Theo thông tin của Bộ Tài chính, nguồn thu từ đất đai năm 2010 đạt 67.700 tỉ đồng, chiếm 11,21% tổng thu ngân sách nhà nước. Con số này xét về biên độ thời gian so với những năm trước có xu hướng tăng, nhưng được cho là thấp hơn nhiều so với mức có thể thu được từ đất đai theo quy định của pháp luật. Theo Tổng cục Thống kê, tổng các nguồn thu từ đất của Việt Nam chiếm khoảng 5 – 8% tổng thu ngân sách quốc gia, trong đó chủ yếu là thu tiền sử dụng đất. Trong một nghiên cứu, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT – TS Đặng Kim Sơn nhận định, so với các quốc gia nền kinh tế phát triển (OECD) có GDP từ thuế đất và nhà ở khoảng 2%, khoản thu từ thuế đất đai của Việt Nam khá thấp, chỉ chiếm khoảng 0,07% GDP năm 2010. Các nước đang phát triển khác cũng đạt 0,5% và các nước chuyển đổi đạt mức 0,6%.
TS Sơn còn bổ sung thêm rằng: “Ở ViệtNam, các loại thuế đất đai và bất động sản vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Thị trường đất và bất động sản thành thị có giá trị giao dịch khổng lồ nhưng Bộ Tài chính báo cáo thuế đất tại ViệtNamkhông phải là nguồn thu thuế đáng kể, đặc biệt cho ngân sách địa phương. Thất thu thuế đất làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng ở ViệtNam. Những người có khả năng tiếp cận với đất và bất động sản đang gia tăng tích lũy của cải mà không phải đóng góp cho công cuộc phát triển đất nước. Trong khi nông dân nông thôn lại chịu thiệt thòi vì không được đầu tư bù đắp”.
Việc thất thoát nguồn thu tài chính từ đất đai chủ yếu vẫn do cách tính giá đất và những tiêu cực, gian lận trong quá trình thực thi các chính sách pháp luật về đất. Ở ViệtNam, nguồn quỹ phát triển cơ sở hạ tầng gần như không có, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước và nguồn vốn vay ODA. Tại Hội thảo khoa học “Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản Nhà nước phục vụ phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2020”, báo chí trích dẫn nguồn của Bộ Tài chính rằng số thu ngân sách từ đất có thể đạt từ 80-100 nghìn tỉ đồng/năm và Nhà nước đang lãng phí hàng chục nghìn tỉ đồng từ nguồn thu đất. Đặt trong bức tranh chung về tình hình tài khóa và nhu cầu phát triển sắp tới, một dự báo dù sơ khởi nhất cũng có thể nhận định rằng, sự lãng phí nguồn thu từ đất đai có thể dẫn đến sự thiếu hụt nguồn vốn cần thiết để phát triển hạ tầng thiết yếu và dịch vụ công trong 10 năm tới. Đáng nói hơn, thất thoát này đi kèm với nhiều nghịch lý đang tồn tại sau những sự kiện tại các điểm nóng đất đai khác trên cả nước.
Khi đất đai là sở hữu của toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, thì quyền sử dụng và quyền địa tô trên tài sản này lại được phân khúc cho nhiều đối tượng khác nhau, mà trên hết là vào túi riêng của chủ dự án, nhà đầu tư. Trong khi mức chênh lệch thông qua chuyển đổi đất đai tăng lên theo cấp số nhân (gấp 3-4 lần, thậm chí là 10 lần sau khi quy hoạch hay đầu tư vào cơ sở hạ tầng), thì lợi ích có được từ giá đền bù của người nông dân, hay người được đền bù còn thấp, chênh lệch quá khập khiễng so với giá thực mua bán bên ngoài. Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển, thực tế hiện nay việc Nhà nước chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đầu tư cơ sở hạ tầng làm giá trị đất tăng lên. Sau khi Nhà nước đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giá đất tại các điểm này dự kiến còn tăng hơn so với trước khi quy hoạch.
