Năm 1864, anh hùng Trương Định bị chó săn Huỳnh Tấn phục kích giết chết. Cuộc kháng chiến hào hùng và oanh liệt nhất ở đất Nam kỳ đã bị dập tắt.
Để giới thiệu “chiến lợi phẩm văn hóa” với các nước phương Tây, Grabriel Aubaret đã dịch tác phẩm Lục Vân Tiên ra tiếng Pháp và viết lời giới thiệu, có đoạn: “Truyện thơ Lục Vân Tiên này phổ biến trong dân gian đến mức là ở Nam kỳ không một người đánh cá hay người lái đò nào không hát một vài câu thơ ấy khi họ chèo thuyền”.
Qua lời giới thiệu này, có thể thấy tác phẩm Lục Vân Tiên lúc ấy đã nổi tiếng, ảnh hưởng sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân Nam kỳ và người viết ra tác phẩm ấy – nhà giáo Nguyễn Đình Chiểu cũng được nhân dân quý mến như thế nào.
Theo Nguyễn Đình tộc phổ, Nguyễn Đình Chiểu nguyên quán ở làng Bồ Điền, huyện Phong Điền (Thừa Thiên), sinh vào giờ Dậu, ngày 1-7-1822 tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình (Gia Định) là con trai của ông bà cụ Nguyễn Đình Huy và Trương Thị Thiệt. Năm 1833, khi Lê Văn Khôi – con nuôi Lê Văn Duyệt nổi lên chống lại sự hà khắc của triều đình Huế, Nguyễn Đình Chiểu theo cha ngược ra Thừa Thiên để tránh loạn và học tập.
Mãi đến năm 19 tuổi, ông mới trở về Nam và thi đậu Tú tài tại Trường thi Gia Định. Với bao nhiêu hăm hở: “Nay đà gặp hội long vân”, ông tiếp tục dùi mài kinh sử. Rồi năm 1846, lúc 25 tuổi, ông ra Huế học cùng với em trai mới lên 10 là Nguyễn Đình Tựu để chờ khoa thi năm 1849. Cũng giống nhân vật Lục Vân Tiên, với biết bao ước mơ trong sáng, hy vọng đang mở ra trước mắt:
Theo thầy nấu sử sôi kinh
Tháng ngày bao quản sân Trình lao đao
Văn đà khởi phụng đằng giao
Võ thêm tam lược lục thao ai bì!
Nhưng hỡi ôi, trước ngày bước vào trường thi, Lục Vân Tiên cũng như Nguyễn Đình Chiểu đều nghe tin mẹ mất:
Mình gieo xuống đất vật vờ hồn hoa
Hai hàng nước mắt nhỏ sa
Trời Nam đất Bắc xót xa đoạn trường
Anh em ai nấy đều thương
Trời ơi! Sao nỡ lấp đường công danh
Thế là Nguyễn Đình Chiểu – Lục Vân Tiên phải bỏ khoa thi, trở về Nam chịu tang mẹ. Suốt đường đi, vì quá thương nhớ mẹ nên ông đã khóc ngày khóc đêm đến sưng cả mắt. Về tới Quảng Nam, ông ốm nặng phải nghỉ chữa bệnh tại nhà thầy thuốc thuộc dòng dõi ngự y, nhưng cuối cùng cũng giống như số phận của Lục Vân Tiên:
Bạc tiền tốn đã hơn trăm
Mình ve khô xép, ruột tằm héo hon
Thương thay tiền mất tật còn
Bơ vơ đất khách chon von thế này
Vì bệnh tình quá trầm trọng, ông đã bị mù cả hai mắt. Nếu Lục Vân Tiên, cuối cùng:
Nửa đêm nằm thấy ông tiên
Đem cho linh dược mắt liền sáng ra
Thì với ông, đó chỉ là niềm mơ ước không bao giờ thành. Và cho đến cuối đời, ông đã phải sống trong mù lòa tăm tối. Để trở thành một người hữu ích, ông chuyển sang học thuốc, chữa bệnh cho dân và mở trường dạy học ở Gia Định.
