo cho đến những góc sân đình đã hằn sâu trong trí nhớ, trở thành máu thịt trong tôi lúc nào chẳng biết. Dưới mái đình này, chúng tôi từ những đứa trẻ chân đất đầu trần đã trở thành những người có ích cho xã hội trên mọi miền Tổ quốc.
- Xem thêm: Khói đốt đồng thơm mùi ký ức
Hôm nay trở về, cái làng thuần nông khi xưa của tôi giờ đã là thành phố. Con đường đất chính của làng một thời tôi vẫn chân không chạy nhảy giờ đã là đường nhựa phẳng lì. Đình làng còn chăng chỉ là cái giếng bỏ không nằm cạnh nhà văn hóa khu phố khang trang. Đứng giữa sân đình năm xưa, lòng tôi như chia thành hai nửa: nửa vui mừng về những đổi mới của quê hương, nửa nao nao thương nhớ một bóng hình xưa cũ!