Trong các mục tiêu phát triển bền vững những năm 2016-2030, công tác xóa nghèo có quan hệ mật thiết với việc cung ứng năng lượng cho người nghèo. Vấn đề này đang được một tổ chức thuộc LHQ là Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á – Thái Bình Dương (ESCAP) quan tâm và đang đặt ra kế hoạch hợp tác toàn khu vực để việc cung ứng năng lượng cho người nghèo đạt được hiệu quả tối đa.
Theo những dữ liệu mới nhất, hiện vẫn còn gần 500 triệu người trên hành tinh chưa tiếp cận được các nguồn năng lượng mới. Ba phần tư trong số này sống ở khu vực Nam Á. Tại các đảo quốc trên Thái Bình Dương, khoảng 70% hộ gia đình không được cung cấp điện, tình trạng tương tự với vùng châu Phi hạ Sahara. Theo tiến sĩ Shamshad Akhtar, thư ký điều hành của ESCAP, bằng nhiều cách, nhiều nguồn khác nhau, khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể mở rộng việc tiếp cận năng lượng một cách đầy đủ hơn. Năm 2015, khu vực châu Á đã đầu tư 160 tỉ USD cho công nghệ năng lượng tái tạo, chiếm trên 50% vốn đầu tư trên toàn thế giới. Đặc biệt là năng lượng mặt trời với lợi thế chi phí thấp và khả năng ứng dụng rộng rãi, sẽ giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống của cư dân châu Á – Thái Bình Dương, với các loại đèn mặt trời, hệ thống nhà năng lượng mặt trời hay đường dây mini sử dụng năng lượng mặt trời. Trong năm nay, ba dự án điện mặt trời có quy mô lớn đang được triển khai tại Trung Đông và Nam Mỹ với giá thành 0,03 USD/kwh, rẻ hơn bất cứ nguồn năng lượng nào. Điều này có được là nhờ các cải tiến công nghệ trong dự trữ năng lượng, giúp phát triển thị trường ôtô điện đang được quan tâm do thân thiện với môi trường.
Tuy vậy, việc thực hiện những dự án cho ra sản phẩm với giá thành rẻ thường đòi hỏi chi phí đầu tư cao và trong những vấn đề mà các nước châu Á – Thái Bình Dương phải đương đầu, sự tham gia của khu vực tư nhân là điều rất quan trọng. Trong thời gian qua, sự đóng góp của khu vực này chỉ chiếm 18% tổng vốn đầu tư cho năng lượng. Vì thế, trong tương lai, sự hợp tác giữa nhà nước và các tổ chức tài chính đa phương là sự lựa chọn cần thiết cho sự phát triển nguồn năng lượng tái tạo đến các nước có nhiều người nghèo ở châu Á – Thái Bình Dương. Không thể đánh giá thấp tiềm năng của đầu tư tư nhân. Ngày nay, nhiều công ty tư nhân đang triển khai các hệ thống năng lượng giá rẻ cho các hộ gia đình hay làng mạc xa xôi, như đèn năng lượng mặt trời, biogas, hệ thống thủy điện siêu nhỏ. Tiểu tín dụng nông nghiệp nhằm vào năng lượng đang được triển khai tại Bangladesh, trong đó Ngân hàng Grameen Shakti đã cung cấp tài chính cho nửa triệu hộ gia đình sử dụng điện mặt trời. Sự khai thác khả năng công nghệ của người bản địa tại Nepal đã làm giảm giá thành biogas và các hệ thống thủy điện nhỏ. Ấn Độ cũng đã thúc đẩy sự hợp tác công – tư trong nỗ lực điện khí hóa nông thôn, mang điện năng đến cho 32 triệu hộ gia đình. Những nỗ lực như thế có tác dụng kích thích sự tăng trưởng kinh tế, làm gia tăng các nhu cầu tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ, dẫn đến những cơ hội tốt cho lĩnh vực kinh doanh.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)