Những bộ xương khủng long hóa thạch đầu tiên thực ra không phải do các nhà khoa học tìm thấy. Chúng đã được phát hiện từ hàng ngàn năm về trước bởi tổ tiên chúng ta.
Họ cũng tình cờ phát hiện ra hóa thạch theo cách giống như chúng ta thực hiện ngày nay, và họ phải cố sức để tìm hiểu xem cái mà họ tìm thấy là thứ gì.
Có rất ít tài liệu cung cấp manh mối về cách thức để họ hiểu được những hóa thạch này và phần lớn giải thích của người xưa là gắn chúng vào truyền thuyết về những anh hùng hay các vị thần trong nền văn hóa của họ.
1. Chiến trường của những người khổng lồ
Nhà sử học Hy Lạp Solinus cách đây 1.800 năm đã viết: “Trước khi có con người, nơi đây từng diễn ra một trận chiến giữa các vị thần và những người khổng lồ”.
Với Solinus, đây không phải là chuyện thần thoại. Ông tin rằng vào thuở xa xưa, những người khổng lồ đã đi lang thang trên trái đất. Chính ông cũng từng nhìn thấy xương của họ.
Câu chuyện mà Solinus đề cập đến là nói về một thị trấn tên là Pallene, theo thần thoại Hy Lạp thì đó là nơi mà dũng sĩ Hercules (Heracles) đã tiêu diệt những người khổng lồ sống ngoài vòng pháp luật.
Mỗi khi mưa xuống, Solinus viết, những chiếc xương cực lớn sẽ trồi lên mặt đất. Trông chúng giống như xương của con người nhưng lớn hơn rất nhiều.
Những điều mà sử gia Solinus mô tả về lịch sử nghe có vẻ như là bịa đặt. Nhưng vào năm 1994, một trận mưa rất lớn đã đổ xuống tại địa điểm từng là Pallene và một cư dân đã phát hiện ra một vật mà ông cho là một chiếc răng khổng lồ.
Thị trấn cổ này sau đó đã trở thành địa điểm khai quật để tìm kiếm các hóa thạch sinh vật thời cổ đại. Và các chuyên gia cổ sinh vật học đã tìm thấy nhiều xương của loài voi răng mấu – xuất hiện cách đây 4 triệu năm, chủ yếu ăn quả thông và lá cây, khác với voi ma-mút chủ yếu ăn cỏ.
Người Hy Lạp thời xưa có lẽ chỉ tìm thấy phần còn lại của một bộ xương. Vì không có hiểu biết về loài voi răng mấu nên họ cho rằng mình đã tìm được hài cốt của những người khổng lồ. Với họ, đó là bằng chứng cụ thể cho thấy họ đã xây dựng thị trấn Pallene trên mãnh đất chôn cất những người khổng lồ.
2. Những con thủy quái của xứ Badland, bang South Dakota
Người dân Lakota tin rằng tại vườn quốc gia Badlands thuộc bang South Dakota của Mỹ từng là nơi diễn ra một trận chiến đầy tính sử thi giữa các thủy thần, thần sấm và thần sét.
Theo đó, thủy thần là những quái vật khổng lồ được gọi là Unktehi đã chiến đấu ác liệt để chống lại một đàn chim sấm sét gọi là Wakinyan và đã phá hủy toàn bộ khu vực giao tranh.
Các chim thần Wakinyan đã phun lửa đốt cháy các khu rừng, làm nước biển sôi sùng sục và không để lại gì ngoài một vùng đất chết.
Điều duy nhất còn lại, theo dân địa phương, là xương của những con quái vật bị giết vẫn còn nằm sâu bên dưới vùng đất cháy sém nham nhở này.
Những khúc xương đó thật sự có ở Badlands, South Dakota. Nhiều năm gần đây, các nhà cổ sinh vật học đã phát hiện ra khu vực này là một nguồn lưu giữ rất nhiều khủng long hóa thạch đến mức không thể tin được.
