Kinh tế tư nhân sau hàng chục năm được thừa nhận như một thực thể mờ nhạt, nay đang được tiếp thêm sức mạnh, được khẳng định là “động lực quan trọng của nền kinh tế”. Nghị quyết Trung ương 5 hồi đầu tháng 6 nêu rõ mục tiêu phấn đấu vào năm 2020, khu vực này sẽ có một triệu doanh nghiệp, đóng góp 50% GDP.
Đây cũng chỉ mới là kỳ vọng mà để đạt được phải cần đến những chính sách thông thoáng hơn nữa của Nhà nước cũng như tùy thuộc vào nội lực của các doanh nghiệp tư nhân, trong đó hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Ngày 13-6 vừa qua, thêm một sự kiện được giới kinh doanh đặc biệt quan tâm, đó là Quốc hội đã thông qua “Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa” từng gây nhiều tranh cãi cho đến phiên thảo luận cuối cùng vì một số điều khoản bị cho là thiếu tính khả thi. Chẳng hạn, có ý kiến đề nghị không nên bình quân dàn đều giữa doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ với doanh nghiệp vừa vì có sự khác nhau rất lớn về năng lực và quy mô. Hay cần tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ bao gồm cả hộ kinh doanh với quy mô từ 10-20 tỉ đồng doanh thu và từ 20-30 lao động trở xuống.
Tiếp thu ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, định hướng của dự thảo luật là tạo điều kiện nhiều hơn cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ hoạt động. Cụ thể về thuế sẽ trình Quốc hội khi sửa đổi các luật thuế và dự kiến doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ được áp dụng mức hỗ trợ thuế cao hơn.
Luật này được áp dụng vào đầu năm 2018 sẽ bỏ những quy định mang tính can thiệp trực tiếp đến hoạt động của hệ thống ngân hàng; đồng thời bổ sung phần trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng hệ thống thông tin khuyến khích thành lập các tổ chức tư vấn độc lập để xếp hạng tín nhiệm DNNVV.
Luật cũng đã bổ sung một số quy định nhằm thu hút các nguồn lực của xã hội ngoài ngân sách, công nhận địa vị pháp lý của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được hình thành từ vốn góp của các nhà đầu tư tư nhân. Trong khi ngân sách nhà nước có hạn, luật khuyến khích sự năng động, sáng tạo của từng địa phương trong việc hỗ trợ một cách thiết thực nhất các DNNVV trên địa bàn của mình.
Có một luật riêng cho DNNVV không chỉ là sự đột phá trong công tác làm luật của Quốc hội mà còn cho thấy tính nhất quán trong đổi mới tư duy của hệ thống chính trị trước các chuyển biến về kinh tế xã hội của đất nước.
Nhưng chừng ấy vẫn chưa đủ nếu thiếu sự tham gia và chia sẻ của toàn xã hội.
Nói đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, chúng ta thường nhắc đến các hiệp hội – một tổ chức ngành nghề – không chỉ là chỗ dựa về tiếng nói đòi quyền bình đẳng kinh doanh mà còn cả trong vai trò cầu nối với chính quyền.
Khái niệm bình đẳng ở đây nếu chỉ nói về cơ hội tiếp cận tài nguyên đất đai, đồng tiền nhà nước, hỗ trợ chính sách thì vẫn chưa thoát khỏi tư duy xin – cho vốn là căn bệnh trầm kha của doanh nghiệp.
Bình đẳng ở đây cần được mở rộng qua thái độ tôn trọng phản biện của doanh nghiệp, điều mà một “Nhà nước kiến tạo” không thể từ chối. Thái độ bình đẳng ấy phải thông qua tiếng nói của hiệp hội ngành nghề. Một doanh nghiệp dù tầm cỡ đến đâu cũng khó thuyết phục Nhà nước lắng nghe. Một doanh nhân thật thành đạt có thể ngồi ăn tối với một vị thủ tướng, nhưng không thể có tiếng nói đại diện cho cộng đồng ấy. Chính vì vậy người ta cần đến tiếng nói được tôn trọng của hiệp hội, mà nếu tổ chức này không làm được vai trò chỗ dựa cho doanh nghiệp thì phải xem lại chính mình.
