“Một đất nước muốn phát triển, đất nước đó cần phải được quản trị tốt; một doanh nghiệp muốn lớn mạnh, doanh nghiệp đó cần phải được quản trị tốt…” Peter Drucker
Hiện tượng Brexitism và Trumpism đã tạo ra một cơn địa chấn chính trị toàn cầu, rung hồi chuông báo động về khủng hoảng thể chế tại nhiều nước, đòi hỏi phải đổi mới tư duy quản trị. Nước Mỹ và thế giới đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử để bước sang trang mới đầy thách thức và bất định. Đây là một vấn đề có quy mô toàn cầu.
Tại sao hai đảng Cộng hòa và Dân chủ lại thua Donald Trump?Tại sao hàng trăm ngàn doanh nghiệp Việt Nam bị phá sản và giải thể? Quản trị quốc gia và quản trị doanh nghiệp là nguyên nhân chính (bên cạnh các nguyên nhân khác). Đã đến lúc Việt Nam phải đổi mới “vòng hai”, như cách đây 30 năm khi ông Nguyễn Văn Linh phát động đổi mới “vòng một”, với khẩu hiệu “đổi mới hay là chết” và “hãy tự cứu mình”.
Đổi mới cái gì?
Có thể nói năm 2017 sẽ là năm “đổi mới hay là chết”. Đổi mới thể chế vốn là một nhu cầu tất yếu, giống như quy luật sinh – lão – bệnh – tử. Cải cách kinh tế tại Việt Nam đã trải qua gần ba thập niên, nay các động lực cải cách không còn được bao nhiêu để đáp ứng những thách thức phát triển mới, nếu không muốn nói là đã bị vô hiệu hóa.
Một cơ thể ốm yếu do mắc phải bệnh kinh niên hiểm nghèo, cần được giải phẫu, nếu để lâu quá tính mạng khó an toàn. Muốn đổi mới thể chế thành công, phải đổi mới tư duy (là khâu khó nhất). Einstein đã từng nói: “Bạn không thể giải quyết vấn đề bằng chính tư duy đã tạo ra nó”. Một lần, khi trao đổi với một chuyên gia hàng đầu về quản trị, làm thế nào để thay đổi tư duy, anh ấy đã chỉ tay lên trời: “Việc đó tùy thuộc vào ý Chúa, không phải chúng ta”.
Thay đổi tư duy vô cùng khó, nhưng cũng chính vì vậy mà chúng ta mới phải làm khác đi để “biến điều không thể thành có thể”. Tư duy “truyền thống” theo đường mòn “quy trình”, ẩn náu “bên trong cái hộp”, nay không còn phù hợp nữa.
Donald Trump đã thắng và trở thành tổng thống Mỹ vì đã không làm theo “quy trình” mà thay đổi “quy trình” bằng tư duy đột phá. Chỉ bằng Tweet cá nhân, ông Trump có thể làm thị trường chứng khoán chao đảo, các tập đoàn và chính phủ các nước đau đầu. Trump ứng dụng công nghệ truyền thông mới làm đảo lộn trật tự cũ. Có lẽ đó là điều mà Bill Gates nhận thấy và đánh giá cao triển vọng của con người bất trị này. Chính Bill Gates cũng không làm theo “đúng quy trình” nên mới trở thành tỉ phú giàu nhất thế giới.
Đổi mới “vòng một” ở Việt Nam chủ yếu là đổi mới thành phần kinh tế theo quy luật thị trường. Đổi mới “vòng hai” chủ yếu là đổi mới thể chế chính trị, để tháo gỡ “các điểm tắc nghẽn” làm bất cập giữa kinh tế thị trường và định hướng XHCN.
Đối với một xã hội chuyển đổi, khủng hoảng nhân cách có lẽ là đặc thù lớn nhất. Để quản trị quốc gia, khủng hoảng hệ tư tưởng là ách tắc lớn nhất. Trong quản trị doanh nghiệp, đổi mới tư duy quản trị theo “đúng quy trình” có lẽ là yêu cầu cấp bách nhất hiện nay.
Trong bối cảnh đó, phải đổi mới “vòng hai” bắt đầu từ nông nghiệp (chứ không chỉ công nghiệp), lấy đồng bằng Nam bộ làm nơi thí điểm, với sáng kiến “Mekong Connect” gồm bốn tỉnh ABCD (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp).
Muốn định vị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, phải đổi mới thể chế, xóa bỏ các điểm tắc nghẽn, đoạn tuyệt với tư duy “tiệm tiến” và “đặc thù” cản trở tư duy đột phá.
Muốn thương mại hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, muốn ứng dụng công nghệ mới và quản trị mới, để tham gia phân khúc thị trường cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, phải xóa bỏ “hạn điền” (do cơ chế sở hữu đất đai lỗi thời) như cái vòng kim cô lâu nay kìm hãm sản xuất nông nghiệp hiện đại với quy mô lớn.
Vì làm “đúng quy trình” theo truyền thống, Việt Nam đã tụt hậu so với các nước láng giềng, phải sang Thái Lan và Campuchia học tập kinh nghiệm trồng lúa.
Đã đến lúc “đổi mới hay là chết” và “hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”.
Đổi mới thế nào?
