Mừng công nghề nghiệp khéo thay
Khuôn phép ngày dày học được Thái Luân
Chữ rằng: nghệ tinh thân vinh
Nhớ ơn ngày trước Thái Luân học cùng
Âm vang câu hò, bài ca ở đình Thái Vực (thôn An Cốc Hạ – Hà Tây) như còn vọng mãi. Như chúng ta đã biết, có bốn phát minh quan trọng nhất của Trung Quốc thời cổ đại là la bàn, thuốc súng, kỹ thuật tạo ra giấy và kỹ thuật in ấn.
Khi chưa có giấy, người ta phải viết trên thẻ tre, nhược điểm của nó là quá nặng, cồng kềnh, khó có thể mang vác đi xa.
Thành ngữ Trung Quốc có câu “Học phú ngũ xa” là nhắc về cái tích học giả Huệ Thi phải dùng đến năm cổ xe mới chở hết những gì đã viết trên thẻ tre. Ngày xưa, người Việt cũng viết các văn bản trên thẻ tre.
Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi cho biết lúc ghi lại tội ác của giặc Minh: “Chặt hết trúc Nam Sơn, chẳng đủ ghi hết tội”. Còn nếu dùng lụa bạch thì giá cả cao, thuộc hàng lụa quý hiếm thì không phải ai cũng dám sử dụng.
Chỉ có viết trên giấy thì thuận tiện hơn cả. “Có một vị hoạn quan thời Đông Hán (25-220) là Thượng phượng lệnh Thái Luân (?-121) đã tiến hành một cuộc cách mạng tạo ra giấy” (Phát minh cổ đại Trung Quốc của Đặng Ấm Kha, NXB TH TP.HCM – 2013, tr.25).
Từ đó, kỹ thuật làm giấy được truyền qua nước ta. Đúng thế. Trong quyển Lịch sử Việt Nam (NXB Khoa học xã hội – 1976) khẳng định: “Giấy là một phát minh lâu đời của nhân dân Trung Quốc.
Trước khi có giấy, tổ tiên ta thường viết trên lá cây, da thú, thanh tre… Đến thế kỷ III, tiếp thu kỹ thuật làm giấy của Trung Quốc, nhân dân ta biết chế nhiều loại giấy.
Giấy bằng vỏ dó, bằng rong biển, đặc biệt là loại giấy trầm hương – chế bằng vỏ và lá cây trầm, rất thơm và bền, màu trắng, có vân như mắt cá lớn, bỏ xuống nước không nát” (tr.98).
Vậy, người Việt Nam đầu tiên tiếp thu tinh hoa nghề làm giấy là ai?
Vào một chiều đông mưa phùn xám mặt. Rét mướt. Những vòm cây run rẩy trong gió. Có một người đàn ông lầm lũi đi vào làng Thượng Yên Quyết (tức Yên Hòa, tên nôm làng Cót).
Gương mặt ông phong trần, rắn rỏi. Cư ngụ ở đây một thời gian, ông đã dạy cho dân nghề làm giấy. Trước hết là phải mua cho bằng được vỏ cây dó.
Đem về, ngâm rửa vỏ dó bằng nước lã vài ngày. Sau đó, vớt lên đặt nơi khô ráo và ngâm tiếp với nước vôi loãng. Khi vỏ dó đã nhũn thì đem giã dập.
Xong, lại cho vào vạc đồng lớn để nấu chín, khi thấy mùi thơm của vỏ dó bốc lên thì đổ dó vào giáo – gọi là vò men – đem xuống ao, sông đãi bỏ phần sạn bẩn, rồi cho dó vào ngâm trong nước vôi mấy ngày nữa. Sau rửa sạch bỏ vào cối đá (mỗi cối độ 25kg) giã cho thật nhuyễn, đến khi vỏ dó thành thứ bột trắng.
Công đoạn tiếp theo là đem bột dó đã giã nhuyễn vào những chảo lớn – gọi là tàu seo – quấy thật đều và đừng quên đổ thêm nước nhớt của cây mỏ để tạo chất kết dính.
Bây giờ, người thợ tiến hành tráng bột giấy dó – gọi là seo giấy – trên một mặt lưới là liềm seo. Bột giấy khi khô thành tờ giấy. Những tờ giấy này còn được đem ép, sấy cho thật khô, xếp thành từng tập để đem đi tiêu thụ trên thị trường.
- Xem thêm: Lòng như giấy mới tìm về nét xưa…
Từ sự hướng dẫn của ông mà dân làng Yên Hòa sống sung túc bằng nghề làm giấy và từ đó làng có tên là làng Giấy. Thế nhưng, thời gian sau, có người trong làng cư xử với ông không đúng mực nên ông buồn lắm.
Tiếng gà đầu thôn vừa rộn lên, ông cắp quần áo bỏ làng ra đi. Dù ra đi trong sự bực bội nhưng ông vẫn tiếc là chỉ mới dạy cho dân làng Yên Hòa cách làm loại giấy thô mà thôi.