Đi tìm bình đẳng trong tình hình quốc doanh chủ đạo là điều không dễ, nhưng việc vận động loại bỏ mọi ưu đãi và đặc quyền dành cho doanh nghiệp nhà nước lẫn một số “doanh nghiệp thân hữu” là có thể làm được, bởi phù hợp với tinh thần các hiệp định thương mại quốc tế mà chúng ta đã ký, cũng là điều kiện để nền kinh tế của chúng ta được công nhận là “nền kinh tế thị trường” đúng nghĩa.
Loại bỏ các ưu đãi và đặc quyền thì tự nhiên dòng chảy tài nguyên tức khắc đến với các doanh nghiệp một cách bình đẳng để tạo nên một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Một trong những tài nguyên đó là dòng tiền từ nhiều nguồn khác nhau mà lâu nay doanh nghiệp tư nhân nói chung, DNNVV nói riêng quá ít cơ hội tiếp cận.
Thực tế cho thấy, ngân hàng nào cũng dễ dàng cho doanh nghiệp nhà nước vay bởi được bảo đảm sau lưng là khối tài sản lớn và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Cho dù không có chính sách đối xử phân biệt với doanh nghiệp tư nhân, nhưng đương nhiên an toàn đồng vốn là hàng đầu, đó là chưa kể đa phần doanh nghiệp tư nhân của chúng ta cũng chưa tạo được niềm tin vững chắc với ngân hàng. Vậy là doanh nghiệp tư nhân phải tự lo nhưng không dễ như thực tế đã cho thấy, nhất là đối với các DNNVV trong mấy năm đầu khởi nghiệp.
Thực tế này không chỉ riêng ở Việt Nam, mà ở nước nào cũng vậy, chỉ khác một điều là ở những nơi đó, doanh nghiệp được bảo lãnh vay bởi các hiệp hội quy tụ nhiều doanh nghiệp cùng ngành nghề, đặc biệt là có sự tham gia tự nguyện của các tổ chức quần chúng có bề dày uy tín trong xã hội.
Doanh nghiệp cần vốn sẽ được một hội đồng đầu tư của hiệp hội nghiên cứu hồ sơ cẩn thận để giới thiệu với ngân hàng. Do lợi thế người trong cuộc, hiểu rõ lý lịch và nhu cầu thật của thành viên, nắm bắt được xu thế kinh doanh nên bảo lãnh cho vay của hiệp hội ngành nghề có trọng lượng như một tín chấp.
Nhiều hiệp hội sau khi lập một quỹ bảo lãnh từ đóng góp của các doanh nghiệp thành viên, đã được sự hưởng ứng của các định chế tài chính bên ngoài cùng tham gia có điều kiện, với tư cách là người “chống lưng”. Như vậy là hiệp hội vừa có thế vừa có lực.
Vì sợ mất uy tín nên hiệp hội phải chọn lựa cẩn thận doanh nghiệp để bảo lãnh vay, nếu chẳng may doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì đồng tiền mất đầu tiên là đồng tiền của hiệp hội trước khi phải sử dụng đồng tiền của các định chế. Làm ăn thành đạt, doanh nghiệp phải có nghĩa vụ với hiệp hội. Thông tin vay vốn được công khai trên truyền thông như một vinh dự của ngân hàng bên cạnh hiệp hội, doanh nghiệp nào “xù nợ” sẽ bị công khai danh tính và kiện ra tòa. Đây sẽ là một biện pháp chế tài có hiệu quả nhằm làm sạch môi trường kinh doanh, chắp cánh cho doanh nghiệp bay cao.
Phương thức này có thể giúp doanh nghiệp thoát khỏi vòng vây của tín dụng với những điều kiện vay vốn khắc nghiệt như lâu nay, đồng thời xác lập vai trò của các hiệp hội ngành nghề là người bạn đồng hành của doanh nghiệp, là chỗ dựa của giới kinh doanh, nhất là trong bước đầu khởi nghiệp.
- Trần Trọng Thức