Đang có hàng loạt vấn đề đặt ra quanh chuyện “học giỏi”. Và có một xu hướng muốn chứng minh, học giỏi cũng vẫn khốn khổ như thường trong xã hội hiện đại đầy sức ép.
Tất nhiên ở đây đừng nhầm lẫn hai chuyện, giỏi thật và “giỏi cả lớp” đâu đâu cũng giỏi – không thực chất, chỉ là bệnh thành tích – chuyện này cũ rồi, gỡ ra thế nào mới khó, chứ phê phán mãi mà không có giải pháp thì chẳng có ích gì nữa.
Có đúng là giỏi thật vẫn khổ hay không? Đó mới là một cảnh báo đáng suy nghĩ.
Trong giới nghệ thuật thì đã rõ quá. Có một sự thật là sức người có hạn mà nhu cầu đòi hỏi của xã hội thì vô hạn. Cứ xem cả loạt các chương trình truyền hình thực tế cả ta lẫn Tây thì thấy, thí sinh có khi “tài hơn” cả giám khảo, chỉ thua độ dày hành nghề và xây dựng danh tiếng.
- Xem thêm: Ba mẹ có là… lá chắn?
Hàng loạt các ca sĩ chuyên nghiệp vẫn đi thi, tìm một thành công, một sự khẳng định chắc chắn hơn. Xem họ biểu diễn quá chuyên nghiệp, vậy mà còn đi thi làm gì? Có vẻ như tài năng thật sự cũng đang thất bại trong nghề nghiệp, họ đi hát nhiều năm vẫn không thể tiến sâu? Nên cần phải giành giải thưởng gì đó mới có sức nặng?
Bản thân tài năng cần được học hành đào tạo mới có sự phát triển, cho nên đó là lý do các bậc cha mẹ phải đầu tư cho con cái học hành, đó là đúng rồi. Nhưng do quá “sợ hãi” (hay tham vọng?) trước thực tế khó khăn nên cha mẹ đã “nhồi” và xã hội thương mại trục lợi đã xúm vào “đánh cắp tuổi thơ” của trẻ em như chúng ta vẫn nghe cảnh báo.
Mặc cho khoa học chứng minh là có nhiều loại tài năng khác nhau, nhưng các bậc cha mẹ vẫn mong muốn một số dạng “mơ ước” để muốn lái con cái đi theo. Thành ra, có đứa không có khiếu âm nhạc phải gò cổ hành xác bên cây đàn. Lý lẽ của cha mẹ là, các thiên tài âm nhạc thuở bé đâu có chịu học đàn, bị cha mẹ thầy cô đánh cho, bắt ép và nhờ đó thành ra thiên tài.
Bây giờ cha mẹ càng sợ hãi hơn. Càng ngày càng lắm chuyện khó hiểu. Vì sao con em Việt Nam ra nước ngoài học, luôn giỏi hẳn hoi, mà vẫn cứ “thua Tây dở”? Vì sao Tây đâu có biết giải những bài toán hóc búa như ta, mà họ vẫn biết lập kế hoạch cho công việc? Họ lại chơi nhiều thứ, biết nhiều về văn học nghệ thuật?
Rồi các nghiên cứu khoa học lại hô lên rằng, 85% thành công con người là do nhân cách và kỹ năng mềm, chứ khả năng chuyên môn chỉ chiếm 15%. Thế có sợ không?
Nhân cách – những đức tính công cụ để thành công như trung thực, can đảm và yêu thương, thì lại… chẳng thấy công ty nào dạy cả, không trường học nào soạn thành môn học cho ra hồn. Mà thí dụ có môn học đó chăng nữa, chắc gì có ai chịu học? Báo chí còn lên án “cha mẹ đang tước đi 85% thành công của con mình”, nghe thấy tội lớn quá mà sợ. Có cha mẹ nào muốn thế đâu?
- Xem thêm: Làm mẹ thời nay sướng không?
Cha mẹ có gò con, có “tước đi” cái gì, bao nhiêu phần trăm, thì họ cũng đâu có biết, đâu có muốn. Cơ chế xã hội và bản chất nền giáo dục đã không gánh vác tốt, đổ hết lên vai cha mẹ, họ lần mò trong bao xu hướng rối ren, sao tránh được sai lầm?
Chẳng thấy ai vạch ra được lộ trình tốt cho sự lựa chọn. Chỉ thấy sự phê phán là nhiều.
Ôi, chính cha mẹ đang không “học giỏi”, đang lần mò thất bại trong vai trò làm cha mẹ, làm sao con cái thành công? Cái này không thấy ai bàn nhỉ?