Tôi trở về Huế một ngày cuối năm. Nắng xuân dịu dàng ấm áp hay lòng tôi đang lâng lâng một cảm giác nôn nao thật khó tả. Lần nào cũng thế, tôi thường chọn chuyến bay sớm nhất trong ngày để ra Huế và chuyến trễ nhất khi trở vào. Có lẽ vì để được về nhà sớm hơn một chút và cố kéo dài những giây phút quý giá được sống trên quê hương với người thân, bạn bè.
Con đường quốc lộ từ sân bay Phú Bài vào thành phố Huế nay đã được tu sửa khang trang, rộng rãi hơn với những cột đèn cao áp sừng sững kéo dài tít tắp. Hai bên đường, những ngôi nhà cao tầng mái ngói đỏ tươi lướt qua làm lòng tôi thấy vui vui vì quê hương đang thay da đổi thịt từng ngày.
Hai mươi tám tháng Chạp. Khắp nơi đã tưng bừng không khí tết. Những gian hàng rộng mở tràn ngập các loại mứt bánh, bò khô, lạp xưởng đủ màu sắc thật vui mắt. Không khí mùa xuân len lỏi khắp nơi, chan hòa trên những gian hàng tết, chui vào làn mây, giỏ nhựa đi chợ của các bà, các cô, các o… đến tận gian bếp thơm nức của từng nhà.
Người Huế vốn cầu kỳ trong việc ăn uống nên chuyện chuẩn bị hương vị cho ngày tết cũng rất công phu và tỉ mỉ. Giữa những cơn mưa dằng dẵng suốt mùa đông là vài ngày nắng hiếm hoi cho các bà nội trợ Huế tỉa cà rốt, đu đủ, phơi dưa kiệu và củ hành để làm những cọng dưa món trắng nõn, đỏ au ngập trong sắc vàng nhạt của nước mắm trông thật hấp dẫn. Cũng có lúc trời chẳng chiều lòng người, vừa hửng lên chút nắng lại vội gọi mây xám về kéo theo những hạt mưa bụi li ti. Những lúc như thế, người ta phải quạt than để hong dưa món cho khô. Không khí tết đã thật sự đến với mọi nhà, ai cũng tất bật mỗi người mỗi việc, theo tiêu chí “lớn làm việc lớn, tuổi nhỏ làm việc nhỏ”. Đàn ông kê lại bàn ghế, quét vôi, sơn lại khung cửa bạc màu… Phụ nữ làm công việc nhẹ nhàng hơn nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn và đôi tay khéo léo, đó là chế biến mứt bánh. Nhớ hồi còn bé, chị em tôi thường lân la xem mẹ làm mứt để thỉnh thoảng nhón lấy một chút mứt nóng hổi mẹ vừa bày ra chiếc mẹt tre để đem phơi nắng. Hình như tôi vẫn nhớ như in cái mùi vị cay cay của mứt gừng, vị giòn giòn ngọt lịm của cọng mứt dừa thơm nức mũi. Đối với tôi, có lẽ những miếng ăn dấm dúi, vụng trộm thời ấu thơ ấy là những miếng ngon và mang nhiều hương vị nhất.
Mặc dù ở chợ có bày bán đủ loại bánh mứt nhưng hầu như nhà nào xứ Huế cũng muốn tự tay chế biến những món ngon ngày tết. Tùy hoàn cảnh mà làm ít hay nhiều, món cao cấp, cầu kỳ hay món đạm bạc, đơn sơ. Cùng một món mứt nhưng có khi cách chế biến của từng nhà lại khác nhau và trở thành bí quyết riêng, chỉ truyền cho con cháu, người thân. Đối với người Huế, món ngon ngày tết không chỉ đơn thuần là miếng ăn đãi khách những ngày đầu xuân mà còn gởi gắm biết bao tâm tình sâu lắng của người mẹ, người chị xứ Huế như một chút duyên ngầm ý nhị mà kín đáo. Chính vì vậy nên các bà mẹ Huế khi lựa chọn con dâu tương lai thường ưu tiên những cô gái giỏi nữ công gia chánh.
