Việt Nam giữa ngã ba đường
Mối quan hệ kinh tế EU – Việt Nam được nhận định là tốt đẹp, có những bước tiến ổn định và ngày càng khởi sắc. Từ năm 2009, nhiều dự án của EU bắt đầu được đăng ký tại Việt Nam, chiếm 2,17% tổng số vốn FDI. EU hiện là một trong ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (sau Mỹ và Trung Quốc). Đàm phán về tự do thương mại song phương giữa EU và Việt Nam đang được xúc tiến, hai bên đã cùng ký tắt Hiệp định Hợp tác và Đối tác năm 2012, bước đầu tiên để hướng tới mối quan hệ chính trị và kinh tế gần gũi hơn. Việt Nam đang từng bước củng cố vị thế và chữ tín trong lòng người bạn hàng có thị phần lớn nhất nhì thế giới này.
Bên cạnh đó, hợp tác kinh tế – thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc không ngừng phát triển từ năm 2004 đến nay, đặc biệt sau khi ACFTA chính thức có hiệu lực. Theo TS Trần Đức Hạnh (Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO TP.HCM), Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (chỉ xếp sau Mỹ, EU, Nhật Bản), chiếm trên 10% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên, trong mối quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam luôn phải cẩn trọng. Đứng trước nguy cơ bị trả đũa thương mại từ EU, Trung Quốc hẳn đã tính toán một “kế hoạch dự phòng”, nhằm tối thiểu hóa thiệt hại. Nếu Nghị viện Châu Âu thành công trong việc kêu gọi Ủy ban Châu Âu sớm đề ra những biện pháp tự vệ theo quy định của WTO thì các mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang châu Âu có khả năng bị ngăn chặn. Trung Quốc có thể xuất khẩu lượng hàng đó sang Việt Nam như một cách để thanh lý, đồng thời lợi dụng mối quan hệ bạn hàng giữa Việt Nam với EU để cùng một số doanh nghiệp Việt Nam đẩy lượng hàng đó qua EU dưới danh nghĩa sản xuất tại Việt Nam. Nếu EU biết được, rõ ràng hình ảnh “đối tác đáng tin cậy” mà Việt Nam đã và đang xây dựng sẽ bị đánh mất; nghiêm trọng hơn, EU có thể tiến hành trừng phạt thương mại đối với Việt Nam. Vô tình Việt Nam ở vào thế bị vạ lây, nhất là khi việc xuất khẩu sang các nước EU còn khó khăn bởi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công cùng những rào cản phi thuế quan của thị trường này.