Đổi mới quản trị khác với lý thuyết quản trị sự thay đổi mà John Kotter đã đề xuất với “mô hình thay đổi tám bước”(*). Lý thuyết John Kotter đã được giảng dạy và ứng dụng cho quản trị điều hành trong mấy thập niên qua. Đến nay, nếu chưa lỗi thời thì nó cũng không còn hữu hiệu như trước vì thời thế đã thay đổi.
Gary Hamel đề xuất lý thuyết đổi mới quản trị triệt để hơn. Ông lập luận rằng các mô hình quản trị “hiện đại” là những phát kiến quan trọng của con người trong hơn một thế kỷ qua, để chuyên môn hóa và tiêu chí hóa hệ thống vận hành theo những quy trình quản trị “truyền thống”.
Trong khi đó, mô hình đổi mới quản trị khác biệt với các quy trình, quy tắc và tập quán quản trị “truyền thống”. Thách thức lớn nhất để thay đổi quản trị một cách triệt để là phải có tư duy thực sự đổi mới. Câu hỏi căn bản để phân biệt mà Hamel đặt ra là “bạn có thực sự nghiêm túc đổi mới hay không”.
Đổi mới quản trị đòi hỏi bốn yếu tố: (1) Tư duy mới để tháo gỡ vướng mắc nan giải; (2) Nguyên lý hay cách nhìn mới – có hiệu lực soi sáng cho cách đề cập mới, (3) Thận trọng phế bỏ những tập quán giáo điều đã kìm hãm tư duy sáng tạo và (4) Những ví dụ và so sánh để giúp xác định những giải pháp khả thi.
Nói cách khác, để tháo gỡ những vấn đề nan giải, cần những nguyên tắc mới và tư duy mới phi truyền thống, trong đó tư duy sáng tạo của con người là then chốt để đổi mới quản trị cũng như các yêu cầu đổi mới khác.
Muốn đổi mới quản trị “vòng hai” thì phải “thay đổi hệ thống” chứ không phải chỉ “làm chủ hệ thống”. Theo Gary Hamel, muốn quản trị điều hành hiệu quả trong thế kỷ XXI, phải phân biệt rõ giữa “lãnh đạo” và “quyền lực hành chính”.
Gary Hamel và các nhà tư tưởng đổi mới quản trị khác cho rằng tình trạng quản trị hiện nay không theo kịp những biến đổi đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, làm cho những công cụ quản trị được nghĩ ra trong thế kỷ trước trở nên lỗi thời và vô hiệu hóa, thậm chí phản tác dụng trong một nền kinh tế tri thức toàn cầu hóa (hoặc “hậu toàn cầu hóa”). Cần phải sáng tạo ra cách quản trị mới, vì 2/3 những công cụ quản trị cũ đã lỗi thời, không theo kịp thời đại và không đáp ứng được những thực tế mới và yêu cầu mới về quản trị.
* * *
Cách đây đã lâu, Peter Drucker, một nhà quản trị lỗi lạc, nói rằng “Hệ thống giáo dục truyền thống luôn dạy cho người học một thế giới không còn tồn tại… Ba mươi năm nữa, các khuôn viên đại học sẽ chỉ còn là phế tích. Chúng ta phải bắt đầu giảng dạy cho các lớp học ở bên ngoài trường đại học, qua vệ tinh và video hai chiều, với chi phí thấp nhất”.
Thật ra, viễn cảnh của Peter Drucker ngày nay đang diễn ra rồi, như một thực tế mới. Tư duy đổi mới quản trị của Drucker đã được những nhà cải cách giáo dục vận dụng còn táo bạo hơn.
Trong bài diễn văn đọc tại một buổi lễ tốt nghiệp cách đây vài năm, bà Drew Gilpin Faust – Chủ tịch Harvard, đã nhấn mạnh (trích tóm tắt): “Nhiệm vụ của chúng ta là làm đảo lộn các định kiến, làm cho những gì đã quen thuộc trở thành xa lạ… làm cho giới trẻ lạc hướng và giúp họ tìm cách định hướng lại mình”.
Muốn đổi mới quản trị, phải thay đổi tư duy “truyền thống”. Để đào tạo một thế hệ quản trị mới, không nên dạy nhồi nhét theo “đúng quy trình”, vì như Socrates đã nói: “Giáo dục không phải là đổ đầy bình, mà là châm một ngọn lửa”. Nếu điều tiền nhân đã dạy cách đây gần hai thiên niên kỷ mà nhiều người vẫn chưa hiểu, thì đành phải mượn lời Einstein để tự an ủi rằng: “Chỉ có hai điều vô hạn là vũ trụ và sự ngu xuẩn của con người, và tôi không dám chắc về điều thứ nhất”.
(*) Mô hình tám bước thay đổi của John Kotter gồm: (1) Hình thành ý thức khẩn trương, (2) Phối hợp chủ đạo mạnh mẽ, (3) Tạo tầm nhìn, (4) Truyền đạt tầm nhìn, (5) Trao quyền hành động, (6) Lập kế hoạch cho thành công ngắn hạn, (7) Duy trì đà phát triển và (8) Thể chế hóa phương pháp mới.
- Nguyễn Quang Dy (1-1-2017)
Xem thêm:
Chuyển đổi chức năng của Nhà nước