Từ đây, trong nhân dân quen gọi thầy với cái tên thân thương và kính trọng: Thầy Đồ Chiểu. Đó là năm 1851, Nguyễn Đình Chiểu tròn 30 tuổi.
Thời gian này, ngoài thời giờ dạy học, có lẽ ông bắt tay vào viết tác phẩm Dương Từ – Hà Mậu gồm 3.456 câu thơ, nêu rõ trách nhiệm của kẻ sĩ là phải một lòng vì dân vì nước.
Sau khi tác phẩm hoàn thành, ông cho người bạn là Lê Quang Thinh mượn đọc. Đọc thấy hay quá, người này lại cho ông Lê Tăng Quýnh mượn. Ông Quýnh đọc xong, lấy làm khâm phục và gả em mình cho ông.
Năm 1854, Nguyễn Đình Chiểu và Lê Thị Điền kết duyên vợ chồng. Trong thời gian dạy học ở Gia Định, nghe tiếng thầy, học trò theo học rất đông.
Những bài học giáo hóa đầu tiên, có thể Nguyễn Đình Chiểu đã vận dụng từ tập thơ Dương Từ – Hà Mậu nhằm rèn luyện tâm tính, khuyên những điều hay lẽ phải tránh xa những điều ác, điều xấu, đề cao đạo đức nhân, lễ, nghĩa, trí, tín:
Thánh xưa hiền trước để lời
Phò vua, giúp nước, sửa đời, dạy dân
Học cho biết lẽ quân thần
Biết phần quân tử, biết phần hiếu trung
Khuyên học trò phải tự nâng cao thêm trình độ bằng cách đọc sách:
Gặp thuở mây xanh siêng đọc sách,
Mỗi câu đều hưởng phúc trời cho.
Không như người khác, khi tôn sùng Nho giáo thì nhắm mắt rập khuôn mù quáng, ông dạy:
Học rồi phải tính đến hành
Làm đừng nhút nhát mà danh chẳng tròn
Lại còn chủ trương “học thầy không tày học bạn” với lời khuyên:
Chỗ nào sót ý, phân âu xét bàn
Miễn cho thấy đạo rõ ràng
Chớ e hỏi dưới ngỡ ngàng hổ ngươi
Cái gốc của sự học đối với ông là tinh thần yêu nước, thương dân:
Mến nghĩa bao đành làm phản nước,
Có nhân nào nỡ phụ tình nhà.
Khi Nguyễn Đình Chiểu đang đem hết công sức rèn tâm, luyện đức cho môn sinh thì thực dân Pháp đã điên cuồng nã pháo tấn công Đà Nẵng.
Ngày 11-2-1859 chúng kéo quân vào Cần Giờ. Vợ chồng ông phải tay bồng tay bế, dắt díu con thơ về Cần Giuộc lánh nạn. Sau một thời gian ở chung nhà với anh vợ là Lê Tăng Quýnh, gia đình ông dời về ở chùa Tôn Thạnh (tức chùa Ông Ngộ).
Tại đây, ông tiếp tục mở trường dạy học và có thể là thời điểm hoàn thành tác phẩm Lục Vân Tiên. Bên cạnh đó, ông còn tham gia vào cuộc khởi nghĩa chống Pháp bằng cách đi lại, bàn bạc công việc cứu nước với các bạn hữu như Trương Định, Hồ Huấn Nghiệp, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa… Năm 1861, giặc Pháp đánh chiếm Cần Giuộc, ông viết bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc – để biểu dương công trạng và tinh thần chiến đấu của những nghĩa quân bỏ mình vì Tổ quốc.
Ngoài ra, ông còn viết Ngư tiều y thuật vấn đáp – gồm 3.642 câu lục bát và 21 bài thơ Đường luật cùng một số bài thuốc.
