Dù quy mô cho vay tiêu dùng hiện mới chiếm khoảng 18% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế nhưng tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực này trong những năm gần đây đang đặt ra những rủi ro nhất định.
Thị trường vô cùng sôi động
Với dân số trẻ, thu nhập đang tăng theo tăng trưởng của nền kinh tế, cùng với xu hướng sẵn sàng vay nợ cho các nhu cầu của đời sống và khả năng tiếp cận với các khoản vay ngày một dễ dàng hơn, thị trường tài chính tiêu dùng đang có những bước tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua. Riêng trong năm 2017, tín dụng tiêu dùng vẫn là điểm sáng khi tiếp tục giữ đà tăng trưởng mạnh mẽ, ở mức 65%, vượt qua mức tăng trưởng 50,2% của năm 2016 và vượt xa (gấp gần ba lần) tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống (khoảng 19%/năm).
Tổng quy mô thị trường tín dụng tiêu dùng năm 2016 đạt mức 960.000 tỉ đồng, trong đó nhóm công ty tài chính tiêu dùng, dù quy mô mới chỉ đạt 74.000 tỉ đồng, nhưng là nhóm có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong vài năm trở lại đây. Sự năng động của các công ty tài chính (CTTC) đã góp phần khiến hoạt động cho vay tiêu dùng tăng trưởng mạnh mẽ. Tính đến hết năm 2017, nước ta có 16 CTTC đang hoạt động với tổng vốn điều lệ đạt 17.468 tỉ đồng, tương đương với vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại tốp 5.
Trong đó chỉ tính riêng trong năm 2017, nhiều CTTC mới đã được thành lập trên cơ sở mua lại/tái cơ cấu các CTTC hoạt động chưa hiệu quả, chẳng hạn như CTTC tiêu dùng SHB, MB Shinsei… Bên cạnh đó, hàng loạt các trung gian cho vay tiêu dùng ứng dụng công nghệ mạnh mẽ như F88, Tima.vn, DoctorDong.vn… mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng khiến thị trường càng thêm sôi động. Hiện nay, bốn công ty cho vay tiêu dùng lớn nhất gồm FECredit, HomeCredit, HD Saison và Prudential đã chiếm tới 84% thị phần.
Không chỉ các định chế tài chính trong nước, cho vay tiêu dùng của Việt Nam cũng đang vô cùng hấp dẫn với các dòng vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài. Trong vòng một năm trở lại đây, thị trường liên tục chứng kiến sự gia nhập của các tên tuổi lớn trong lĩnh vực này. Có thể kể đến việc Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) mua lại Techcom Finance trong một thương vụ M&A trị giá 1.700 tỉ đồng vào tháng 10-2017. Trước đó, Shinsei Bank (Nhật Bản) hồi tháng 9-2017 cũng đã mua lại 49% vốn Công ty tài chính MB Shinsei từ Ngân hàng Quân đội (MB).
Shinhan Bank hiện cũng đang mở rộng mảng bán lẻ thông qua việc mua lại mảng bán lẻ của ANZ tại Việt Nam. Trên thực tế, sự sôi động của thị trường vốn dành cho các công ty tài chính tiêu dùng năm 2017 đã được dự báo từ giữa năm ngoái khi Thông tư 06/2016/TT-NHNN có hiệu lực từ 1-7-2016.
Cụ thể, thông tư 06 yêu cầu các tổ chức tín dụng phi ngân hàng giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn còn một nửa, từ 200% xuống 100%, giảm tiếp xuống 90% vào đầu năm 2017 và chỉ còn 80% vào đầu năm 2018 nhằm đảm bảo sự an toàn vốn. Yêu cầu này buộc các công ty tài chính phải tăng cường huy động nguồn vốn trung, dài hạn hơn mà việc huy động vốn từ các tổ chức nước ngoài là một trong những sự lựa chọn hàng đầu.
Miếng bánh hấp dẫn nhưng tiềm ẩn không ít rủi ro
Dù quy mô cho vay tiêu dùng hiện mới chiếm khoảng 18% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế nhưng tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực này trong những năm gần đây đang đặt ra những rủi ro nhất định, buộc ngân hàng nhà nước phải có những biện pháp điều hành mang tính “đi trước” nhằm đón đầu và hạn chế nguy cơ xảy ra rủi ro. Rủi ro lớn nhất từ hoạt động cho vay tiêu dùng chính là lãi suất ở mức rất cao.
Như hiện nay, nhiều công ty tài chính đang áp mức lãi suất lên tới 30%/năm, thậm chí có những khoản lên tới 50% cho vay tiêu dùng tín chấp. Cũng chính mức lãi quá cao đó dẫn đến rủi ro nợ xấu. Việc các CTTC áp lãi suất cao là điều hoàn toàn dễ hiểu khi các công ty này phải huy động vốn với lãi suất cao hơn so với các ngân hàng thương mại thông thường khiến giá vốn đầu vào cao. Bên cạnh đó, chi phí vận hành hệ thống lớn và mức độ rủi ro cho vay tín chấp của các CTTC cũng cao hơn nhiều so với các khoản vay có tài sản thế chấp của các ngân hàng thương mại (NHTM) như vay mua nhà, mua ôtô.
Về phía nhà điều hành, nếu không được kiểm soát tốt, tín dụng tiêu dùng sẽ tiềm ẩn nguy cơ chảy vào các tài sản đầu cơ rủi ro, điển hình là bất động sản với các cơn sốt đất nền và chung cư. Bên cạnh đó, khả năng quản lý chi tiêu và “điểm tín dụng” của các khách hàng cũng là rủi ro tiềm ẩn đối với hoạt động cho vay tiêu dùng.
Đa phần người dân chưa có thói quen xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân dẫn đến nhiều trường hợp vay mượn vượt quá khả năng chi tiêu của bản thân. Trong khi đó, các NHTM và CTTC chưa có hệ thống thu thập đủ thông tin để đánh giá về tình trạng vay nợ cũng như khả năng trả nợ của khách hàng một cách chuẩn xác. Cuối cùng là vấn đề pháp lý đối với hoạt động cho vay tiêu dùng vẫn chưa hoàn chỉnh. Thông tư 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng đã chính thức có hiệu lực từ ngày 15-3-2017 nhưng chỉ quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng trực tiếp giữa bên cho vay với khách hàng.
Trong khi đó, thị trường đã xuất hiện một số hình thức mới nằm ngoài sự điều chỉnh của quy định này, điển hình là các bên trung gian kết nối người có tiền rảnh rỗi với những người có nhu cầu vay tiền – chẳng hạn như Tima.vn, vẫn chưa được điều chỉnh nên đang tạo ra nhiều tranh cãi. Điều này dẫn đến rủi ro cho tất cả các bên.