Chuẩn bị cho năm học 2013-2014 sắp tới, hiện nay các chương trình học bổng quốc tế đã ráo riết khởi động chiêu sinh. Tại sao bạn lại “tự nguyện” đứng bên lề những con đường học vấn dẫn tới tương lai đang rộng mở? Bạn không đủ tự tin hoặc không biết cách nắm bắt cơ hội xin học bổng? DNSGCT xin giới thiệu một số kinh nghiệm của các sinh viên đã thành công trên con đường tự mình tìm học bổng du học.
Muốn du học, bạn cần có quá trình chuẩn bị và xác định về ngành học, trường học, đất nước mình sẽ đến du học; tất nhiên cạnh đó vấn đề học lực, ngoại ngữ là những mấu chốt không thể thiếu.
Chuẩn bị “từ xa”
Anh Trần Bá Khôi Nguyên, sinh viên năm thứ hai ngành toán ứng dụng Trường ĐH Duke (Mỹ), cho biết đã phải dành hẳn hai năm để chuẩn bị cho quá trình du học. Và kết quả là Nguyên nhận được hơn 10 học bổng từ các trường đại học danh tiếng trên thế giới như ĐHCambridge(Anh), ĐH Stanford (Mỹ), SMU (Singapore)…
Chứng kiến những trường hợp sinh viên hoàn toàn đủ khả năng xin học bổng nhưng lại thiếu tự tin và chọn cho mình giải pháp vay tiền đi du học tự túc, chị Khánh Thương, cựu sinh viên University of Technology, Sydney (bằng học bổng ADS của Chính phủ Úc), trong một hội thảo đã đưa ra lời khuyên: “Đừng đánh giá thấp bản thân, hãy mạnh dạn nộp hồ sơ xin học bổng. Hãy tự cho mình một cơ hội”. Một trong những bước quan trọng nhất trong quá trình xin học bổng du học là chọn trường, chọn học bổng.
Chị Đỗ Minh Thùy (cựu sinh viên Indiana University) cho biết mỗi học bổng có những yêu cầu, tiêu chí riêng, nhưng đừng vì không đáp ứng được một vài tiêu chí trong số đó mà vội vã bỏ cuộc. Có thể bạn không có bằng khá, giỏi nhưng nếu bạn chứng minh được năng lực của mình, bạn vẫn có cơ hội giành được học bổng mong muốn.
Còn anh Nguyễn Khắc Giang, người vừa nhận học bổng Eramus Mundus, cho biết ngay từ khi ra trường anh đã lập danh sách 15 loại học bổng mình có cơ hội tham dự, và đặt thứ tựưu tiên, tập trung vào 2-3 loại học bổng mà mình thích nhất và phù hợp với bản thân nhất để chuẩn bị tốt nhất cho hồ sơ.
Anh Nguyễn Xuân Hải vừa tốt nghiệp cử nhân kinh tế tại ĐHTennessee- Mỹ, vừa được nhận làm nghiên cứu sinh tại ĐH Johns Hopkins – Mỹ với học bổng 38.000 USD/năm, chia sẻ: “Bạn phải nỗ lực đồng đều trong tất cả các môn, trên cơ sở đó trội hơn một số môn thì càng tốt. Bởi đó có thể là phao cứu sinh với một số trường hợp nếu nhà trường quan tâm tới khả năng đặc biệt của học sinh. Tuy nhiên, đối với những học bổng sau đại học thì các kiến thức chuyên sâu rất quan trọng, cộng thêm đó là những kinh nghiệm làm việc và các công trình nghiên cứu được công nhận. Và ngoại ngữ là điều không thể thiếu, bạn cần phải có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để chứng minh trình độ. Muốn vậy, thời gian chuẩn bị không thể trong một sớm một chiều mà có”.
Mỗi một chương trình học bổng đều có những yêu cầu khác nhau, mà ứng cử viên phải đáp ứng và thỏa mãn những điều kiện đó mới có cơ hội thành công. Theo phổ biến kinh nghiệm của Hội du học sinh ViệtNamthì các sinh viên nên:
1. Cố gắng học tập để giành được điểm cao trên lớp
Tùy theo mỗi chương trình học bổng mà họ yêu cầu ứng viên phải có điểm trung bình toàn khóa (Grade Point Average – GPA) khác nhau. Thông thường bạn nên có điểm trung bình toàn khóa trên 8.0 (theo hệ thống tính điểm cũ ở ViệtNam), điều này đặc biệt quan trọng với các bạn có ý định xin học bổng đại học hoặc phổ thông. Vì các bạn chưa hoặc ít có cơ hội tham gia nghiên cứu khoa học. Với những người muốn xin học bổng thạc sĩ hoặc tiến sĩ thì GPA có thể thấp hơn nếu như có công trình nghiên cứu chất lượng (có tên trên các bài báo đăng trên tạp chí quốc tế uy tín).
