“Người quân tử ăn chẳng cầu no”… là bởi vì người quân tử đói, người quân tử thiếu dinh dưỡng… nên giận mà nói vậy thôi. Không tin, hỏi nhà thơ Nguyễn Công Trứ thuở còn hàn vi thì biết. Trong bài Hàn nho phong vị phú, ông viết: “Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no…”
Một người bạn Việt kiều, anh Chinh Nguyên, “meo” cho tôi sau khi đọc bài Chữ Nhàn (đã đăng trên DNSGCT3): “Ở Mỹ bây giờ người ta có những cái trái khoáy như ăn cho sướng miệng rồi leo lên máy chạy hùng hục như ma đuổi, trong khi bồn cỏ trước nhà thì thuê người cắt tỉa; rồi còn có phong trào kiện những quán ăn fast-food vì “ai bảo mày dụ tao ăn”. Cái vòng luẩn quẩn ăn rồi bệnh, bệnh rồi uống thuốc, uống thuốc cho khỏi để ăn…?”.
Để ý một chút, ta thấy bộ máy tiêu hóa của ta là một cái ống dài từ miệng đến hậu môn, phình ra chỗ này, thắt lại chỗ kia, ngoằn ngoèo chỗ nọ để trở thành thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già… Thức ăn đi xuyên qua cái ống đó được cắt xé, nghiền nát, nhồi trộn, nhào nặn, chuyển hóa, hấp thu… để “hút” vào cơ thể những chất dinh dưỡng.
Cả một bộ máy làm việc quần quật suốt ngày đêm không mệt mỏi như vậy chỉ để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho cơ thể hoạt động. Mỗi ngày có hơn một lít nước bọt được tiết ra nhằm giúp cho miệng không bị khô và tiêu hóa một phần thức ăn.
Ở những người hay cau có, quạu cọ thì nước bọt tiết ra ít đi, dễ bị đắng miệng, khô miệng, hôi miệng. Hệ thống nhung mao ở ruột non có tổng diện tích lên đến 250m2, bằng cả một cái sân tennis, để hấp thu các chất bổ dưỡng trôi qua.
Bất cứ một trục trặc gì trên cái ống tiêu hóa đó đều có thể gây ra những rắc rối đáng tiếc: Một người thường bị bón chẳng hạn sẽ dẫn đến hôi miệng, ăn mất ngon, ngủ không yên, cáu gắt và rất dễ bị… thất bại trong chuyện làm ăn! Sự căng thẳng, lo âu, sợ hãi hoặc vui vẻ… đều có tác động đến tiêu hóa.
Người ta làm thí nghiệm: cứ mỗi lần cho thỏ ăn thì giật điện một cái, chẳng bao lâu thỏ bị loét bao tử. Vì thế mà tục ngữ mới có câu Trời đánh tránh bữa ăn! Những bữa ăn của chúng ta mà luôn trong không khí căng thẳng thì cũng dễ dẫn đến đau bao tử.
Lâm Ngữ Đường có một nhận xét thú vị: “Chúng ta có một cái bao không đáy gọi là bao tử… Nó ảnh hưởng đến văn minh của nhân loại… Nếu con người có được cái diều như diều chim, có cái dạ dày của loài nhai lại chắc là không có tình trạng hiếu chiến, tàn ác vì loài ăn cỏ, ăn hạt đều hiền lành, loài ăn thịt đều hiếu sát… Gà trống cũng thường đá nhau nhưng không phải vì thức ăn mà vì gà mái. Con người mà có cái diều như gà thì…” (Sống đẹp – bản dịch Nguyễn Hiến Lê).
Tội nghiệp cho cái “bao không đáy” còn gọi là bao tử hay dạ dày đó của chúng ta! Nó là một bộ phận quan trọng của bộ tiêu hóa, đảm nhận việc “nạp năng lượng” để ta duy trì sự tồn tại và hoạt động.
Để tiêu hóa được thức ăn, dạ dày phải tiết ra một chất acid mạnh mà nếu không khéo tự bảo vệ thì chính acid này sẽ tiêu hóa ngay bản thân nó, làm cho nó lở loét tùm lum mà ta gọi là loét bao tử (loét dạ dày).
Nói chung, ít khi ta thương hại cái dạ dày của mình, trái lại ta sẵn sàng nhồi nhét vào đó càng nhiều càng tốt, từ thịt cá voi đến rắn mối, tắc kè, chuột bọ, dế nhũi, bò cạp, cào cào, châu chấu, cóc kẹ… và sẵn sàng đổ vào đó hàng lít rượu đế, Whisky, Vodka, hàng két bia và vô số những chất khác như… “dư lượng” thuốc trừ sâu, giun đầu gai v.v… lẩn trong thức ăn chưa sạch!
Tóm lại, Người quân tử ăn chẳng cầu no… nhưng ta bây giờ chẳng những cần ăn no, đủ năng lượng, đủ chất dinh dưỡng mà còn phải biết chọn thực phẩm sao cho an toàn, để vừa tránh béo phì vừa đủ sức mà “bận rộn” chứ, phải không?
Hẹn thư sau. Thân mến.