Ở đó, họ tìm thấy xương của loài bò sát biển được gọi là mosasaurs và loài bò sát bay được gọi là pterosaurs (thằn lằn bay), tất cả đều chết khoảng 100 triệu năm trước.
Người ta tin rằng truyền thuyết ở Lakota hình thành từ việc cư dân ở đó ngẫu nhiên phát hiện những khúc xương hóa thạch này.
Họ tìm thấy phần còn lại của những thứ được gọi là quái vật dưới nước và trên không, sống tại nơi đã từng là đại dương vào thời cổ đại.
Tuy nhiên, cần phải xác nhận lại rằng loài thằn lằn bay không hề có ma thuật sấm sét. Ngoài chi tiết này ra, câu chuyện của người dân ở Lakotas hoàn toàn không xa sự thật.
3. Thuyết “vũ trụ tuần hoàn” của Xenophanes
Không phải mọi hóa thạch đều bị gán ghép nhầm lẫn với những nhân vật thần thoại. Một số học giả trong thế giới cổ đại đã cố gắng tiếp cận chúng dưới góc nhìn khoa học.
Khi tìm thấy những vỏ sò hóa thạch trên một ngọn núi, nhà triết học Hy Lạp Xenophanes đã tìm cách giải thích theo quan điểm khoa học và hợp lý hơn.
Ông giải thích rằng chúng về thực chất chỉ là phần còn lại của loài động vật có vỏ từng sống dưới nước, mà bây giờ được tìm thấy trên đất liền.
Theo Xenophanes, những hóa thạch này là bằng chứng cho thấy những ngọn núi này đã từng bị chìm dưới đáy biển từ hàng ngàn năm trước. Điều này đúng là đã xảy ra vào thế kỷ 6 trước Công nguyên – và lập luận của Xenophanes là chính xác.
Tuy nhiên, ông đã đưa nhận định của mình đi xa hơn so với các nhà khoa học hiện đại. Ông tin rằng trái đất từng bị nước bao phủ và con người đã được sinh ra từ một loại chất nhờn nguyên thủy.
Cho đến nay, điều này không phải là quá khác biệt với sự hiểu biết của chúng ta về thế giới. Nhưng ông nhấn mạnh rằng nó có tính chu kỳ.
Theo thời gian, thế giới sẽ lại chìm dưới biển một lần nữa và con người sẽ trở lại thành bùn. Sau đó, chúng ta sẽ xuất hiện một lần nữa và lịch sử nhân loại sẽ bắt đầu trở lại.
4. Đá luân xa của thần Vishnu
Tại một ngôi làng tên là Salagrama ở Nepal tràn ngập những vỏ sò hóa thạch. Tuy nhiên, cư dân trong làng đi đến một kết luận rất khác với những gì họ tìm thấy.
Họ tin rằng thứ mà họ tìm thấy là các luân xa của thần Vishnu bốn tay (được xem là thần bảo tồn trong đạo Hindu).
Theo đó, thần Vishnu cầm một chiếc đĩa đá gọi là Chakra Sudarshana trong một tay của mình. Dân làng Salagrama tin rằng những vỏ sò đó chính là chakra của Vishnu biến thành bởi lời nguyền của một con quỷ.
Theo truyền thuyết, thần Vishnu bị nguyền rủa biến thành đá sau khi biến hình thành con quỷ Jalandhara để lừa Vrinda (vợ của Jalandhara) ngủ với Vishnu.
Khi Vrinda thức dậy và nhận ra rằng người đàn ông đang nằm trên giường không phải chồng mình, Vrinda giận dữ đến nỗi đã nguyền rủa thần Vishnu biến thành đá.
Trong nhiều thế kỷ, người Hindu cổ đại xem các vỏ sò này như những vật linh thiêng. Họ tin rằng các vỏ sò hóa thạch này là những luân xa của Vishnu biến thành đá, sau đó bị vỡ ra và nằm lại trên trái đất. Nói cách khác, chúng là những vật thiêng liêng nhất mà người Hindu có thể tìm thấy.
