Đó là nhận định chung của nhiều nhà bình luận kinh tế trên thế giới. Hiện nay, nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương đang cung cấp năng lực cho thương mại, đầu tư và công ăn việc làm cho toàn thế giới. Năm 2017, hai phần ba nền kinh tế trong khu vực đã đạt mức độ tăng trưởng nhanh hơn năm 2016, và khuynh hướng này vẫn tiếp tục trong năm 2018.
Nói cụ thể hơn, trong khi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế năm 2016 là 5,4% thì năm 2017 là 5,8%. Tiêu thụ nội địa vững mạnh, sự phục hồi đầu tư và thương mại đã đóng góp vào sự phát triển ổn định của khu vực năm 2017.
Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là châu Á – Thái Bình Dương không còn gặp thách thức. Nợ công và tư tăng cao, đặc biệt ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á hiện tượng dự trữ ngoại hối thấp và giảm sút ở một vài nền kinh tế Nam Á, xu hướng giá dầu hỏa tăng lên là những điều mà các nhà quản lý kinh tế khu vực này cần phải quan tâm giải quyết. Các tính toán dựa trên 18 quốc gia trong khu vực cho thấy khi giá dầu tăng thêm 10 USD/thùng thì tăng trưởng GDP có thể giảm từ 0,14 đến 0,4%. Để đạt được hiệu quả trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, sự ổn định về kinh tế – tài chính cùng với xu hướng tự do trong thương mại quốc tế là điều hết sức cần thiết.
Các nền kinh tế khu vực mà tiềm năng thuế khóa chưa được khai thác hết, cần chấm dứt việc khai thác tài nguyên trong nước và quản lý các vấn đề thuế khóa một cách thận trọng. Yêu cầu mức vốn đầu tư để giúp cho các nền kinh tế đang phát triển hồi phục nhanh vào khoảng 2.500 tỉ USD. Riêng khu vực châu Á – Thái Bình Dương, giá trị kết hợp giữa dự trữ quốc tế, nguồn vốn các công ty, tài sản do các định chế tài chính, các công ty bảo hiểm và các quỹ khác nhau nắm giữ ước lượng khoảng 56 ngàn tỉ USD. Chuyển một cách có hiệu quả những nguồn tài nguyên này thành sự phát triển tài chính bền vững là thách thức lớn của khu vực.
Bên cạnh nguồn tài nguyên nội địa, sự hỗ trợ từ bên ngoài qua các dòng vốn FDI (đầu tư nước ngoài trực tiếp) cũng là một yếu tố không thể thiếu đối với các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Một báo cáo của Ủy ban Kinh tế – Xã hội châu Á – Thái Bình Dương (ESCAP) vừa được công bố vào ngày 7-5-2018 kêu gọi các chính phủ cần tăng cường việc quản lý thuế khóa và mở rộng các nền tảng thuế khóa trong nước.
– Tổng hợp