Qua tác phẩm này, ông quan niệm học thuốc không những để chữa bệnh về thể xác mà còn lồng vào đó tinh thần yêu nước để “tẩy rửa” tâm hồn người đọc trước thảm họa mất nước:
Thà đui mà giữ đạo nhà
Còn hơn có mắt ông cha không thờ
Thà đui mà khỏi danh nhơ
Còn hơn có mắt ăn dơ tanh rình
Thà đui mà đặng trọn mình
Còn hơn có mắt đổi hình tóc râu
Không chỉ là một thầy giáo sống thanh bần, giữ tiết tháo, ông còn là người chiến sĩ ở tuyến đầu. Dù đui mù, nhưng ông vẫn đứng ra làm quân sư cho nghĩa quân kháng chiến. Giữa lúc giặc Pháp đang chiếm ưu thế trên chiến trường, ông đã dạy học trò:
Hễ làm người chớ ở hai lòng,
Đã vì nước phải theo một phía.
Và nhất là phải có thái độ yêu ghét rõ ràng: “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương”, nhân vật ông quán trong Lục Vân Tiên nói lên quan điểm yêu, ghét rạch ròi:
Ghét thời Trụ, Kiệt mê dâm
Để dân đến nỗi sa hầm sảy hang
Ghét thời U, Lệ đa đoan
Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần
Ghét đời Ngũ bá phân vân
Chuộng bề dối trá làm dân nhọc nhằn
Ghét đời Thúc quý phân băng
Sớm đầu tối đánh lằng nhằng rối dân
Dù không cầm súng trực tiếp đánh giặc nhưng đối với giặc Pháp, ông “ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ”, “muốn tới ăn gan”, “muốn ra cắn cổ”.
Do đó năm 1862, khi Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp ký Hòa ước nhường ba tỉnh miền Đông cho giặc thì ông rời Cần Giuộc về Ba Tri. Về đây, ông tiếp tục mở trường dạy học và làm thuốc cứu dân.
Trong những năm tháng này, dù nghèo, nhưng ông sống rất thanh bần. Có lần, tên chủ sự thương chánh Michel Ponchon, chủ tỉnh Bến Tre đến tận nhà gửi tiền nhuận bút cho sách Lục Vân Tiên được dịch ra tiếng Pháp nhưng ông cương quyết không nhận.
Lần khác, Ponchon lại đến nhà tìm cách mua chuộc, hứa hẹn sẽ trả lại đất ở Tân Thới (Gia Định), ông khẳng khái đáp: “Cám ơn các ông, đất chung đã mất thì đất riêng làm sao còn?”.
Tương truyền, thầy Đồ Chiểu ghét giặc đến nỗi không sử dụng xà phòng của Pháp, chỉ dùng theo cách dân gian xưa nay là lấy nước tro để giặt quần áo; không đi trên đường nhựa do Pháp làm…
Chính thái độ yêu ghét rạch ròi này đã cho thấy nhân cách của Nguyễn Đình Chiểu. Nhân cách này đã khiến chính người Pháp cũng phải khâm phục và bày tỏ thái độ kính trọng.
Năm 1883, Michel Ponchon sau khi đến thăm ông đã viết lại cảm tưởng: “Cụ Đồ là một ông già cao lớn đẹp đẽ, gương mặt điềm tĩnh, xanh xao đầy vẻ tao nhã. Lời nói của cụ rất thanh tao, trôi chảy và tôi nghe cụ nói được rõ ràng đầy đủ. Về phần tôi thì khác hẳn, cụ không nghe được tôi vì cụ đã hoàn toàn điếc”.
Sau những giây phút gặp gỡ, trò chuyện này, “cụ khước từ tất cả các món tưởng lệ bằng tiền bạc”. Thái độ này đã khiến cho “Tất cả những người có mặt tại đó – nên biết là đông lắm đều kính cẩn nghe cụ, vì ai ai cũng đều tôn trọng cụ”.
- Xem thêm: Lại nghĩ về nguyên bản Dạ Cổ Hoài Lang
Còn Eugène Bajot viết trong lời tựa truyện Lục Vân Tiên rằng: “Dư luận báo chí đặt vấn đề cấp tiền dưỡng lão cho người thi sĩ nhân dân của nước Việt Nam hiện còn đang sống giữa chúng ta.