5. Cánh đồng đầy những xương rồng
Nhiều du khách Trung Quốc cảm thấy lo sợ khi đặt chân vào sa mạc Issedonia. Họ tin rằng vùng đất đó từng bị ma quỷ và những con rồng quấy phá.
Những tàn tích đến nay vẫn còn với các cánh đồng đầy rẫy xương rồng. Issedonia đã gây ra một nỗi sợ hãi đặc biệt trong lòng họ. Nhưng đó không phải là nơi duy nhất tràn ngập xương rồng.
Người Trung Quốc tin rằng rồng hiện diện ở khắp nơi trên đất nước họ. Kinh Dịch có ghi lại trường hợp một nông dân tìm thấy xương rồng trong cánh đồng của ông và được mọi người trong làng xem đó là “điềm lành”.
Và trong thế kỷ 2 trước Công nguyên, một con kênh đào đã được đặt tên là “Long Đầu” vì xương rồng được tìm thấy tại khu vực đó.
Nhà sử học Adrienne Mayor cho rằng xương rồng mà những nông dân đào được về thực chất là xương của những loài động vật to lớn đến nay đã tuyệt chủng, và bà có lý do để tin vào điều đó.
Vào cuối năm 1919, Trung Quốc vẫn còn trưng bày xương rồng trong các cuộc triển lãm và một số nhà cổ sinh vật học còn giữ chúng đến hôm nay.
Tuy nhiên, đó chỉ là hóa thạch xương của các loài ngựa và nai thời tiền sử. Theo thời gian, chúng bị hóa thạch và trở thành những hình thù bị biến dạng mà người cổ đại không thể hình dung được chúng đến từ đâu nên chỉ còn cách gán ghép để biến chúng thành những sinh vật siêu nhiên.
6. Xương vai của thần Pelops
Một ngư dân Hy Lạp cổ đại trong một lần ném lưới xuống biển và tìm thấy một thứ gì đó bất ngờ. Đó là một cái xương dài màu trắng, dẹt, nhưng quá lớn để có thể là của bất cứ con vật nào anh từng thấy trước đó.
Sau cơn hốt hoảng, người ngư dân mang khúc xương tìm được đến một nhà tiên tri. Bà ta đã nói với anh rằng đó chính xác là xương vai của một bán thần (nửa người, nửa thần). Bà tin rằng khúc xương này là của Pelops (vua xứ Pisa), con trai của Tantalus và cháu trai của Zeus; người được cho là có một bên vai bằng ngà.
Theo truyền thuyết, Pelops đã chiến đấu và tử trận trong cuộc chiến thành Troy. Khi người Hy Lạp mang xác ông về nhà, con tàu của họ gặp phải một cơn bão khủng khiếp làm cho thi thể của Pelops rơi xuống biển. Nhà tiên tri nói với người ngư dân rằng hài cốt của Pelops đã nằm ở đó cho đến khi anh ta tìm được nó.
Khúc xương đã được mang vào thờ phụng tại ngôi đền thờ nữ thần Săn bắn Artemis (còn có tên gọi là Diana). Người ngư dân và gia đình anh được công nhận là những người thừa tự chính thức của Pelops, vua xứ Pisa. Thật không may là khúc xương này đã bị mất tích vào năm 150 sau Công nguyên.
Các chuyên gia khảo cổ đã đưa ra nhiều suy đoán về thứ mà người ngư dân đã tìm thấy. Giả thuyết được nhiều người đồng tình nhất là anh ta đã lưới được ngà của một con voi ma-mút lông dài, có lẽ đã bị trượt té xuống biển từ hàng ngàn năm trước cho đến khi chiếc ngà tình cờ vướng vào lưới của người ngư dân.
7. Nơi yên nghĩ của người khổng lồ Antaeus
Cách đây 2.000 năm, người dân Tingis tin tưởng rằng thị trấn của họ được xây dựng bên cạnh khu đất chôn cất một người khổng lồ tên là Antaeus.
