Có một nhà thơ đã từng viết về Xứ Đoài với những câu mở đầu như sau:
Xứ Đoài ơi bồng bềnh mây trắng
Chiều tím nghiêng thành cổ rêu xanh
Tường đá ong ngậm mầu mưa nắng
Tích Giang trôi bóng dáng quê mình.
Từ Hà Nội theo Quốc lộ 32 đi về phía tây khoảng 45km là tới địa phận thị xã Sơn Tây. Ở đây có một khu thành cổ kiên cố có tuổi đời gần 200 năm, được xây bằng một loại vật liệu rất độc đáo, đó là đá ong.
Thành cổ Sơn Tây nằm ở trung tâm thị xã Sơn Tây – Hà Nội, thuộc phần đất hai làng cổ Thuận Nghệ và Mai Trai. Đây là tòa thành quân sự, được xây bằng đá ong, một loại vật liệu truyền thống và rất phổ biến ở vùng đất Sơn Tây.
Thành xây theo kiểu vauban, có kiến trúc hình vuông, mỗi chiều dài khoảng 400m, cao 5m, mặt thành rộng 4m và có nhiều lỗ quan sát để cho quân lính nấp phía trong bắn súng ra ngoài hoặc dùng giáo mác tấn công khi đối phương tìm cách trèo lên tường thành.
Thành có bốn cửa quay ra bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và lần lượt mang tên: cửa Tả, cửa Hữu, cửa Tiền và cửa Hậu. Trên mỗi cửa đều có vọng lâu (lầu canh). Xung quanh thành có hào sâu 3m, rộng 20m, chu vi khoảng 2.000m. Hào hộ thành được nối thông với sông Tích Giang tại góc phía Tây Nam thành.
Trục kiến trúc chính của thành là trục nối hai cửa Tiền và cửa Hậu.
Phía xa bên ngoài thành chính có một vòng thành ngoài, gọi là La Thành, được đắp bằng đất, cao 3,5m, hình ngũ giác, bên ngoài có lũy tre dày đặc bao bọc. Thành ngoài cũng mở bốn cổng trông ra bốn hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc.
Một phần thành này nay chính là đường La Thành.Bên trong thành, các công trình quan trọng đều được xây dựng đối xứng trên trục trung tâm Nam – Bắc. Chính giữa là “Vọng cung nữ”, là nơi nghỉ của vua mỗi khi đi tuần thú và cũng là nơi để các quan trong trấn tế lễ hằng năm, hoặc “bái vọng” mỗi khi có chiếu chỉ của nhà vua ban xuống.
Trước điện Kính Thiên là một sân rộng lát gạch, phía ngoài cổng có bức bình phong xây bằng gạch, trên có đắp nổi hình “long vân khánh hội” (rồng mây gặp hội).Tiếp đó là Đoan môn có ba cửa ra vào, nhìn thẳng ra kỳ đài cao khoảng 18m được xây trên một bệ lớn bằng đá ong.
Về phía tây có Võ miếu, là nơi thờ cúng những người đã hy sinh trong khi chiến đấu bảo vệ thành.Ở bốn góc thành có bốn giếng nước to hình vuông, sâu khoảng 6m và có cả bậc xây bằng đá ong xuống tận đáy.Cạnh đó là dinh thự và công đường của các quan đầu tỉnh. Về phía đông có khu trại giam, kho lương và nơi ở của vợ con binh lính đồn trú trong thành.
Năm 1884, quân Pháp đánh chiếm thành. Đến năm 1924, Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Martial Henri Merlin đã ra nghị định xếp hạng di tích thành cổ này. Đặc biệt, vào tháng 12-1946, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tổ chức một cuộc họp quan trọng tại đây.
Qua gần 200 năm, sau nhiều cuộc chiến tranh và thời gian, thành cổ Sơn Tây đã bị phá hủy phần lớn. Hiện chỉ còn lại dấu tích một số đoạn tường thành, cổng thành và một vài công trình sót lại trong khu vực thành cổ như vọng lâu, nền điện Kính Thiên, giếng nước, hai khẩu súng thần công…
Với những giá trị đặc biệt như trên, năm 1994, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận thành cổ Sơn Tây là Di tích Lịch sử Kiến trúc Quốc gia. Năm 2009, UBND Thành phố Hà Nội đã ra quyết định cải tạo, chỉnh trang và phục dựng lại một số di tích trong Khu thành cổ này để phục vụ cho Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Hiện nay, thành cổ đá ong Sơn Tây đã trở thành một di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc quân sự độc đáo thu hút khách tham quan. Vào mùa xuân, đến thăm thành cổ Sơn Tây, du khách sẽ được ngắm nhìn hàng cây cơm nguội khoe lá mới.Tháng 3 hoa gạo nở đỏ rực.Thu tới những hàng bồ kết dại tỏa sắc vàng. Và đặc biệt hơn cả là hình ảnh những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi tỏa bóng mát quanh năm và vươn dài bộ rễ sần sùi theo năm tháng ôm trùm lấy những bờ tường, cổng thành rêu phong cổ kính tạo ấn tượng thật khó quên.