Nhưng khi được hỏi ý kiến về vấn đề này, Nguyễn Đình Chiểu trả lời ngay rằng ông lấy làm cảm kích về sự quan tâm của người Pháp đối với ông và khước từ số tiền đó vì ông đang sống trong sự tôn kính đầy đủ của các môn đệ và sự quý mến của đồng bào ông”.
Cuối năm 1885, ở Ba Tri, Nguyễn Đình Chiểu lóe lên niềm hy vọng khi được tin vua Hàm Nghi bỏ kinh thành Huế, chạy ra Quảng Trị dựng cờ Cần Vương.
Nhưng rồi Trương Quang Ngọc bắt vua trao cho giặc. Từ đó, ruột gan ông ngày một héo hon, khóc thầm cho vận nước.
Năm 1886, bà Lê Thị Điền qua đời. Hai năm sau, trong tờ trình hàng tháng của chủ tỉnh Bến Tre gửi cho Thống đốc Nam Kỳ có đoạn viết: “Người bản xứ Đồ Chiểu, tác giả Lục Vân Tiên đã chết tại Ba Tri (làng An Bình Đông) trong đêm 24-5 Âm lịch tức ngày 3-7-1888”.
Nguyễn Đình Chiểu thọ 66 tuổi, đám tang rất đông người dự, các học trò cũ đã khóc thảm thiết đưa thầy về nơi chín suối. Hôm đưa tang, khăn tang trắng cả cánh đồng An Bình Đông (nay là xã An Đức, huyện Ba Tri, Bến Tre).
Đặc biệt năm 1971, tại miền Nam đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm Nguyễn Đình Chiểu “nhằm làm sống lại hình ảnh hào hùng của một văn tài lỗi lạc, một nhà đại đức đáng kính, một bậc chí sĩ đầy khí phách” kéo dài từ ngày 11-7-1971 đến 19-7-1971.
Mở đầu là cuộc viếng mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu tại Ba Tri (Bến Tre) – trong đoàn có nhà văn Sơn Nam, nhà thơ Mộng Tuyết, Kiên Giang, nghệ sĩ Năm Châu…; ngày 16-7-1971, GS Nguyễn Duy Cần thuyết trình Con người toàn diện Nguyễn Đình Chiểu tại Đại học Văn khoa Sài Gòn; tại Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn diễn tuồng hát bội Lục vân Tiên do nhà nghiên cứu Đỗ Văn Rỡ soạn… Đây là kỷ niệm 150 năm ngày sinh của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, tính theo tuổi ta.
Còn tại miền Bắc lại tổ chức vào tháng 6-1972. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nêu rõ: “Thông qua kỷ niệm lần này, cần động viên học tập và phát huy tinh thần yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, củng cố lòng tin sắt đá vào tiền đồ của Tổ quốc, nâng cao ý chí chiến đấu, bảo vệ và tăng cường miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ra sức chi viện tiền tuyến lớn đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Dịp này Viện Văn học có xuất bản tập sách Nguyễn Đình Chiểu – tấm gương yêu nước và lao động nghệ thuật.
GS Trần Văn Giàu đã nhận định sâu sắc về cuộc đời của tác giả Lục Vân Tiên trong tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu đạo làm người: “Cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu là một cuộc đời điển hình (sĩ phu yêu nước) trong một hoàn cảnh điển hình (đất nước bị xâm lăng).
Con người Nguyễn Đình Chiểu không phải sống tùy thời theo lục bình trôi theo dòng nước khi lớn khi ròng, mà từ đầu chí cuối đứng sừng sững như cây dừa, rễ ăn sâu, thân đứng thẳng, đương đầu bất khuất với thời cuộc mỗi lúc mỗi thêm bi đát, giữ được đến cuối cùng cái chính khí bản nhiên, cái ý chí quang phục, cái nhân cách Việt Nam.