Sáng sớm, lúc trời còn rét căm căm, tôi và chị gái đã hít hà đội mưa phùn đi chọn mua hoa ở bến Chương Dương sau lưng chợ Đông Ba. Đây là khu chợ đầu mối nên có nhiều loại hoa và giá rẻ hơn so với những hàng hoa ở các khu chợ khác. Hoa cúc đủ màu xen lẫn những cành lay-ơn mỏng manh e ấp chưa chịu nở, cánh hồng nhung tươi thắm đang khoe sắc kiêu sa. Bao lâu rồi tôi không được hòa mình trong một không gian rặt những người nói giọng như mình, sao gương mặt ai cũng thấy thân thương quá đỗi! Chọn chọn, lựa lựa, cuối cùng tôi cũng mua được mấy bó hoa ưng ý và dù rất “cảnh giác” tôi vẫn bị một chiếc gai bông hồng đâm vào tay rớm máu.
Ba mươi tết. Sớm tinh mơ mọi người đã hối hả đổ ra đường sắm tết. Ai cũng mong chọn cho nhà mình những nguyên liệu tươi ngon nhất cho mâm cúng ông bà cuối năm thật thịnh soạn và đặc biệt. Thường người Huế cúng tổ tiên bằng một mâm ngũ quả gồm đu đủ, mãng cầu, dừa, xoài, thơm để “cầu vừa đủ xài” suốt năm. Có khi trên mâm ngũ quả còn có thêm chùm sung để cầu mong sự sung túc, đầy đủ đến với nhà mình. Về món mặn thì có một cái thủ lợn thật to, các món kho xào, canh, xôi và chè… Chiều Ba mươi, cả không gian như chùng xuống trong tĩnh lặng, khói nhang trầm phảng phất từ cõi xa vắng bay về. Công việc nặng nhọc nhưng ý nghĩa nhất trong ngày Ba mươi là gói và nấu bánh chưng. Mọi người quây quần bên chiếc chiếu bày những rá nếp trắng nõn, đậu xanh vàng ươm, thịt mỡ ướp gia vị và hạt tiêu thơm lừng. Mọi người làm việc ăn ý đến mức cả nhà như một dây chuyền sản xuất thật nhịp nhàng, người bẻ lá làm khuôn, người đong nếp cho nhân vào bánh, người buộc lạt…, để cho ra sản phẩm cuối cùng là những chiếc bánh xanh vuông vức.
Có lẽ vì năm nào nhà tôi cũng tự nấu bánh chưng nên chị em tôi đã quen và đâm ghiền cái hương vị bánh rất đặc trưng của nhà mình, ăn ở đâu cũng cảm thấy không ngon bằng. Năm ngoái, riêng chuyện gói bánh mà nhà tôi đã chia làm hai “phe”. “Phe” nam giới gồm có ba tôi và đứa em trai đề nghị không gói với nấu bánh chưng làm gì cho mệt, đi đặt người ta làm là xong. “Phe” nữ giới gồm mấy mẹ con thì khăng khăng dù cho nước sông Hương có cạn cũng phải tự nấu và gói bánh chưng ở nhà, mệt thì có mệt nhưng ngon hơn bánh chưng đặt ngoài hàng. Năm ngoái, cả nhà đã theo chủ trương của ba tôi là không gói bánh, kết quả là cánh phụ nữ sục sôi ý chí năm nay phải khôi phục “truyền thống gói bánh” của gia đình. Đêm Ba mươi không có gì vui bằng cảnh cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa bập bùng, vừa canh nồi bánh chưng vừa đánh bài, ai thua phải ra đun củi vào bếp. Tôi đánh bài dở ẹc nên khi nào cũng thua và mắt mũi lại kèm nhèm vì khói.
Giao thừa là giờ phút thiêng liêng nhất, mùi hương trầm nghi ngút hòa quyện với linh khí của trời đất giao hòa, con người vừa có tâm trạng lưu luyến như muốn níu kéo những gì của năm cũ đã qua rồi không thể tìm lại đuợc, vừa phấn chấn trước những điều mới mẻ đang chờ đón trước thềm năm mới.
Xem thêm: