Thức ăn được dọn lên tươm tất, thật ngon lành. Nhựa mận bốc khói hôi hổi, chả nướng lừng mùi nghệ, thịt hấp trần mỡ màng, thịt tái trộn thính vàng thơm, dồi qua hai lửa hấp rồi nướng không còn xỉn màu tiết đọng, rau xà lách, rau thơm tươi xanh bắt mắt.
Ngồi vào bàn, thầy giáo được mời đến liền nghiêm nét mặt, nhưng vẫn nhỏ nhẹ từ tốn rằng thầy không ngờ được trò lại mời ăn món thịt chó. Lão bà Brigitte Bardo minh tinh màn bạc tài sắc một thời mà biết hẳn sẽ nổi cơn thịnh nộ, nhân danh những người bảo vệ động vật toàn thế giới nghiêm trị chứ chẳng chơi.
Thầy ơi, “cờ tây” chỉ là địa dương – dê đất thôi, chứ có phải là đặc sản gì đâu! Có là quốc túy thì với Lỗ Trí Thâm bên Trung Quốc hay trong thực đơn ngự trù của nàng Dae Jang Geum Hàn Quốc. Năm trăm năm trước, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có lời cảnh tỉnh: “Lận thế treo dê mang bán chó / Lập danh cưỡi hạc lại treo tiền”.
Cuối cùng, trò đành phải đưa thầy vào nhà bếp để thầy thấy tận mắt mà yên tâm thưởng thức và thừa nhận đúng là “cái tang dê cái mới đẻ lứa đầu, thả rông nơi bán sơn địa, lại không được ăn vào mùa chúng động hớn” như đám trò chúng tôi láu lỉnh bịa chuyện trong lần đầu đãi người thầy đến từ Pháp món “mộc tồn” đại kỵ đối với người phương Tây, kể cả với đa số người Việt Nam ngày răm, mùng một đi lễ chùa.
Theo sách Lĩnh Nam chích quái, từ thời Hồng Bàng, “rượu nồng dê béo” là đồ lễ không thể thiếu trong cưới xin. Thời tiền Hán trước Công nguyên, người phương Bắc tuyệt đối bị cấm đoán đưa dê cái xuống phương Nam, nhất là địa phận tộc Lạc Việt để nơi đây không phát triển được đàn dê sứ giả vốn biểu trưng cho sự sinh sản phồn thịnh.
Chỉ có các hoàng đế thiên triều mới được đi xe dê vào hậu cung ban mưa móc. Hương vị thịt dê được thầy tấm tắc khen ngon ấy đâu tự thân nó có được. Phải đúng điệu văn hóa ẩm thực Việt là thui bằng rơm nếp, tẩy rượu với gừng, chứ không đang tay dùng cành lá quất tơi bời làm dê kêu be be vang cả xóm, vã hết mồ hôi cho hết mùi hoi.
Trước khi nấu nướng, phải ướp bằng rượu sủi tăm xứ Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, không quá nặng nồng như Mao Đài quốc tửu Trung Hoa, cũng chẳng nhàn nhạt, ngai ngái như rượu saké ngang danh núi Phú Sĩ của Nhật Bản.
Rồi còn phải bóp mẻ chua, mắm tôm ngấu, nêm đủ riềng, nghệ, sả. Khi ăn phải kèm rau ngổ, rau húng, lá mơ tam thể để tăng hương vị. Nhờ đậu xanh đồ nguyên hạt bở tơi cùng đậu phộng rang giòn đã được giã dập nhồi cùng rau răm vò nát thì dồi dê mới có được vị bùi mà đám học trò chúng tôi phải ra sức uốn ba tấc lưỡi diễn giải vòng vo: “vừa ngầy ngậy, dẻo quánh lại đậm đà như chữ của thầy là légèrement gras et agréable au goưt”.
Thầy công nhận trong tiếng mẹ đẻ của mình cùng các thứ tiếng khác ở châu Âu không có từ ngữ nào chỉ đúng vị bùi, bởi trong ẩm thực phong phú của cả lục địa ấy làm gì có được vị bùi độc nhất vô nhị ấy. Ngay chữ Hán cũng chẳng, còn ca dao của ta lại dạt dào: “Hết đắng cay đến ngọt bùi”. Hương vị tiếng nước tôi là vậy đấy!
Thầy lâng lâng hãnh diện về người đồng hương Alexandre de Rhodes thông minh, chỉ nhờ một bé bản xứ mới hơn mười tuổi dạy truyền khẩu mà thông thạo ngay tiếng Việt để rồi Latin hóa thành công tiếng ta thành chữ quốc ngữ văn minh, khoa học, tiện dụng.
Năm 1651, cuốn từ điển Việt – Bồ – Latin đầu tiên của ông ra lò ở nhà in riêng của Tòa thánh Vatican giữa thành La Mã. Nhưng thành tựu đó đâu chỉ nhờ ở tài năng xuất chúng của ông cố đạo quê xứ Avignon miền Nam nước Pháp ấy.
Cơ bản là tiếng ta sẵn có những tiền đề cần và đủ để dùng chữ Latin làm ký tự. Phong phú và đa dạng, tiếng Việt có đến 15 ngàn âm với 12 nguyên âm và 17 phụ âm, kể cả bán nguyên âm, bán phụ âm “y-grếch” mượn từ chữ Hy Lạp. Riêng sáu thanh điệu là tuyệt vời nhất!
Tiếng Nhật nghèo ngữ âm, chỉ có khoảng chừng 500 âm, riêng âm “koo” có đến 400 chữ Hán đồng tự khác nghĩa nên đến các bậc đại trí giả nhiều khi vẫn phải tra cứu từ điển đến mỏi tay.