Vừa bằng cuộc đời, vừa bằng văn thơ, Nguyễn Đình Chiểu để lại cho chúng ta một đạo làm người nhất quán yêu nước thương dân, trọng nghĩa khinh tài, trong sạch bất khuất, được đồng bào quý mến, còn kẻ thù thì kính nể”. Với Nguyễn Đình Chiểu, từ cuộc đời đến tác phẩm là một sự nhất quán:
Sự đời thà khuất đôi tròng thịt
Lòng đạo xin tròn một tấm gương
Suốt đời ông đã sống và viết trọn vẹn với tuyên ngôn:
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.
Có thể nói, tất cả phẩm chất tốt đẹp của Nguyễn Đình Chiểu đã thể hiện rất rõ nét qua nhân vật Lục Vân Tiên trong tác phẩm cùng tên.
Giữa nhân cách tác giả và nhân vật có nhiều điểm tương đồng, do đó, ngoài tình tiết hấp dẫn, câu chữ du dương của thơ lục bát, tác phẩm Lục Vân Tiên được phổ biến sâu rộng ở Nam Kỳ đầu thế kỷ 20 cũng là điều hợp lý.
Vẫn biết mọi so sánh đều khập khiễng, tuy nhiên, cho phép tôi thử nêu ra vài điểm tương đồng giữa Truyện Kiều và Lục Vân Tiên, không ngoài mục đích để thấy sự phổ biến và tầm ảnh hưởng của hai tác phẩm trứ danh này trong tâm thức dân gian.
Nếu nhân vật Thúy Kiều, Thúc Sinh, Từ Hải… của Truyện Kiều đi vào ca dao, dân ca, hát trống quân, hát ví, hát sa mạc, hát giặm… thì Lục Vân Tiên cũng tương tự.
Chẳng hạn, trong dân ca Nam bộ: “Anh đây cũng muốn kết ngãi ân/ Anh không phải thằng Bùi Kiệm sao chín mười phần bạn nghi”; “Con rắn hổ nó mổ con rắn rồng/ Tiền kẽm xỉa với tiền kẽm, tiền đồng xỉa riêng/ Nguyệt Nga kết với Vân Tiên/ Anh em Bùi Kiệm đứng riêng ra ngoài”…
Trong hò chèo ghe Minh Hải: “Anh đi lục tỉnh giáp vòng/ Đến đây trời khiến đem lòng thương em/ Gá duyên thì phải lựa, phải xem/ Coi thử đó là thằng Bùi Kiệm hay anh Vân Tiên em mới trao lời”…
Trong hò mái nhì ở Bình Trị Thiên: “Bớ em ơi, Em đừng suy nghĩ thiệt hơn/ Hay ở như Nguyệt Nga ngày trước, lòng dạ keo sơn không dời”; trong hò mái đẩy: “Đôi lứa ta như Nguyệt Nga ngày trước/ Đã trao lời ước nguyện với Vân Tiên/ Vai mang tượng gỗ, giữ lời nguyền không phai”…
Trong hò chèo ghe Nhà Bè – nam hò: “Em ơi, gái kiếm chồng nơi giàu sang nương tựa/ Đặng sáng tới chiều lên ngựa xuống xe/ Đừng lấy thằng ghe chài, sáng ngồi lườn, tối lại nằm be/ Để thân con gái má phấn không kẻ chở che, uổng đời”, nữ đáp: “Chuyện nợ duyên ông Tơ bà Nguyệt định bởi trời/ Anh ơi đừng giở thói bốc rời/ Giả như Bùi Kiệm để tiếng đời hậu lai”…
Trong ca dao miền Nam: “Chiều chiều vịt lội ao sen/ Tình cờ tôi gặp người quen tôi chào/ Chào cô trước mũi tiên phuông/ Chào cô sau lái mặt vuông chữ điền/ Người nào là vợ anh Vân Tiên?/ Nói cho tôi biết, tôi chào liền chị dâu/ Còn người nào người nghĩa tôi đâu?/ Nói cho tôi biết, tôi gửi câu ân tình” …
Nếu nội dung Truyện Kiều được vận dụng hát “đối đáp” thì Lục Vân Tiên cũng tương tự. Chẳng hạn, hỏi: “Tiếng thơ anh thuộc làu thông/ Hãy nói cho em biết truyện Vân Tiên có mấy ông, mấy bà?”; đáp: “Thứ đầu truyện ấy chép ra/ Ở trong sách ấy chỉ có một bà, một ông/ Ông thì nhổ mạ trên giồng/ Bà thì đi cấy tiền công hai đồng”; hỏi: “Thấy em hay chữ, anh hỏi thử đôi câu/ Tại sao con gái họ Võ không chịu làm dâu Đông Thành”, đáp: “Nghe đây, em cắt nghĩa cho anh rành/ Tại vợ chồng họ Võ sử sanh con bất nghì”…
