Những năm tháng học trò là những kỷ niệm không thể nào quên của tôi. Trong những kỷ niệm, những người thầy dạy dỗ tôi thời thơ ấu ấy, tôi nhớ nhất thầy Phong.
Thầy Phong dạy sinh ngữ, trong lớp thầy toàn nói tiếng Tây. Có điều lạ là với các trò khác trong lớp, thầy lịch sự dùng ngôi thứ hai số nhiều, còn riêng với tôi thì thầy dùng “toa, moa” (“cậu, tớ” thân mật).
Có lẽ vì tôi nghịch phá nhất lớp. Thầy lôi tôi lên ngồi đầu bàn đầu cho dễ để mắt, cũng là tiện véo sườn non nhắc nhở mỗi khi tôi quậy phá.
Còn nhớ vừa bước vào lớp thầy đã ra một đề toán, gọi một đứa lên bảng tính, còn thầy thì đi quanh lớp, ngó nghiêng đám học trò đang chăm chú giải. Chốc chốc thầy lại oang oang hướng dẫn, gợi ý.
Trống hết giờ, cũng là lúc chúng tôi thú vị “tự” học xong bài mới. Tôi nhớ hoài bài toán ấy: 6 : 2 (2 + 1) = ? Cây toán của lớp mở ngoặc 2 (2 + 1) = 6 trước, rồi mới làm phép tính 6 : 2 (2 + 1), ra kết quả là 1, thầy khen giỏi.
Tôi thì làm ngay phép chia 6 : 2 được 3, rồi nhân với (2+1), thành những 9, bị thầy chê là lanh chanh. Thầy đã dạy chúng tôi bài toán cuộc đời giải theo tâm tính con người mà có kết quả thành bại, tốt xấu.
- Xem thêm: Chùa trong phố
Hè năm ấy, thầy Phong tặng tôi ba tập Quốc văn giáo khoa thư, tái bản lần thứ 13, in năm 1939, với chữ viết thật nắn nót: “Cho con làm sách gối đầu giường!”.
Chỉ là sách giáo khoa cho ba lớp đầu tiểu học, nhưng những cuốn sách ấy đã giúp tôi vỡ vạc đạo làm người. Cuốn lớp đồng ấu toàn những bài học luân lý. Hai tập kia cho lớp dự bị, sơ đẳng là các bài tập đọc sử ký, địa dư, cách trí, đạo đức…
Nước ta thiếu gì chuyện thầy trò sáng như gương, thế mà các soạn giả Trần Trọng Kim, Nguyên Văn Ngọc, Trần Hữu Phúc, Đỗ Thận lại dạy chuyện ông Carnot.
Về quê, thăm trường cũ, ông quan nhất phẩm người Pháp cao lớn, râu hàm én, khoác bộ quân phục đại lễ, lủng liểng mề đay, vẫn cúi đầu lễ phép như một trò nhỏ kính cẩn chào thầy giáo bé nhỏ, tóc bạc trắng: “Con là Carnot, thầy còn nhớ con không”.
Rồi hướng về phía đám học trò lít nhít: “Nhờ công ơn thầy dạy bảo, ta mới nên người hôm nay”. Bọn tôi mường tượng ông Carnot như vậy, khi tung tăng tới trường trên đại lộ đẹp nhất nhì Hà Nội, thời ấy mang tên ông, nay là Phan Đình Phùng.
Tung tăng đến trường – đi học sướng lắm chứ: “Xuân đi học coi người hớn hở”. Bởi lẽ”Tôi đi học để biết đọc… biết tính toán, biết mọi sự vật và biết phép vệ sinh… Cốt nhất là biết luân lý, để hiểu cách ăn ở thành người con hiếu thảo, người dân lương thiện”.
Chốt lại nội dung bài “Đi học để làm gì” ấy trong Quốc văn giáo khoa thư lớp sơ đẳng là câu toát yếu súc tích: “Người không học, không biết lý lẽ”, ngang chữ thánh hiền: Ngọc bất trác bất thành khí. Nhân bất học bất tri lý.
- Xem thêm: Ấy là hương vị tiếng nước tôi!
Giờ, tiến sĩ Hồ Ngọc Đại lấy phương châm “Đi học là hạnh phúc” làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt Công nghệ giáo dục hiện đại ở trường thực nghiệm.
Nhà giáo lão thành Phạm Toàn thì cứ băn khoăn sao lớp người ngày xưa chỉ học chữ quốc ngữ có ba cuốn Quốc văn giáo khoa thư ấy mà sau đấy giỏi tiếng Việt đến vậy. Một trong số đó là thầy Nguyễn Tài Cẩn, được mời sang Nga, trước là dạy tiếng ta, sau rộng ra văn hóa Việt, bậc trên đại học.
Đầu năm nay, thầy mất. Các con trai thầy mang trong mình nửa dòng máu Nga, nhưng vẫn ra người học Quốc văn giáo khoa thư – chít khăn tang, áp quan tài, đưa cha về yên nghỉ trên cánh đồng làng quê Choa.
Một bạn học cũ của tôi đang dạy ở Đại học Québec (Canada), nhắn mua giùm ba cuốn Quốc văn giáo khoa thư, để dạy con cháu sinh ra và lớn lên trên đất Canada mãi mãi là con dân Việt.
Bạn dặn rõ ràng rằng năm 1996, Nhà xuất bản Trẻ TP. Hồ Chí Minh có tái bản ba cuốn sách ấy. Tiếc đứt ruột, tôi gởi sách gối đầu giường cho bạn, chứ làm sao mua được.
Quốc văn giáo khoa thư dạy tôi hạnh phúc nhất ở đời là cho. Còn gì bằng cái “cho” ấy lại dạy lớp trẻ Việt không may mắn phải xa xứ ngay khi lọt lòng: “Chỗ quê hương đẹp hơn cả”, tựa bài “Người đi du lịch về nhà” trong Quốc văn giáo khoa thư đấy!