Antaeus đã xây lên thành phố của họ và sống cùng với họ trong nhiều năm cho đến khi đối diện với số phận không thể tránh khỏi của mình – bị giết bởi dũng sĩ Heracles trong một trận quyết đấu sinh tử.
Đối với người La Mã, chuyện này nghe hết sức vô lý và đậm chất mê tín dị đoan. Khi viên sĩ quan chỉ huy quân đội La Mã Quintus Sertorius đến thị trấn Tingis, ông quyết tâm chứng minh niềm tin của dân địa phương về người khổng lồ Antaeus là hoàn toàn sai lầm.
Họ đã đưa Sertorius đến nơi mà theo truyền thuyết là địa điểm chôn cất Antaeus. Những người lính của Sertorius bắt đầu đào bới và ông ta ngồi chờ báo cáo rằng họ không thấy có gì ở đó.
Thế nhưng trước sự ngạc nhiên của Sertorius, những người lính của ông đã thực sự khai quật được một bộ xương khổng lồ. Không chắc là họ đã đào được bao nhiêu cái xương, nhưng khi quay về La Mã họ khẳng định rằng đã phát hiện ra hài cốt của một người khổng lồ có chiều cao 26 mét.
Sertorius đã cho chôn cất lại bộ hài cốt này và thừa nhận rằng đây thực sự là nơi chôn cất một nhân vật huyền thoại.
Ngày nay, địa điểm chôn cất đó là một khu vực khai quật to lớn các hóa thạch kỷ Miocen-Pliocen, nơi có hóa thạch xương voi ma-mút cổ đại, cá voi, và họ hàng khổng lồ của hươu cao cổ. Một trong số chúng có lẽ là những chiếc xương mà Sertorius đã đào lên.
8. Những chiếc xương màu đen của thần Set
Trong khoảng giữa năm 1300 và 1200 trước Công nguyên, người Ai Cập cổ đại đã phát hiện ra ít nhất là 3 tấn hóa thạch.
Chúng là xương của các loài hà mã lớn, cá sấu, heo rừng, ngựa, linh dương, trâu và nhiều hơn nữa trong một dự án khai quật lớn.
Tuy nhiên, không có một tài liệu ghi chép nào về việc khai quật này còn tồn tại đến ngày nay. Tất cả những gì chúng ta có là xương hóa thạch và những kết luận rút ra qua việc nghiên cứu các bộ xương này.
Chúng ta biết rằng tất cả các hóa thạch đều có màu đen. Khi người Ai Cập tìm thấy chúng, họ ắt hẳn đã nghĩ rằng những hóa thạch này có liên quan đến các vị thần Ai Cập cổ đại. Do vậy, họ đã đưa chúng vào bảo quản trong đền thờ thần Set, vị thần của bóng tối và hỗn loạn.
Người Ai Cập đã cẩn thận bọc các hóa thạch bằng vải lanh và đặt chúng trong các ngôi mộ bằng đá như thể đang chôn cất người chết với sự kính trọng. Có lẽ họ nghĩ rằng đây là phần còn lại của các vị thần hoặc thuộc hạ của Set.
Điều chúng ta biết chắc là chúng đã nằm trong những ngôi mộ, được bọc trong vải lanh và không chịu sự tác động của con người trong hơn 3.000 năm trước khi được phát hiện vào năm 1922.
9. Nghĩa trang trong truyền thuyết của sử thi Mahabharata
Một trong những truyền thuyết nổi tiếng của người Hindu là câu chuyện về Mahabharata, một trận chiến đậm chất sử thi giữa các anh hùng, các vị thần và những con quái vật.
Có nhiều phiên bản khác nhau về Mahabharata. Nhưng theo lời kể trong một câu chuyện kịch tính nhất thì đó là một trận chiến độc nhất vô nhị với hàng triệu binh sĩ ở mỗi bên.
Hàng trăm ngàn con voi, ngựa chiến và xe ngựa đã tham gia trận chiến, để lại hàng ngàn xác chết bị thối rữa trên chiến trường khi cuộc chiến kết thúc.
