Trong các loài động vật thuộc tự nhiên và được thuần dưỡng, gần gũi, dễ thương nhất vẫn là trâu bò nhờ dáng vẻ to cao, khỏe mạnh lại hiền lành, chân chất, lúc nào cũng đủng đỉnh,thư thái, ngoài ra là tiếng kêu ò ò vui tai. Có lẽ vì thế, mọi người hay liên hệ tới chúng, cứ thấy cái gì to lớn, ồn ào… là đặt tên luôn là cây/ con “trâu bò”, chẳng hạn như cỏ trâu, hoa mắt bò, tầm ma ngưu, ruồi trâu, ếch bò (ễnh ương), rắn trâu, thằn lằn trâu, kiến trâu, cá mập bò, cá hồng y mắt bò, chim sẻ bò, chim ăn giồi trâu, chó (mặt) bò…
Ở quê, dường như ai cũng biết, nhất là những trẻ mục đồng, một loài vật tuy nhỏ mà không bé, ấy là ruồi trâu. Do to bằng cái móng tay, trong khi những loài ruồi khác chỉ cỡ hạt đỗ, lại suốt ngày vo ve, nên dân gian gọi chúng là ruồi trâu. Những con ruồi này có mặt ở khắp nơi, song rất hay bu quanh đàn gia súc để kiếm ăn, nên càng củng cố tên gọi trên. Vì chúng gây ồn, những ai hay náo động cũng thường được ví là ruồi trâu. Mà một ví dụ tiêu biểu là nhà hiền triết người Hy Lạp Socrates. Trong cuộc đời của ông, triết gia đã đi khắp thành Athens, hỏi hết việc này tới việc nọ, đưa ra nhiều triết lý và tham gia vào mọi cuộc tranh cãi, khiến người ta phải kính nể ông.
Cũng ồn như vậy, vào hè thường xuất hiện những chú ễnh ương. Chúng liên tục kêu la ộp ộp ạp ạp, nghe vang một vùng, nhất là buổi trưa thanh bình. Ở Mỹ, Canada và nhiều quốc gia phươngTây, ễnh ương được gọi là ếch bò vì tiếng kêu to như tiếng bò rống, kéo dài hàng tiếng. Hơn thế, ở đó mỗi con vật thường nặng cả cân nên tiếng kêu cũng bay xa vài cây số.
Nói tới ếch cũng phải đề cập tới rắn, mà đơn cử là loài rắn trâu của Bắc Mỹ với thân thể đồ sộ, nặng nề, dài tới 2,5m như một con trăn; vì thế, chúng cũng thường ăn mồi bằng cách xiết chặt con vật. Rắn trâu thường ăn rắn chuông là một loài rắn rất độc trên sa mạc nhưng chúng lại không có độc và hay được bắt cầm tay, nuôi chơi nhờ có màu nâu vàng, đốm đen ấn tượng.
Loài thằn lằn sừng có thể gọi là một con rồng đối với người dân Piman Mexico do đẹp mắt, lại chữa được bách bệnh, nhất là có sự dẻo dai, linh hoạt tượng trưng cho vẻ đẹp nam tính. Thổ dân Piman thường đặt chúng ở trên người ốm và cầu xin chúng giúp người khỏe lại.
Dân gian rất yêu mến chúng và thường gọi thằn lằn sừng là torito de la Virgen, nghĩa là chú trâu/bò nhỏ của Đức Mẹ Đồng trinh vì dáng vẻ vững chãi, có những đôi sừng trên đầu như con trâu, và khi khóc còn phun ra huyết lệ, thể hiện cho sự thương xót, bi mẫn. Kỳ thực, trong nước mắt của chúng có một chất khi tác động với không khí hóa đỏ, còn chúng khóc khi ngáp và nuốt một lúc nhiều kiến quá, do món khoái khẩu của thằn lằn trâu là các giống kiến.
Kiến trâu lại là sinh vật đặc hữu của Australia, tựa như kiến lửa song to lớn hơn, thường dài tới 4cm, với đôi mắt to, đôi răng đại và một cái ngòi kinh khủng. Mỗi con đều nhìn được rất xa, trung bình 1m, nên dễ dàng săn được mồi, và tha về những con mồi to gấp 10 đến 50 lần trọng lượng của nó. Về độ xông xáo, có thể nói kiến trâu là một kình ngư trên cạn.
