“Chúng nó” ở đây chính là con cái. Và đó là cảnh của nhiều gia đình hiện nay… Nhưng mà đó là chuyện ở thành phố hay nông thôn, nhà giàu hay nhà nghèo? Xin thưa là: Tất cả!
Nếu có khác nhau thì có lẽ ở vế thứ nhất – Bởi nhà giàu thì nghĩa của câu này đúng hơn, còn nhà nghèo thì có thể “biên tập” câu này chút xíu, ví dụ: Cái gì cũng chưa có – mà vẫn thiếu chúng nó.
Tất cả chúng nó đều lần lượt đi xa cả. Hình như một căn bệnh giống như một thứ gien mới, đứa nào cũng nói rằng yêu cha mẹ lắm nhưng hầu như không đứa nào có dự kiến sẽ sống bên cha mẹ, ở quê hương, ở một ngôi nhà. Thế giới đầy ma mị vẫy gọi.
Nhà của “trí thức toàn cầu hóa” có con đi học mãi xứ sở nào, gặp nhau trên… máy là chính. Ông bà già – cũng trí thức Tây học về chứ chẳng phải ông bà “nhà quê ít học ở làng” như xưa. Nay nghỉ hưu vẫn “đi cày”, tiếng Tây cũng biết, đọc sách nhiều, vậy mà ngày ngày… “hóng trên Phây” đón tin tức của các con mang lũ cháu đi xa.
- Xem thêm: Quà tết cha mẹ
Thỉnh thoảng ông than: “Cái thằng bố ki bo quá, són ra mấy tấm hình các cháu của ông”. “Thằng bố” bèn gửi lia lịa: “Này đây, khuyến mãi thêm này”. Hình mấy đứa nhóc khi ăn kem ngoài tiệm, khi dã ngoại núi non tuyết phủ.
Thế là thành công hạnh phúc như mơ của bao người. Ấy vậy mà ai nói rằng “ông bà sướng nhé” là thế nào cũng bị nghe một bài lên lớp: Sướng gì mà sướng. Mùa đông tuyết phủ, dậy sớm đến trường để bố mẹ còn vật vã xứ cạnh tranh.
Còn ông bà bị nỗi thương nhớ dày vò thì… hổng dám khai ra. Chuyện thương nhớ giờ xa xỉ quá. Con nhà ai lại không đi xa. Nhà ông bà như vậy là “đỉnh cao mơ ước của tụi tui rồi”. Biết cãi làm sao. Người ta lại lôi ra thuyết “biết đủ là đủ” nữa thì mình… toi.
Còn nhà quê thì đây: Đứa con đi xa vật lộn bán sức lao động, đứa hiếu đễ còn gửi tiền về xây nhà, sắm tivi tủ lạnh, xe máy, điện thoại xịn lắp sim 3G – 4G là thỏa sức liên lạc. Chưa kể những đứa còn đang trốn chui nhủi trời Tây, vật lộn sống còn như thế, làm sao người Việt không “khôn ranh ma mãnh”, hiền lành có mà ăn cám.
Người nhà quê bây giờ cũng năm, bảy loại. Ông quan to sau khi hưu thì cũng ít ông về làng. Họ ở villa ngoại ô thành phố lớn hay là đang bám nội đô cho con cái kinh doanh. Nếu có ông nào về quê ở thì cũng loại thường thường bậc trung.
Về quê sinh hoạt hội đoàn này nọ, chém gió chính trị thời cuộc đọc trên mạng, thực hư cãi nhau tranh luận cho bữa rượu thịt thêm “món vui” ngày lễ tết đám giỗ đám cưới. Rồi mệt thì về ngủ. Thế cũng đã là yên bình. Thông thạo chính sách, đôi khi có ông làm chỗ dựa cho bà con tranh đấu quyền lợi nữa thì coi như tuyệt.
Tất cả những người dù sướng hay chưa sướng – xét về kinh tế, đời sống, nhưng cùng giống nhau ở chỗ, xa con cháu, “chỉ thiếu chúng nó”.
Ở ngay một thành phố, có nhà rộng hẳn hoi, mà cũng nhiều ông bà già (còn đủ cặp là may), làm gì có cửa được ở chung với con cháu. Bọn chúng nghe vợ nghe chồng xúi, ở riêng hết cả. Ngay con mình đứt ruột đẻ ra bây giờ lớn chúng cũng đâu muốn ở với cha mẹ.
- Xem thêm: Chẳng ai sung sướng, tại sao?
Lâu lâu về thăm, nghe cha mẹ hỏi chuyện thời cuộc, than này than kia là chúng gạt đi, ông bà quan tâm chuyện đó làm gì. Ơ, thế chúng nó muốn biến bố mẹ thành robot chỉ biết ăn rồi ngủ, không nghĩ ngợi thắc mắc (còn gọi là… xả). Bố mẹ già thành người máy người gỗ hay cây thịt biết đi, để… chờ chết và đừng làm phiền con cháu à.
Mà cha mẹ thì đâu còn dễ ăn dễ ngủ như xưa, thừa thì giờ, nỗi nhớ con cháu, nỗi run sợ đủ thứ nữa, là bạn đồng hành phút cuối.
Bởi vậy, cái gì cũng có chỉ thiếu chúng nó là mốt, là bệnh thời đại. Cứ tập chấp nhận, coi giống như vui lòng sống chung với huyết áp, tim mạch, tiểu đường… thôi mà.