2. Tích cực tham gia vào các nhóm nghiên cứu
Đây là cơ hội để bạn làm quen với công việc nghiên cứu. Tùy theo đặc thù từng lĩnh vực mà bạn sẽ làm quen và học được các kinh nghiệm, kỹ thuật khác nhau, những thứ rất có ích trong sơ yếu lý lịch (CV) của bạn khi xin học bổng. Ngoài ra, tham gia nghiên cứu khoa học còn giúp bạn tìm được những người bạn cùng chí hướng, làm quen với giáo sư, tìm được cơ hội học bổng. Bạn nên biết rằng thư giới thiệu của những giáo sư này đóng vai trò quan trọng trong hồ sơ xin học bổng của bạn.
3. Trau dồi kỹ năng ngoại ngữ
Tiếng Anh là một ngôn ngữ thông dụng hiện nay trên thế giới, là công cụ để học tập và giao tiếp phổ biến nhất. Nếu không thể học một lúc nhiều ngoại ngữ khác như tiếng Pháp, Trung… thì bạn nên tập trung và học thật tốt tiếng Anh.
Những bạn có ý định xin học bổng bằng tiếng Anh thường luyện thi TOEFL hoặc IELTS. Phần lớn các chương trình học bổng đòi hỏi ứng cử viên của họ phải có IELTS lớn hơn 6.0, tương đương với TOEFL 79 hoặc 80.
Không sợ khó, chỉ sợ thiếu quyết tâm
Bạn Thanhegc, sinh viên University of Tokyo – trên box Du học của forum TTVNOL đã trao đổi kinh nghiệm như sau: “Nếu không kiên trì và nhẫn nại, bạn không nên theo đuổi việc săn học bổng vì thời gian cần thiết để săn học bổng thường tối thiểu là hai năm. Trong quãng thời gian đó, nhiều lúc bạn cảm thấy chán nản, lo âu, hồi hộp, thậm chí muốn buông xuôi hay bỏ cuộc. Vì vậy trước khi bắt đầu, bạn phải xác định đây là cuộc đua marathon và không có chỗ dành cho các vận động viên nghiệp dư. Cá nhân tôi cũng vậy, tôi mất hơn hai năm để tìm học bổng và trường theo học, và thật may mắn, tôi có được hai học bổng khác nhau, một là học bổng của Chính phủ Việt Nam (Đề án 322) để theo học ở Pháp và một là học bổng của Chính phủ Nhật (học bổng Monbusho hay còn gọi là học bổng MEXT) để theo học tại Trường ĐH Tổng hợp Tokyo”. Bạn Thanhegc cũng đưa ra kinh nghiệm: “Khởi động, đây là giai đoạn đầu tiên của quá trình săn học bổng và là giai đoạn quan trọng nhất. Trong giai đoạn này, bạn cần trả lời một cách trung thực những câu hỏi như: Mục đích kiếm học bổng là gì? Mình có thật sự muốn tìm học bổng không? Cơ hội dành cho mình là bao nhiêu? Nên bắt đầu từ đâu?
Sau khi bạn thực sự quyết tâm 100% cho việc săn học bổng thì có thể khẳng định rằng, việc kiếm học bổng không dễ, nhưng không quá khó. Tuy nhiên, đối với các học bổng danh giá thì ngoài các yếu tố quyết tâm, tài năng bạn còn phải có một chút may mắn nữa vì ở đó cuộc đua sẽ hết sức khốc liệt.
Tại sao lại nghĩ là không quá khó? Đơn giản vì có rất nhiều học bổng mà tính cạnh tranh không thật sự cao, nhiều khi chỉ vì bạn không để ý hoặc không quan tâm nên đã bỏ qua. Cũng có rất nhiều học bổng chỉ được truyền cho nhau qua bạn bè, anh em mà không hề có thông báo chính thức (thông báo ở ViệtNamhay trên Internet). Do đó khi bạn quan tâm đến học bổng, bạn sẽ tìm đủ cách để xem ở đâu có thể xin được học bổng, rõ ràng khi đó cơ hội của bạn sẽ tăng lên đáng kể. Trên thực tế, có rất nhiều người có đủ khả năng nhưng lại không tự tin có thể kiếm được học bổng hoặc nghĩ rằng học bổng không dành cho họ, như vậy khả năng được học bổng của họ là rất thấp dù họ là người có năng lực.
