Dịch sởi đang lan rộng là mối lo hàng đầu của các phụ huynh có con nhỏ hiện nay.
Thông tin về con số tử vong và mắc sởi trên báo chí và mạng xã hội khiến không ít các phụ huynh hoang mang và nháo nhào đi tìm các phương pháp điều trị dân gian. Bài viết này nhằm mục đích cung cấp những thông tin để các phụ huynh có thể chăm sóc bé cho khoa học.
Hiểu đúng về sởi
Sởi là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính gây ra do siêu vi sởi rất dễ lây từ người sang người. Siêu vi sởi có thể tồn tại trong môi trường đến hai giờ và lây từ hạt nước bọt hay nước mũi bắn ra do ho, hắt hơi. Giai đoạn người bệnh có thể lây cho người khác là khoảng bốn ngày trước khi bắt đầu phát ban và bốn ngày sau phát ban.
Biểu hiện của bệnh sởi khởi đầu giống như các bệnh do siêu vi hô hấp khác, gồm các triệu chứng sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt, đỏ mắt và mắt có ghèn. Khoảng hai, ba ngày sau, trên người bệnh nhân sẽ xuất hiện những ban màu hồng bắt đầu từ sau tai lan đến trán rồi xuống thân mình, tay và cuối cùng lan xuống chân.
Đa số các ca bệnh sởi sẽ diễn tiến lành tính và bệnh nhân sẽ khỏi hoàn toàn mà không để lại bất kỳ di chứng nào. Chỉ một số ít trường hợp có thể bị biến chứng, thường gặp nhất biến chứng tiêu chảy hay nhiễm trùng tai (viêm tai giữa).
Một số ít bệnh nhân có thể biến chứng viêm phổi, viêm não, tổn thương mắt do thiếu vitamin A. Những người dễ bị biến chứng nặng do sởi là những trẻ nhỏ, nhất là những trẻ suy dinh dưỡng, người có bệnh lý nền sẵn như suy giảm miễn dịch, bệnh lý tim bẩm sinh…
Vì sởi là bệnh do siêu vi nên không có thuốc gì điều trị đặc hiệu, chủ yếu vẫn là những biện pháp điều trị triệu chứng: nếu bé sốt và khó chịu vì sốt thì uống thuốc hạ sốt (có thể uống paracetamol hoặc ibuprofen, tuyệt đối không uống aspirin để giảm sốt). Nếu bé sổ mũi hay nghẹt mũi thì nhỏ mũi nước muối sinh lý hay xịt nước biển sâu.
Nếu bé ho thì nên khuyến khích uống nước đầy đủ (nước gì cũng được, có thể sữa mẹ, sữa bò, nước trái cây, nước lọc, không cho bé uống rượu hay bia). Chú ý không cho bé uống bất cứ loại thuốc giảm ho hay thuốc sổ mũi nào, kể cả thuốc thảo dược vì ho và sổ mũi giúp bé bảo vệ cho phổi (bảo vệ bé không bị viêm phổi).
Tuyệt đối không cho bé tiếp xúc khói thuốc lá vì khói thuốc lá làm tăng nguy cơ biến chứng viêm tai giữa hay viêm phổi. Nếu bé bị tiêu chảy, có thể cho bé uống bù nước bằng dung dịch Oresol hay uống nước dừa tươi, tuyệt đối không được uống thuốc cầm tiêu chảy.
Bé từ 6 tháng đến 2 tuổi có thể uống vitamin A liều cao giúp giảm bệnh và giảm biến chứng. Khi bé có những biến chứng như viêm tai giữa hay viêm phổi, có thể sử dụng kháng sinh để điều trị.
Những cách chăm sóc dân gian như: kiêng ăn, ủ ấm, kiêng nước, kiêng gió, kiêng uống nước khi bị tiêu chảy, uống tiêu ban lộ hay đi cắt lễ… đều phản khoa học, làm cho bé bị bệnh nặng hơn và có nguy cơ tử vong.
Khi bị sởi, bé vẫn phải tắm sạch sẽ, ăn uống bình thường, ra gió thoải mái, ăn mặc thoáng mát và nằm máy lạnh 20 – 24oC (như vậy mới đủ mát và dễ chịu cho bé).
Hiện nay đang rộ lên việc thoa hay tắm nước hạt mùi để ban sởi ra nhanh hơn. Nhưng hiện vẫn chưa có bằng chứng khoa học gì về hiệu quả của hạt mùi chữa bệnh sởi, cả hiệu quả chữa bệnh, rút ngắn thời gian bệnh lẫn phòng bệnh sởi, phụ huynh không nên nghe theo những cách chữa này.
Cẩn thận với các phương pháp điều trị truyền miệng
Đa số các bệnh nhân sởi đều có thể được chăm sóc và theo dõi tại nhà bằng những biện pháp trên. Chỉ những bệnh nhân nặng cần phải thở oxy, truyền dịch hay thở máy mới phải nhập viện theo dõi.
Việc người dân hoang mang đổ xô vào những bệnh viện tuyến trên và nhập viện nằm la liệt trong bệnh viện sẽ làm hao tổn nguồn nhân lực và vật chất của bệnh viện một cách không thật cần thiết, hậu quả là bác sĩ và điều dưỡng đều mệt nhoài, không còn đủ thể lực và trí lực để tập trung chăm sóc cho những bệnh nhân nặng cần theo dõi sát sao từng giây phút.