Nếu nhân vật Truyện Kiều đưa vào câu đố thì Lục Vân Tiên cũng tương tự. Chẳng hạn, đố (xuất nhân): “Ai vừa ra khỏi trường thi/ Nghe tin mẹ vãng, vật mình khóc than?/ Ai mà bị bỏ vào hang/ Về sau thi đỗ làm quan tại trào?”, đáp: Lục Vân Tiên; hoặc lấy câu của Trịnh Hâm nói với ông Quán, đố (xuất ngư): “Gối rơm theo phận gối rơm/ Có đâu dưới thấp mà chờm lên cao?”, đáp: Cá leo…
Nếu Truyện Kiều có Hậu Truyện Kiều thì Lục Vân Tiên cũng có Hậu Vân Tiên diễn ca của Trần Phong Sắc (1925), Hậu Vân Tiên của Nguyễn Bá Thời (1932), Hậu Vân Tiên của Hoành Sơn (1933)…
Nếu Truyện Kiều được người đời sau tìm cảm hứng, chuyển qua các loại hình nghệ thuật khác thì Lục Vân Tiên có Lục Vân Lục Vân Tiên phú của Võ Kim Thắm (1910), Thơ Bùi Kiệm dặm của Nguyễn Văn Tròn (1913)…
Bên cạnh đó, còn có thể kể đến Thơ tuồng Lục Vân Tiên của Đặng Nghi Lễ (1907), Tuồng Lục Vân Tiên của V.C (1922), Đỗ Văn Rỡ (1971), Nguyệt Nga cống Hồ của Hồ Biểu Chánh (1943), Lời thơ kiếm sắc của Hà Văn Cầu (1982)…
Về ca kịch cải lương có Lục Vân Tiên của Cao Hoài Sang (1923), Năm Châu (1971), Kiều Nguyệt Nga của Ngọc Cung (1955); về kịch múa ballet có Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga, kịch bản Nghiêm Chí, GS Ca Lê Thuần viết nhạc (2000)…
Nếu có Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh thì cũng có Từ điển Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Khắc Thuần (1989), Từ ngữ – thơ văn Nguyễn Đình Chiểu của Nguyễn Thạch Giang (2000)…
Nếu Truyện Kiều có nhiều dị bản, đâu là nguyên bản của Nguyễn Du? Các nhà nghiên cứu đau đáu đi tìm và đã có nhiều tranh luận dữ dội về từng câu chữ thì trường hợp Lục Vân Tiên cũng tương tự. Về số câu, qua các bản in đã có sự khác biệt, chẳng hạn, 2082 câu (bản Nguyễn Thạch Giang, 1976), câu kết: “Trăm năm biết mấy tinh thần/ Sinh con sau nối gót lân đời đời”; 2245 câu (bản Văn Minh, 1924), câu kết: “Nôm na dù vụng hay hèn/ Cũng sin lượng biển, uy đèn thứ cho”; 2076 câu (bảng Nguyễn Quảng Tuân – Nguyễn Khắc Thuần, 1989), câu kết giống bản Nguyễn Thạch Giang; 2152 (bản Trường Thành, 1998), câu kết: “Gương đời trong sáng đẹp tươi/ Để cho thiên hạ người người soi chung)… sự dị biệt này là lẽ tất nhiên khi mà tác phẩm được truyền miệng qua năm tháng; và do yêu mến nên công chúng đã góp phần thay đổi, sáng tạo thêm theo cách nghĩ của họ, rồi cũng có thể do trí nhớ nên dẫn đến sai lệch về câu, chữ…
Nhìn chung những nét tương đồng về sự lan tỏa này đã cho thấy sức sống Truyện Kiều và Lục Vân Tiên rất mãnh liệt. Với Lục Vân Tiên còn có thêm bài đồng dao được hát trong trò chơi cõng mẹ: “Vân Tiên cõng mẹ đi ra/ Đụng phải cột nhà, cõng mẹ đi vô/ Vân Tiên cõng mẹ đi vô/ Đụng phải cái bồ, cõng mẹ đi ra/ Vân Tiên cõng mẹ đi ra/ Đụng phải bà già, cõng mẹ đi vô…”.