Ở TP.HCM, doanh nghiệp mua lại đất nông nghiệp của người dân với giá 5 đến 10 triệu đồng/m2 để thực hiện các dự án kinh doanh bất động sản với giá vài chục triệu đồng một mét vuông. Hay như một quyết định hành chính như sáp nhập Mê Linh, Hà Tây,… vào Hà Nội khiến giá đất ở các khu vực này tăng vọt. Nhưng yếu tố chính làm tăng giá trị đất là do quy hoạch và đầu tư hạ tầng của Nhà nước. Nếu Nhà nước không đầu tư làm cầu, đường thì đất ở những khu đô thị sầm uất như Nam Sài Gòn dù giá cao nhưng vẫn là đất nông nghiệp. Chính việc đầu tư cơ sở hạ tầng như mở rộng hệ thống giao thông đã thay đổi bộ mặt của các vùng ven trung tâm. Tuy nhiên, phần chênh lệch địa tô từ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng đang chảy vào tay các cá nhân, nhà đầu tư nhà đất, doanh nghiệp. Đáng lý ra nguồn thu này phải được bổ sung vào ngân sách nhà nước để bù đắp cho chi phí đầu tư hạ tầng.
Và đáng chú ý hơn, khi các nhóm lợi ích tư chia chiếc bánh bất động sản và làm giàu lên nhanh chóng, thì Nhà nước – hiểu trên nghĩa rộng như định chế tích tụ quyền lực công để điều phối thịnh vượng chung cho cả cộng đồng – phải đứng mũi chịu sào trong việc giải quyết các mâu thuẫn xã hội do chênh lệch lợi nhuận từ đất đai gây ra. Công trình nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chỉ ra rằng đến năm 2011 cả nước chỉ còn hơn 9 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó chỉ còn hơn 4 triệu hécta đất trồng lúa và con số này đang giảm đi một cách nhanh chóng. Từ năm 1996 đến 2010, có hơn 74.000ha đất nông nghiệp mất đi, nhường chỗ cho các dự án đầu tư.
Sự chuyển dịch cơ học về cơ cấu nền kinh tế bao hàm trong đó nhiều vấn đề nan giải cho xã hội. Mâu thuẫn bùng nổ xuất phát từ việc bất đồng đều về cơ hội giữa các giai tầng khác nhau về việc tiếp cận “tài sản cộng đồng” là chiếc bánh đất đai. Bị kẹt (vô tình hay cố tình) ở giữa những mâu thuẫn đan xen, cơ quan công quyền nhiều khi gặp tình huống phải lực bất tòng tâm. Văn Giang là một thí dụ rất điển hình cho thấy, nếu vấn đề chênh lệch địa tô không được giải quyết, thì xung đột giữa các nhóm được lợi từ đất đai là không tránh khỏi. Tiên Lãng là một thí dụ khác chứng minh khả năng lợi ích về kinh tế – dẫu ngắn hạn hay dài hạn – có thể dẫn đến sự lệch pha về chức năng của các cơ quan công quyền.
Nhiều ý kiến cho rằng để giải quyết cái gốc chênh lệch địa tô, với khung quy định trong Hiến pháp hiện nay, Nhà nước phải đứng ra giữ vai trò chủ đạo. Nếu chấp nhận giữ vai trò đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, việc phân bổ lại chênh lệch từ việc sử dụng tài sản chung của các cộng đồng là việc Nhà nước bắt buộc phải làm. Khi cam kết thu hồi một miếng đất nông nghiệp không có nhiều giá trị sử dụng, chuyển hóa thành đất hoặc dự án mang tính kinh tế cao hơn, thì phần thặng dư đó là cam kết phúc lợi chung cho tất cả cộng đồng, chứ không phải đổi chác dành riêng cho một thành phần nào đó. Mặc cho lập luận chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất dự án (chủ yếu là đất ở), thì cái người nông dân nhận được chỉ phản ánh đúng giá trị đất nông nghiệp mà họ sở hữu là hợp lý vì tiền đền bù đã cao hơn lợi tức nông nghiệp ban đầu. Mặc cho lập luận, chỉ khi đất nông nghiệp trở thành dự án, thì giá trị của nó mới tăng và cả vùng để được hưởng lợi.