Trên bước đường thiên lý, ông đã dừng chân lại ở làng Hồ Khẩu và dạy cho dân ở đây làm loại giấy moi. Không dừng lại đó ông lại sang làng Đông Xã dạy dân làm giấy quỳ (thứ giấy có dát vàng quỳ).
Tiếp đó, ông lại về làng Yên Thái dạy cho dân làm giấy lệnh – loại giấy cao cấp mà triều đình ta dùng để viết bằng, sắc, chiếu, chỉ. Có lẽ, ông dừng chân ở đây lâu nhất để dạy cho dân mọi tinh hoa của nghề.
Từ đó, vùng đất Kẻ Bưởi phía Tây Bắc thành Thăng Long ngày đêm vang lên tiếng chày giã giấy. Tiếng chày vang xa, in sâu vào ký ức người dân như một nét riêng để nhớ về kinh đô ngàn năm văn vật. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà ca dao xưa còn ghi:
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ
Rồi mãi đến cuối thế kỷ XVIII, thi sĩ Nguyễn Huy Lượng còn thấy sảng khoái, xúc cảm khi đưa hoạt động của nghề làm giấy trong bài phú nổi tiếng:
Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng;
Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co.
Trong sách Thượng kinh phong vật chí đã ghi: “Phường Yên Thái làm giấy, bền dai mà trắng bóng, hoặc tờ một, hoặc tờ đôi, hoặc dài hoặc ngắn đều có mẫu mực nhất định. Đem giấy ấy để viết thì dù có để kín trong hòm tủ, lâu năm vẫn mới, không bị mối mọt.
Lại có thứ giấy rồng, mặt tờ giấy vẽ mây rồng và vảy rồng, đầu rồng có sừng, chỗ nào cũng giống hệt như thực. Lại nhuộm nước hoa hòe làm màu, tô kim nhũ cho đẹp.
Những người nào có công lao với nước, vị thần nào có công đức với dân, thì vua phong sắc cho bằng thứ giấy ấy”.
Cuối cùng, không ở mãi với làng Yên Thái, ông lại tiếp tục đi sang làng Nghĩa Đô dạy cho dân làm giấy sắc – làm bằng vỏ dó hảo hạng. Nghe tiếng của ông, một người họ Lại đã ân cần đón tiếp trọng hậu. Từ đó, loại giấy sắc nổi tiếng trong cả nước:
Tiếng đồn con gái Nghĩa Đô
Quanh năm làm giấy cho vua được nhờ
Loại giấy này sau khi làm xong, người ta còn cầu kỳ trải trên mặt đá và dùng vồ đập – thao tác này trong chuyên môn gọi là nghè.
Vì vậy, làng Trung Nha ở Nghĩa Đô còn có tên làng Nghè. Hiện nay, tại nhà thờ họ Lại vẫn còn lưu lại câu đối (dịch) tôn vinh nghề:
Giấy vàng xưa vẫn truyền gia bảo;
Thần bút nay còn động quốc hương.
Họ Lại gắn liền với nghề làm giấy sắc, vì thế ca dao có câu:
Họ Lại làm giấy sắc vua
Làng Láng kéo cờ mở hội hùng ghê
Về nghề làm giấy sắc, tài liệu điền dã của nhà nghiên cứu Vũ Kiêm Ninh có ghi chép: “Theo cụ Lại Phú Bàn, nghệ nhân cuối cùng của nghề kể lại thì giấy sắc có ba loại và cũng chế tác khác nhau: loại thứ nhất phải có năm thợ cùng seo một khuôn; các loại thứ hai, thứ ba cũng phải seo ba người một khuôn.
Sau khi tờ giấy đã seo, còn phải qua các công đoạn như quét lên giấy lớp keo da trâu để chống mối mọt, dai bền và không hút ẩm.
Người ta dùng hoa hòe giã bột để nhuộm cho cả hai mặt, xong mới đem tờ giấy trải lên mặt đá phẳng để “nghè” cho mịn mặt và phẳng.
Khâu quan trọng nhất là vẽ rồng, vẽ mây, vẽ tứ linh, long ám… bằng bột vàng, bột bạc trên giấy. Người thợ giỏi thì vẽ “chạy” để cho thợ kém vẽ “đồ” theo. Nghệ nhân làm giấy sắc luôn giữ bí quyết “đánh vàng, đánh bạc”.
Họ dùng chày và bát sứ đầy để làm, nhưng rất giấu giếm nên khi các cụ chết đi, ngay cả con cái cũng không biết cách làm.