Ở trò chơi này, hai em nhỏ hoặc hai nhóm bạn phân công nhau, một bên “đi ra”, một bên “đi vô” – nghĩa là bên nào cũng tìm ngay câu kế tiếp trùng vần với câu vừa đọc lên. Nếu ậm ừ, không tìm ra vần, không ứng tác được ngay hoặc lập lại câu đã nói thì bên đó thua cuộc, phải cõng bên thắng.
Không những thế, Lục Vân Tiên đã mở ra một loại hình mới trong văn học dân gian miền Nam: nói thơ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp giải thích: “Nếu dân ca là sự dung hòa của giọng nói địa phương và các thể văn thơ bình dân thì, nói thơ, với lối diễn xướng “có ca vần” biểu đạt tự nhiên, hấp dẫn đặc thù (nói như hát, hát như nói – nhưng không phải là “hát nói”) nên được xem như một trường phái – trường phái mang tính “hát kể”.
Có người thắc mắc: “Đã là thơ sao lại không ngâm, mà nói?”. Đơn giản, vì đích thực nghệ thuật diễn đạt “dòng thơ đặc trưng Nam Bộ” này – mà tiêu biểu là tác phẩm truyện thơ Lục Vân Tiên – nhứt thiết người nghệ sĩ dân gian phải… “nói”.
Cho dù có “cầm bổn”, nghĩa là chưa thuộc lòng, họ cũng chỉ thể hiện bằng cách “nói”, và “nói” thôi, chứ không “đọc”.
Đặc biệt nhất, có lẽ phải nhắc đến từ hình tượng nhân vật Lục Vân Tiên, các nghệ sĩ đàn ca tài tử phương Nam đã sáng tác thành các bài theo điệu tứ đại oán, phụng hoàng, bình bán vắn… trong đó nổi tiếng nhất Tứ đại oán Tứ đại oán Bùi Kiệm thi rớt trở về.
Chính bài ca này, qua các lối diễn xuất dần dần được cải tiến để trở thành hình thức “ca ra bộ” với vai trò tiên phong của nghệ sĩ Tống Hữu Định (Vĩnh Long), Nguyễn Tống Triều (Mỹ Tho), André Thận (Sa Đéc)… đã đặt nền móng cho sân khấu ca kịch cải lương sau này. Như thế, vô hình trung, tác phẩm Lục Vân Tiên đã là mầm mống khởi đầu cho một loại hình nghệ thuật mới.
Sức sống, tinh thần của Lục Vân Tiên đến nay đã trở thành biểu tượng, là một trong những tính cách tiêu biểu của người Sài Gòn và Nam bộ: “Giữa đàng thấy chuyện bất bình chẳng tha”.
Tính cách nghĩa hiệp ấy trở thành lẽ sống, tinh thần phụng sự bất vụ lợi: “Làm ơn há dễ trông người trả ơn” đã trở thành triết lý sống, di sản văn hóa của người Việt Nam, chứ không riêng gì ở phương Nam – một phần đất ruột thịt trong một khối đồng bào thống nhất.