Dài 2,8m, nặng hơn 130kg, không chỉ thế còn sống được ở nước lợ lẫn nước mặn là cá mập bò, một sinh vật trên dọc chiều dài 4.000km bờ biển và hệ thống sông Amazon, hồ Nicaragua – Trung Mỹ. Do lụ khụ, đồng thời là cá mập duy nhất sống được lâu dưới nước ngọt, cá con thường ở tới năm năm trong môi trường sông nên chúng được đặt tên cá mập bò hay trâu cũng được, gợi nhớ tới loài trâu nước. Thế nhưng, không hiền như gia súc, chúng có thể săn đủ thứ trên cạn, dưới nước, tuy vậy vẫn là loài cá mập hiền vì dữ hơn còn có loài cá mập hùm…
Cũng là cá song mang danh xưng rất thiện lương là cá hồng y giáo chủ mắt bò ở vùng biển Đỏ, Ấn Độ-Tây Thái Bình Dương, trong đó có Mozambique. Các con vật có đặc điểm nhận dạng là mình màu nâu, hồng nhạt, trên lưng nổi hai đốm to hai bên như con ngươi bò. Hai con mắt của chúng cũng có màu đỏ lựng như mắt bò. Khá nhút nhát, chúng thường ẩn sâu dưới bãi san hô và chỉ tới đêm mới đi kiếm ăn.
Sẻ ức đỏ là một loài chim hết sức vui vẻ, đáng yêu, thường thấy ở Anh và nhiều nước châu Âu. Nhí nhảnh như chim robin ngực đỏ, chúng luôn bay đến báo hiệu mùa hè, khi thời tiết ấm áp và đu trên các cành cây ở thế chổng ngưởng để ăn hạt và mầm non. Sở dĩ chúng có tên là sẻ bò vì cái đầu to như đầu bò, cái ức cũng nhô lên như ức bò, căng phồng, cộng với màu đỏ hồng đẹp mắt. Tiếng hót của chim không ò ò song rất ấm áp, trầm bổng do cổ họng dày, gần như liền một khối với thân. Sẻ bò thường bay từng đôi, líu ríu hạnh phúc, cũng có khi từng đàn, làm xôn xao vườn tược.
Ở Việt Nam, những con sáo thường được thấy ở trên lưng của những chú trâu bò, vừa bắt chí, vừa ngân nga giọng hát du dương. Hình ảnh sáo, trâu do đó đã đi vào văn học mỹ thuật kinh điển. Những tưởng chỉ có ở nước ta và Đông Nam Á mới có đôi bạn tâm giao như vậy, song ở Trung Phi, Nam Phi cũng có một đôi bạn nữa hay đáo để: đó là chim ăn giồi và trâu rừng. Vì chuyên mổ chí trên lưng trâu, loài chim này theo tiếng Anh có nghĩa là “chim gõ trâu/bò”.
Gần như cả ngày, chúng loanh quanh bên những đàn trâu, lúc thì mổ trên lưng, lúc lại chui vào tai hay hốc mũi của từng con vật bắt giận. Được chim giúp, sảng khoái, những chú trâu đứng yên như phỗng hoặc nằm kềnh cho chim muốn len lỏi chỗ nào tùy thích. Đây được xem là một mối quan hệ cộng sinh có lợi, nhất là về phía trâu rừng vì mỗi ngày nó được giải thoát bởi hơn 12 nghìn chấy rận, đồng thời còn được trông chừng từ xa nhờ những chú chim tí hon, chỉ nặng 50 gam.
Vì có bộ mặt hơi đần, xệ xuống như hàm trâu bò nhai cỏ, một loài chó cảnh cũng được đặt tên là chó mặt bò hay ngưu cẩu. Chưa hết, chúng cũng có thế đứng rất vững vàng, đi lại chậm rãi, từ tốn và nhiều khi đứng lỳ một chỗ, ngếch mắt nhòm lên thật buồn cười. Chính đặc điểm này mới tạo ra giá trị thật sự của con vật và cũng là một nguyên nhân chính cho nó có cái tên trên. Xưa kia, ở Anh có trò chơi chó đấu với bò, và vì giống chó này hơi lùn, người ta thường cho chúng vào sân. Tuy chỉ cao khoảng 50cm, song khi đấu, chúng rất hăng đòn và với chiều cao ấy thường đớp ngay trúng mõm trâu bò khi con gia súc lồn lộn cúi đầu lao đến, tạo ra nhiều tràng cười ở khán giả. Hôm nay, trò chơi này không còn nữa, song cái tên ngưu cẩu vẫn phổ dụng.