Ở nhiều vị trí công tác, tiền lương thực lãnh của cán bộ, công nhân bao gồm tất cả các khoản thu nhập chỉ còn được từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng.
Một cán bộ Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho biết lương của cán bộ công nhân viên tạm thời vẫn được đảm bảo, nhưng một số khoản phụ cấp ở một vài bộ phận có bị điều chỉnh.
Không biết việc cắt giảm lương và các khoản phụ cấp nói trên chiếm bao nhiêu phần trăm trong số 1.800 tỉ đồng mà EVN cam kết cắt giảm, nhưng rõ ràng điều này làm cho người lao động gặp khó khăn trong thời buổi này.
Tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), nơi có mức thu nhập bình quân cao hơn nhiều so với các ngành khác, việc cắt giảm lương của người lao động đã thực hiện từ vài tháng qua.
Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, ông Phùng Đình Thực xác nhận trong kế hoạch tiết giảm chi phí, PVN đã yêu cầu tất cả các đơn vị trong ngành thực hiện cắt giảm quỹ lương nhân viên chung của tất cả các đơn vị trong tập đoàn từ 5% – 10%. Được biết hồi tháng 5, tập đoàn này cam kết với Bộ Tài chính sẽ cắt giảm 137 tỉ đồng.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan – người am tường về hoạt động của doanh nghiệp cũng như nghiên cứu thấu đáo các chính sách của Nhà nước – cho rằng, việc các tập đoàn dùng chủ trương tiết giảm chi phí để giảm lương người lao động là sai. Vì chủ trương cam kết giảm chi phí của Chính phủ cũng nói rõ là không được giảm tiền lương của người lao động. Điều cơ bản trong cắt giảm chi phí là nhằm giúp các đơn vị cải thiện việc quản lý, tổ chức công việc làm sao để năng suất cao hơn, giúp tiết kiệm chi phí, hạn chế lãng phí. Cắt giảm lương của người lao động là cái dễ nhất trong khi các chi phí, tốn kém khác có thể không bị động đến.
Ý kiến của bà được nhiều chuyên gia đồng tình khi cho rằng trước hết phải xem cơ cấu tiền lương của người lao động chiếm bao nhiêu phần trăm chi phí của các tập đoàn, tổng công ty và việc giảm lương, phụ cấp cũng như các khoản tiền thưởng nếu có sẽ chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong chi tiêu của doanh nghiệp. Nếu các khoản này chiếm phần rất lớn thì phải so sánh tương quan với năng suất. Mặt khác Bộ Tài chính cần giám sát các đơn vị có cắt giảm đúng ở những khâu cần cắt giảm không, có như vậy hiệu quả của chủ trương cắt giảm chi phí, nâng cao tính cạnh tranh sản phẩm mới đạt được.
Thực ra, việc tiết kiệm là nhiệm vụ của bất kỳ doanh nghiệp nào nếu muốn hoạt động hiệu quả, vì vậy sẽ rất sai lầm nếu các tập đoàn xem việc đăng ký giảm chi phí như một thành tích. Thế cho nên tiết kiệm mà không mang lại hiệu quả tốt hơn cho doanh nghiệp và đời sống của người lao động thì cũng trở nên vô nghĩa.
Cũng không nên quên rằng việc cắt giảm lương chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của người lao động, có thể tác động ngược đến hiệu quả kinh doanh của các tập đoàn trong lúc khó khăn này.
Bất cứ nhà quản lý doanh nghiệp nào cũng biết rằng có rất nhiều giải pháp tích cực hơn để tiết giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp mà không nhất thiết phải cắt giảm lương. Chẳng hạn như cải tiến cách quản lý, cắt giảm chi phí gián tiếp, giảm thiểu chi phí tổ chức hành chính, tiết kiệm các khoản chi bất thường, sắp xếp hợp lý bộ máy nhân sự, hoàn thiện chính sách đãi ngộ phù hợp với nhiệm vụ, tuyển chọn đúng người đúng việc, nhất là cần xem đồng lương là đòn bẩy năng suất lao động.
Trong khi hàng loạt những sai phạm, lãng phí, thua lỗ do đầu tư ngoài ngành ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước liên tục được công bố gần đây cho thấy đây chính là những vướng mắc chủ yếu cần tập trung giải quyết bằng cách chấn chỉnh hoạt động, hạn chế chi tiêu. Như vậy thì cắt giảm chi phí bằng cách hạ thấp thu nhập của người lao động như các tập đoàn và tổng công ty nhà nước đang triển khai rõ ràng là hạ sách và không phải là cách xử lý phù hợp với thực tế của người lãnh đạo doanh nghiệp.
Chủ trương tiết giảm chi phí quản lý, thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của các tập đoàn, tổng công ty trong giai đoạn này là hết sức cần thiết khi mà những khuyết tật của các doanh nghiệp này như sử dụng đồng vốn kém hiệu quả, đầu tư tràn lan ngoài ngành vẫn chưa chấn chỉnh được, nợ nần chồng chất chưa thể khắc phục.
Nhìn nhận về động thái tiết giảm chi phí của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đó là việc làm tích cực về mặt ý thức. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng vẫn là hiệu quả kinh doanh.
Bộ Tài chính cho biết, sắp tới quy chế giám sát tài chính đối với doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sẽ được ban hành, trong đó đề cao việc xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty. Dù cắt giảm chi tiêu như thế nào, nhưng nếu để thua lỗ hai năm liên tiếp, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty phải bị đưa ra xem xét, xử lý trách nhiệm.
Hoàng Long