Ngay cả những vị thần cũng tham chiến. Các vị thần tối cao như Shiva (thần hủy diệt), Krishna (thần bảo trợ, hiện thân thứ 8 của thần Vishnu) và Rama (hiện thân thứ 7 của thần Vishnu) đều tham gia vào cuộc chiến, mà cao trào là trận quyết đấu huyền thoại giữa một người khổng lồ tên Bhima và một anh hùng siêu nhiên tên là Duryodhana. Theo truyền thuyết, Bhima đã xé toạc chân tay Duryodhana trước khi bị một tia sét từ trên trời đánh trúng.
Nhà sử học Alexandra van der Geer tin rằng câu chuyện này có nguồn gốc từ những hóa thạch cổ xưa. Những ngọn đồi ở Siwalik, nơi cuộc chiến huyền thoại diễn ra, là địa điểm bao gồm hai loại di tích cổ khác nhau.
Đầu tiên là những con rùa khổng lồ, loài voi Stegodons (một chi của voi ma-mút), hổ răng kiếm và hươu cao cổ bốn sừng đã chết tại đây từ hàng triệu năm về trước.
Bởi một sự trùng hợp ngẫu nhiên, địa điểm này cũng chứa đầy những cây lao và cây giáo bằng đồng từ một trận đánh thực sự đã diễn ra từ hàng ngàn năm trước.
Van der Geer tin rằng người Ấn Độ cổ đại đã phát hiện các vũ khí này nằm chung với xương hóa thạch của những quái vật mà họ không thể hình dung được chúng là con gì. Do vậy, họ cho rằng đã phát hiện ra tàn tích của một bãi chiến trường (thần thoại), nơi mà những người lính cùng với các vị thần đã chiến đấu với những con quái vật.
10. Quyển sách Dream Pool Essays của Trầm Quát
Khi Trầm Quát (1031-1095), một học giả Trung Quốc sống vào đời nhà Tống, nghiên cứu về các hóa thạch cổ đại, ông không gán ghép chúng cho bất kỳ sinh vật thần thoại hay ma thuật nào.
Trầm Quát đã đưa ra những giải thích khác – những lời giải thích này đã đi trước thời đại của ông, và thế giới chỉ chấp nhận chúng trong gần 1.000 năm sau đó.
Trong cuốn sách Dream Pool Essays (một cuốn sách khoa học, đề cập đến các vấn đề về thiên văn học, địa lý, toán học, vật lý , hóa học, khí tượng học, sinh học, y học, văn học, nghệ thuật, lịch sử và những thứ khác, xứng đáng là bách khoa toàn thư của kinh điển cổ xưa), Trầm Quát tuyên bố rằng cảnh quan thế giới đã được định hình qua hàng triệu năm do sự xói mòn núi, sự nâng lên và sự lắng đọng của bùn.
Một phần lập luận của ông là dựa trên việc một số vỏ sò hóa thạch được tìm thấy ở Thái Hành Sơn cách xa đại dương hàng trăm dặm.
Dựa vào các vỏ sò và sự xói mòn của núi, ông lập luận rằng ngọn núi đã được nâng lên qua hàng ngàn năm; điều này không khác với lập luận của thuyết kiến tạo hiện đại.
Dựa trên các hóa thạch tre hóa đá mà ông tìm thấy ở miền Bắc Trung Quốc, ông lập luận rằng thế giới đã trải qua những đợt thay đổi khí hậu lớn.
Theo Trầm Quát, cây tre chỉ có thể phát triển nếu miền bắc Trung Quốc (trước đó) từng là nơi ấm hơn – một lần nữa, điều này ngày nay đã được chứng minh.
Thế giới phương Tây không thực sự chấp nhận ý tưởng của Trầm Quát cho đến thế kỷ 19 – gần 1.000 năm sau đó. Có thể nói rằng Trầm Quát là người đã đi trước thời đại của mình đến gần một thiên niên kỷ.