Bôi trơn không phải là thuật ngữ kinh tế nhưng đã trở nên phổ biến trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là khi nói về các chi phí không chính thức được các doanh nghiệp sử dụng để được các cơ quan chức năng tạo thuận lợi làm ăn. Từ lâu đã có biết bao lời than phiền của doanh nghiệp về khoản tiền này nhưng rồi đa số mặc nhiên thừa nhận. Những năm gần đây, chi phí bôi trơn được đề cập đến trong khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện.
Báo cáo PCI 2016 dựa trên thông tin phản hồi từ 11.600 doanh nghiệp, trong đó hơn 10.000 là doanh nghiệp trong nước đang hoạt động tại 63 tỉnh thành và gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại 14 địa phương trên cả nước.
Chỉ số PCI vừa được công bố mới đây cho thấy 66% doanh nghiệp được khảo sát, thừa nhận phải sử dụng biện pháp bôi trơn. Điều này cho thấy chi phí không chính thức của doanh nghiệp giai đoạn 2014-2016 chưa có dấu hiệu cải thiện, thậm chí còn tiêu cực hơn so với giai đoạn 2008-2013. Cuộc khảo sát dẫn ý kiến khoảng 11% doanh nghiệp tham gia điều tra cho biết chi phí bôi trơn chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp, cao hơn mức 6 – 8% giai đoạn năm năm trước đó. Phần lớn doanh nghiệp cho rằng đây là chi phí tạo mối quan hệ để tiếp cận thông tin và được hiểu như một “hợp đồng bảo hiểm”, bởi với một món quà nhỏ hôm nay có thể giúp giải quyết những vụ việc phát sinh trong tương lai. Lợi ích như thế thì ai mà chẳng muốn làm, nhất là khi việc tính công khai và minh bạch không được tuân thủ trong hoạt động kinh doanh thì thông tin được đo đếm bằng đồng tiền là chuyện tất yếu.
Công bằng mà nói, Chính phủ đã có nhiều khuyến cáo, răn đe nhưng mọi chuyện vẫn không hề thay đổi. Nguyên nhân là việc áp dụng luật pháp không nghiêm minh trong khi nhiều quan chức lạm dụng quyền hành để thu lợi cá nhân. Chính tệ nạn bôi trơn đã nuôi dưỡng tham nhũng, cái lợi trước mắt của con người đã dẫn đến cái hại lớn cho sự phát triển kinh tế, làm thui chột lòng tin xã hội.
Chỉ số PCI trong chừng mực được xem là phút nói thật của doanh nghiệp và đã tỏ ra có hiệu quả giúp các địa phương cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời là cuộc cạnh tranh giành sự tin cậy của giới làm ăn. Triển khai khảo sát từ năm 2005, PCI là một chỉ số bao gồm nhiều yếu tố như chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, cải thiện thủ tục hành chính, tính minh bạch, chi phí cơ hội, tính năng động của chính quyền địa phương, môi trường cạnh tranh, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý… Điều đáng quý là khảo sát năm nay có chú ý về môi trường khi dành một chương riêng để các doanh nghiệp cảm nhận thế nào về vấn đề này trong tình hình một số sự cố môi trường đang gây thiệt hại cho cả nước. Điểm tích cực là 50% doanh nghiệp nước ngoài và 45% doanh nghiệp Việt Nam đều cho rằng bảo vệ môi trường là vấn đề quan trọng và sẵn sàng trả một mức chi phí hợp lý cho các hoạt động cụ thể vì môi trường. Giá mà toàn bộ chi phí bôi trơn của doanh nghiệp được dùng cho mục đích quan trọng này thì lợi ích sẽ mang lại cho nhiều phía và cho đất nước.
- Ngọc Anh