Một âm “shoo” có 300 chữ Hán tượng hình lỉnh kỉnh đủ các bộ kèm theo rất khó thuộc, thành thử có tài giỏi đến đâu, cố gắng đến mấy thì việc Latin hóa chữ Nhật vẫn không thành công. Tiếng Tàu nhiều âm hơn nhưng cũng chẳng Latin hóa được.
Ở đất nước đông dân nhất thế gian này có tới tám thứ tiếng chính thống, hết Bắc Kinh đến Quảng Đông rồi Triều Châu, Phúc Kiến…, không kể hàng trăm thứ tiếng của các dân tộc ít người khác. Người vùng nào nói thì chỉ người cùng địa phương mới hiểu nên đành phải dùng chữ tượng hình cổ lỗ để giao tiếp, bút đàm chứ còn biết cách nào khác.
Một hương vị độc đáo của tiếng Việt là thanh điệu. Hai thanh sắc và huyền cứ lên bổng xuống trầm, nặng nhẹ khác nhau. Còn thanh hỏi và thanh ngã lại như sóng nối nhau, chẻ làm tư, thành hai chu kỳ dao động trầm bổng liên tiếp không đứt đoạn.
Tiếng Việt giàu nhạc tính là thế, thành ca dao là vậy nên mới sinh ra lối hát nói dân gian, rồi được nâng lên hàn lâm – ca trù như một lẽ đương nhiên. Bà Quách Thị Hồ thành danh ca nương đâu chỉ bằng một giọng hát vàng thiên phú và chuyên cần luyện thanh, mà cơ bản là luôn trau dồi để tinh thông tiếng Việt, làm nổi lên đủ cung bậc cảm xúc các áng thơ có tới bảy, tám phần từ ngữ Hán – Việt uyên thâm, các điển tích bí ẩn lịch sử, văn hóa thuở trước.
Thầy ghen với chúng tôi giỏi giang, lịch duyệt nhờ có hai cái lưỡi – hai ngôn ngữ (deux langues) – song ngữ (bilingue). Giá mà làu thông được tiếng Việt, thầy cũng hạnh phúc như chúng tôi, được thấm đậm hai nền văn hóa Đông – Tây.
Tiến sĩ Ivo Vasiljev từng tự hào tuyên bố trường phái ngôn ngữ học ở thủ đô Praha nước ông đã phát hiện rằng ca dao Việt Nam là một hiện tượng ngôn ngữ độc đáo: vừa là ngôn ngữ, vừa là văn hóa – băng ngôn ngữ đặc thù phác ra những nét văn hóa độc đáo.
Ca dao được hình dung như một cây cổ thụ sum suê, xanh tươi, đầy nhựa sống. Làng quê nào ở Đồng bằng sông Hồng mà chẳng có cây đa gắn bó thân thương với con người từ lúc lọt lòng đến khi trải đời. Lục bát – một thể thơ sáng tạo riêng của tiếng Việt như rễ đa tua tủa quấn quýt lấy cái thân lực lưỡng cây đa ca dao chất chứa văn hóa.
Ca và dao đều là bài hát, chỉ khác ở chỗ dao là bài hát ngắn, không cần giai điệu, chỉ bằng tiết tấu mà thể hiện được nét văn hóa Việt Nam: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn” , mãnh liệt chống lại sự áp đặt của lề thói lễ giáo Khổng – Mạnh “Phu xướng phụ tùy” để khuyến khích lối sống thuận hòa “Râu tôm nấu với ruột bầu / Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”.
- Xem thêm: Chữ Lễ xưa và nay
Ca là bài hát dài có giai điệu, thể hiện thành chương, khúc tỏ tình kín đáo, chân chất, mộc mạc, nhưng lại tinh tế sâu sắc, lai láng và bóng bẩy, ví dụ: “Đêm qua tát nước đầu đình / Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen / Em được cho chúng anh xin / Hay là em để làm tin trong nhà / Áo anh sứt chỉ đường tà / Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu”. Nếp văn hóa Việt còn là không yêu theo thói trăng hoa, mà phải kết thành vợ thành chồng, bằng một hôn lễ đúng phép tắc, có đủ tập tục dân gian: “Giúp em một thúng xôi vò / Một con lợn béo một vò rượu tăm / Giúp em đôi chiếu em nằm / Đôi chăn em đắp đôi tằm em đeo / Giúp em quan tám tiền cheo / Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau”…
Nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo từng khuyến cáo phải dạy con trẻ thuộc lòng ca dao ngay khi chúng cắp sách đến trường. Ca dao chứa những áng văn đẹp nhất, hay nhất, bổ ích nhất, chứa đựng cái hồn tiếng Việt một cách giản dị, hàm súc nhất: “Có cha có mẹ vẫn hơn / Không cha không mẹ như đờn không dây / Mẹ cha như nước như mây / Làm con phải ở cho tầy lòng con”.
Luận bàn hương vị thịt dê, ông thầy thán phục ngay chữ “hương vị”. Về hình vị, đúng là một từ – một từ đa âm. Mỗi âm lại chỉ một cảm giác từ các giác quan khác nhau. Hương (parfum) là khứu giác, còn vị (goưt) lại từ lưỡi. Từ vật thể đồ ăn thức uống, theo tính biểu trưng trong tiếng Việt, “hương vị” khai quát hóa thành biểu cảm phi vật thể: hương vị quê hương, hương vị tổ quốc, hương vị tết nhất, hương vị cuộc đời… Ấy là hương vị tiếng nước tôi!