Đã có tổng cộng 83 tập đoàn, tổng công ty và bốn ngân hàng đăng ký tiết kiệm với tổng số tiền lên tới hơn 13.000 tỉ đồng, trong đó tiết kiệm về quản lý là hơn 3.000 tỉ đồng, chiếm 24,7%; 75,3% còn lại là khoản tiết kiệm về các yếu tố chi phí khác (nguyên – nhiên vật liệu, năng lượng…) tương đương hơn 9.418 tỉ đồng.
Hàng loạt buổi lễ nặng phần hình thức để công bố cắt giảm chi tiêu được tổ chức hoành tráng ngay sau đó khiến dư luận hoài nghi về thực chất các nội dung cam kết, khi mà phần lớn doanh nghiệp đăng ký đang làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất.
Chỉ còn chưa đầy năm tháng là hết năm 2012, để thực hiện cam kết về cắt giảm chi phí, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đồng loạt cắt giảm lương của người lao động từ 5% – 30%, đó là cách làm dễ nhất nhưng không phải là hợp lý nhất phù hợp với chủ trương của Chính phủ.
Đại diện một số đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp than và Khoáng sản ViệtNam(Vinacomin) xác nhận việc cắt giảm lương của người lao động đã được thực hiện từ vài tháng qua.
Điện lực là một trong các tập đoàn có công nhân bị cắt giảm lương từ vài tháng qua
Tại một số đơn vị thuộc EVN, mức cắt giảm lương phổ biến trên 10%, còn tại Tổng công ty Điện lực miền Bắc không ít cán bộ công nhân viên bị cắt giảm lương ở mức gần 30%.