Những bệnh nhân nhập viện một cách không cần thiết đó có thể bị lây chéo các bệnh khác nguy hiểm hơn.
Cách phòng ngừa hữu hiệu nhất bệnh sởi là chích ngừa sởi. Vaccine sởi (cũng như quai bị, Rubella hay trái rạ) là vaccine sống giảm độc lực, có nghĩa là đó là virus sởi sống nhưng đã làm yếu đi để không gây ra bệnh thực sự. Thường ở những nước đang phát triển như Việt Nam, chương trình tiêm chủng mở rộng chích mũi sởi đầu tiên cho bé 9 tháng tuổi.
Trước sanh bé nhận kháng thể của mẹ truyền qua nhau thai, trong đó có thể có kháng thể chống lại sởi, kháng thể này sẽ được sử dụng dần và thường hết lúc khoảng 1 tuổi.
Vì vậy, nếu bé chích vaccine sởi trước 1 tuổi, kháng thể còn trong máu sẽ tiêu diệt 1 phần vaccine sởi đó, cơ thể chỉ đáp ứng tạo kháng thể đối với phần vaccine còn lại thôi, có thể là chỉ còn 50% hay 60% vaccine chích vào. Vì vậy, nếu bé được chích mũi vaccine sống như sởi trước 1 tuổi thì liều vaccine đó không được tính là 1 mũi chích đầu tiên.
Từ 1 tuổi trở lên phải chích lại (thường chích mũi sởi – quai bị – Rubella) và lúc đó mới tính là mũi chích đầu tiên (mũi 1). Bé sẽ được chích nhắc lại mũi vaccine sởi trong giai đoạn từ 4-6 tuổi (không nhất thiết phải tiêm nhắc lại sớm hơn, tuy nhiên muốn tiêm nhắc sớm hơn cũng được, miễn là phải cách mũi vaccine sống tối thiểu bốn tuần lễ).
Các bé không được chích nhắc lại mũi vaccine sởi thì bé vẫn có nguy cơ mắc bệnh sởi. Nhưng nếu bé đã chích ngừa sởi rồi thì khi bị sởi thường sẽ bị nhẹ hơn những bé chưa được chích ngừa sởi bao giờ.
Tuy vaccine sởi tiêm trước 1 tuổi không có đáp ứng miễn dịch hoàn toàn nhưng vẫn có hiệu quả bảo vệ tạm thời. Do đó, nếu như đang có dịch sởi như hiện nay, bé từ 6 tháng – 11 tháng vẫn có thể chích 1 mũi sởi để bảo vệ tạm thời.
Tuy nhiên, đến sau 1 tuổi bé vẫn phải được chích sởi mũi 1. Nếu bé tiếp xúc với bệnh nhân bị sởi và chưa được chích ngừa sởi, việc chích ngừa sởi trong vòng 72 giờ sau khi tiếp xúc cũng có thể giảm nguy cơ bị bệnh sởi hay giảm nguy cơ bị sởi nặng.
Hiện tượng dịch sởi quay lại gần đây có lẽ một phần do các phụ huynh đã không cho các bé đi chích ngừa đầy đủ do lo ngại những phản ứng phụ của chích ngừa.
Thời gian gần đây, cũng do một số thông tin báo chí đăng tải các vụ xảy ra sau khi chích ngừa (mà đa số các vụ đó nguyên nhân tử vong không liên quan đến vaccine) mà phụ huynh không cho con chích ngừa kịp thời và đầy đủ, khiến một số bệnh quay lại như sởi và thủy đậu.
Như vậy để chích ngừa kịp thời và đầy đủ, có một số biện pháp hiệu quả và đơn giản. Khi bé đi khám định kỳ, lúc đó có thể chích được bao nhiêu mũi vaccine thì hãy cho bé chích cùng một lúc, không phải đi nhiều lần, bé được bảo vệ kịp thời và đỡ bị tình trạng thiếu hụt vaccine do nhiều nguyên nhân.
Nếu bé đi khám bệnh vì bệnh lý gì đó mà không có sốt, bé vẫn có thể chích ngừa được, ví dụ bé đang ho, sổ mũi, ói, tiêu chảy vẫn có thể chích ngừa được nếu bé không sốt và vẫn chơi (kinh nghiệm là khi phụ huynh dẫn bé đi khám bệnh, nên đem theo sổ chích ngừa để bác sĩ biết bé còn cần chích vaccine nào nữa).
Trong tình hình thiếu nhiều loại vaccine như hiện nay, bé vẫn nên đi chích ngừa các loại bệnh khác, đặc biệt là chích ngừa cúm cho trẻ nhỏ vì chúng vẫn có thể bị lây cúm và bị biến chứng nặng do cúm (viêm phổi, thậm chí tử vong).
Virus sởi cũng lây giống những virus đường hô hấp khác, do đó che miệng khi ho hay hắt hơi hay rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sát khuẩn cũng là cách rất tốt để ngừa bệnh sởi lây lan.
Thói quen của người lớn ở Việt Nam là hay hôn hít con nít nhỏ, đó là cách thể hiện tình thương, tuy nhiên hành động này cũng có thể lây những bệnh lý đường hô hấp cho bé nhỏ.