- Xem thêm: Sự lý thú nhìn từ… đồng tiền Việt Nam
Năm 1936, khi Hoàng Trọng Phu đến làng chụp ảnh các nghệ nhân và viết trong quyển Những làng nghề thủ công của Hà Đông cũng không giới thiệu được bí quyết này”; và “Nhà vua đã quy định giấy sắc là quốc bảo nên làng chỉ được làm đủ và đúng theo yêu cầu, không ai được tự tiện dùng riêng bởi đó là phạm thượng, tội nặng thì chém đầu, nên dù họ Lại có làm ra giấy sắc cũng không được giữ một tờ riêng” (Cổng làng Hà Nội xưa và nay – NXB Văn hóa Thông tin – 2007).
Có thể nói, nghệ thuật làm giấy ở Nghĩa Đô đã đạt đến đỉnh cao của nghề. Rồi ngày 16-3 Âm lịch ông Tổ truyền nghề cho làng đã bỏ đi. Không ai biết ông đi đâu.
Từ ngày đó, dân các làng đã được ông dạy nghề đều lấy ngày đó làm ngày giỗ Tổ. Rất tiếc, cho đến nay, không ai biết ông Tổ của mình tên gì? Quê quán ở đâu?
Riêng tại làng An Cốc – gồm An Cốc Thượng và An Cốc Hạ thì người ta lại chọn ngày 9 tháng Giêng để làm ngày giỗ Tổ vì đó là ngày ông rời làng này ra đi.
Trong ngày này, những người thợ ở các làng An Thái, An Hòa đều về quê giỗ Tổ nghiệp. Trong lễ giỗ thường có chè kho, bánh dày, cau, rượu.
Sáng hôm đó, dân làng lấy nồi đồng thật to, đổ mật vào, cho hai thanh niên khỏe mạnh, chưa vợ, cầm vồ khuấy để miêu tả công việc đánh bột giấy ở tàu seo.
Rồi họ để xôi, đậu rang chín vào nồi nấu thành chè kho. Ngoài ra, dân làng còn cho xôi nếp vào cối để giã nhằm diễn lại động tác giã dó.
Năm nào chè thơm ngon, bánh dày dẻo trắng thì mọi người tin rằng nghề làm giấy của làng còn phát đạt. Không những thế, kỹ thuật làm giấy còn ngày một nâng cấp đến mức tuyệt hảo.
Từ thập niên 1940, trên báo Indochine, ông Paul Boudet – Giám đốc Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương cho biết, bấy giờ các làng nghề làm giấy nước Nam ta đã làm ra loại giấy Hoàng gia An Nam (Impérial Annam) “có thể tranh đua với các loại giấy đẹp nhất của Nhật và châu Âu.
Ngoài ra, người An Nam cũng sản xuất ra loại giấy viết, giấy đánh máy và giấy viết thư màu xanh da trời. Các loại giấy này dai hơn giấy sản xuất bằng công nghiệp”.
Dù không nhớ được tên ông Tổ của nghề, nhưng đạo lý của người Việt Nam ta, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” nên những người thợ làm giấy không quên ơn Tổ nghiệp. Và mọi người, mỗi khi cầm tờ giấy để viết làm sao có thể quên ơn những người thợ ấy?
Người ta buôn vạn bán ngàn
Em đây làm giấy cơ hàn vẫn tươi
Dám xin ai đó chớ cười
Vì em seo giấy cho người viết thơ…
Rõ ràng, thuật ngữ của nghề như “seo giấy” cũng đã đi vào lời ăn tiếng nói của nhân dân. Về địa danh Cầu Giấy ra đời là do nơi này có nghề làm giấy nên chiếc cầu bắc qua sông Tô Lịch được gọi theo tên.
Cũng từ khi có giấy, dân gian mới nảy sinh ra câu đố: “Vạt ruộng vuông vức/ Cây lúa xanh đen/ Ai thấy cũng khen/ Chả khen chi, khen người khéo cấy”.
Qua tài liệu vừa nêu, rõ ràng khó có thể xác định, nghề làm giấy xuất hiện tại nước Nam ta cụ thể thời gian nào và thật ra không chỉ có những làng nghề trên.
Mới đây nhất (2018), Bộ VH-TT-DL vừa ký quyết định 3325 công nhận thêm tám di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có kỹ thuật làm giấy bản của người Dao ở huyện Bắc Quang (Hà Giang).
Về kỹ thuật làm giấy theo công nghệ hiện đại, mãi sau này, khi Pháp xâm lược nước ta, năm 1892 Schneider mới mở nhà máy giấy đầu tiên ở Hồ Tây (Hà Nội).
Sau đó vài năm, ông ta lại mở tiếp nhà máy giấy ở Đáp Cầu và Hãng Caffa làm tổng phát hành. Từ trang giấy cổ truyền của dân tộc đến kỹ thuật làm giấy hiện đại là một bước phát triển lâu dài.
Nay đọc lại câu ca dao mà ta vẫn bồi hồi:
Làm thơ giấy trắng, em gắn con cò xanh
Gửi nhà Bưu điện, nhớ tới anh đêm ngày
Với hình ảnh con cò (tức con tem) ta biết câu ca dao này ít ra đã xuất hiện từ thế kỷ XIX.