Mức độ cân nhắc công – tư trong một quyết định về đất đai phải đảm bảo nguyên tắc bất di bất dịch: hy sinh một cộng đồng để phục vụ cho một cộng đồng khác – dù lớn hơn – chỉ tạo được đồng thuận, khi lợi ích của cộng đồng thua thiệt đó không quá bị tổn thương so với mức độ chung của toàn xã hội. Đường sá phục vụ cho lợi ích kinh tế hay các dịch vụ công phục vụ cho lợi ích xã hội phải là điểm đến của phần chênh lệch thu về từ quỹ đất. Phương thức “đổi đất lấy hạ tầng” đã được nhiều địa phương – thành phố trên thế giới và cả trong nước áp dụng tương đối thành công để thu hút đầu tư thực hiện mục tiên đầu tiên duy trì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, đồng thời tạo ra công ăn việc làm. “Đổi đất lấy dịch vụ công” là một mô thức khác để Nhà nước tận dụng nguồn thặng dư khá lớn từ địa tô, san sẻ lại lợi ích cho những thành phần phải gánh chịu trong quá trình chuyển đổi nhanh của công nghiệp hóa.
Niềm tin vào Nhà nước như một người đại diện chủ sở hữu, phân phối của cải và cân bằng lợi ích có thể bị xem là “lạc quan tếu” với các trường hợp lạm quyền hay tham nhũng thường xảy ra ở các nước đang phát triển, và ngay cả ở ViệtNamtrong những sự vụ nóng qua. Vai trò này, tuy vậy, có thể xem là một phép thử cho việc song hành cả hai mục tiêu cùng lúc. Cố gắng giữ đại diện chủ sở hữu đồng nghĩa với việc sử dụng hợp lý quyền lực từ vị trí đó. Giống như câu nói cầm quyền là gánh luôn trách nhiệm. Và một trong những trách nhiệm quan trọng nhất nằm ở ích nước, an dân, xây dựng một xã hội thịnh vượng cho số đông. “Công bằng về cơ hội” trong tiếp cận đất đai với thặng dư địa tô cho mọi người – mọi nhà, chính là nét gạch đầu tiên cho phép thử này.
Chính việc đầu tư cơ sở hạ tầng như mở rộng hệ thống giao thông đã góp phần thay đổi bộ mặt của các vùng ven trung tâm. Ảnh: Đại lộ Võ Văn Kiệt – con đường giao thông quan trọng của TP. Hồ Chí Minh
Năm 1776, nhà kinh tế học Adam Smith đã đưa ra lý luận về địa tô, hay còn gọi là lợi nhuận thu được từ sử dụng đất. Từ đó, các nguyên tắc cơ bản của tính thuế mà đến nay vẫn còn sử dụng ra đời. Khoảng 40 năm sau, nhà kinh tế học David Ricardo đã đưa ra hệ thống thuế về đất đai hợp lý tạo nên nguồn thu ổn định cho quốc gia. Năm 1867, Karl Marx đã phát triển lý luận kinh tế chính trị học về địa tô của Adam Smith và David Ricardo để đưa ra lý luận kinh tế chính trị học về địa tô tư bản hóa. Trong số ba loại địa tô chia theo K. Marx có địa tô đầu tiên không chỉ hưởng sự thuận lợi từ tự nhiên mà sau này còn nhận được sự thuận lợi từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng của Nhà nước. Như vậy, chênh lệch địa tô hiện nay có được là do sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng mang lại.
Ở nhiều nước trên thế giới, đất đai được coi là nguồn thu tài chính quan trọng trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Các nước nhưÚc,Canada, Đức,… luôn có các chính sách quy hoạch và phát triển đồng bộ. Ví dụ, đi đôi với mở đường sẽ là quy hoạch các công trình hai bên đường như đầu tư nhà ở, công trình kiến trúc đô thị. Như vậy, Nhà nước vừa điều tiết được chênh lệch địa tô do đầu tư hạ tầng mang lại, vừa thực hiện chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Ở Đài Loan, nếu chuyển nhượng đất đai vừa được quy hoạch đường thì chính quyền sẽ thu lại phần chênh lệch tăng thêm do chính quyền đầu tư cơ sở hạ tầng với chính sách định giá trước và sau khi mở đường.
Mai Xuân Trần tổng hợp