Gần đây đã có chuyện doanh nghiệp của ta “trúng đòn” trong cuộc chiến mậu dịch Mỹ – Trung. Cuối tháng 1-2012, Bộ Thương mại Hoa Kỳ quyết định mở cuộc điều tra về các loại tháp điện gió nhập khẩu từ nước ngoài bị nghi là bán phá giá vào thị trường Mỹ. Hai nước bị nêu tên là Trung Quốc và Việt Nam. Một hiệp hội gồm bốn doanh nghiệp Mỹ bị mất nhiều thị phần trong thị trường này đã đệ đơn tố cáo các doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam được trợ giá từ nhà nước, nên có thể bán với giá thấp giá thị trường hơn nhiều lần. Điều lạ là doanh nghiệp Việt Nam chưa bao giờ nổi tiếng có khả năng cạnh tranh cao trong lĩnh vực tháp điện gió. Nhiều khả năng doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hàng Trung Quốc về, “biến hóa” thành của mình, sau đó xuất sang Mỹ. Trong thời điểm Mỹ đưa xuất khẩu lên làm quốc sách, chống phá giá sẽ là vũ khí lợi hại nhất để các nhóm sản xuất Mỹ vận dụng nhằm đánh vào hàng nhập khẩu lớn từ nước ngoài. Hàng Trung Quốc luôn bị theo dõi kỹ từ nhiều năm trở lại đây. Một mặt, chính quyền Obama vì quyền lợi chiến lược ở Đông Nam Á đang cố gắng xúc tiến trao đổi thương mại với Việt Nam. Mặt khác, việc (có thể) doanh nghiệp Việt làm “sân sau” cho các sản phẩm Trung Quốc đã khiến cho ta bị ngờ vực, bị dính vào những tranh cãi không đáng có, kiểu “quýt làm, cam chịu”.
Rõ ràng, sự vắng mặt hay giảm thiểu hàng hóa của Trung Quốc sau khi lệnh hạn chế ngoại thương của EU có hiệu lực có thể là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cho Việt Nam, nhất là khi Việt Nam và EU đã khởi động vòng đàm phám thương mại tự do song phương. Nhưng một kịch bản tương tự như vụ kiện phá giá sản phẩm tháp điện gió có thể lặp lại, nếu chúng ta chấp nhận để hàng hóa Trung Quốc đội danh hàng sản xuất nước mình. Việc “liên kết” này dù trước mắt sẽ đem lại một chút lợi nhuận, nhưng tác hại lâu dài cho uy tín hàng hóa Việt Nam là rất lớn. Cái cần lúc này của các nhà quản lý và doanh nghiệp nước nhà là một tầm nhìn dài hạn hơn là những con số được thua trước mắt.
Lê Trân – Nhân Văn