Cách đây mấy năm, khi học bổng của Liên minh châu Âu (Học bổng Erasmus Mundus) ra đời và có chương trình Cửa sổ châu Á dành riêng cho các học sinh khu vực châu Á muốn sang học tập tại châu Âu, lúc đó rất ít sinh viên Việt Nam được biết, chủ yếu là du học sinh Việt Nam ở châu Âu mới có tin này. Vì vậy, số lượng sinh viên ViệtNamnộp hồ sơ rất hạn chế. Nếu lúc đó bạn được biết tin này, chắc chắn cơ hội đạt học bổng của bạn cao hơn rất nhiều. Hay có rất nhiều chương trình học bổng của ngành, của bộ mà có thể rất nhiều bạn đến tận giờ vẫn chưa biết, dù nó rất gần bạn. Tôi xin lấy ví dụ: học bổng của Tổng công ty Dầu khí dành cho con em trong ngành, học bổng đi học ở Trung Quốc của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam ưu tiên cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngay cá nhân tôi cũng vậy, trong quá trình đi tìm hiểu học bổng, tôi phát hiện ra rất nhiều học bổng mà trước đó tôi chưa từng nghĩ tới”.
Hoạt động ngoại khóa cũng là tiêu chí quan trọng
Ngoài học lực, cần phải ghi điểm với các trường đại học nước ngoài bằng hoạt động ngoại khóa, bài luận… Đó là kinh nghiệm “săn” học bổng của hầu hết các du học sinh ViệtNam.
Việc tham gia và các tổ chức tình nguyện quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, hoặc một khóa đào tạo ngắn hạn quốc tế tổ chức ở Việt Nam về lĩnh vực bạn có ý định xin học bổng hoặc tham gia vào các hoạt động đoàn thểở trường, lớp… cũng góp phần làm đẹp CV của bạn và làm hồ sơ xin học bổng của bạn có trọng lượng hơn.
Trần Bá Khôi Nguyên cho biết đã phải dành hẳn hai năm để chuẩn bị cho quá trình tìm học bổng du học: Khi còn là học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), với thành tích học tập xuất sắc, Khôi Nguyên đã được cấp học bổng toàn phần học trung học tại Trường Anglo – Chinese Junior College (Singapore). Trong thời gian học phổ thông, Khôi Nguyên tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa như làm hướng dẫn viên cho một trung tâm du học, được bầu chọn là phó chủ tịch Hội Du học sinh quốc tế tại Singapore và tham gia Diễn đàn Thanh niên Đông Nam Á năm 2008. Kết thúc bậc phổ thông, Khôi Nguyên về nước, dành hẳn hai năm tham gia dạy tiếng Anh cho trẻ em nghèo ở Bến Tre, cứu trợ bão lũ ở Tây Nguyên, cứu trợ hạn hán tại Hà Giang…
Đoàn Nguyễn Duy Anh, cựu học sinh chuyên Anh Trường THPT Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), được tám trường đại học hàng đầu của Mỹ gửi thư mời nhập học trong tháng 4-2012 như MIT Princeton,Columbia, Colgate…
Ngoài ra, thành tích học tập xuất sắc (giải nhất môn toán toàn bang Delaware, danh hiệu AP Scholar dành riêng cho học sinh ưu tú), năng nổ tham gia các hoạt động xã hội khác (dạy kèm cho các em nhỏ, tham gia các hội nghị quốc tế…) đã giúp Duy Anh gây ấn tượng với các trường đại học hàng đầu.
Còn Diêm Anh Thư, cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), đã quyết định dành một năm sau khi tốt nghiệp THPT để tham gia các hoạt động tình nguyện và tăng cường kỹ năng sống chuẩn bị cho việc du học. Năm nay, Anh Thư được sáu trường đại học ở Mỹ (gồm Villanova, Franklin & Marshall, Mount Hoyoke, TCU, Cornell College, Ohio Wesheyan) chấp nhận.
Kỳ sau: Cách thức tìm học bổng và chuẩn bị hồ sơ
Thiệu Nam