“Cha tôi mỗi ngày một già yếu đi, mỗi lần tôi về xót xa. Nhưng tôi đã tìm ra cách…”.
Ai nghe cái quảng cáo hấp dẫn, “đặt vấn đề” quá đúng với tâm trạng mọi người này cũng phải tập trung để… nghe tiếp. Xem coi, tìm ra cách gì mà có thể giải quyết được vấn đề nặng trĩu nan giải là cha mỗi ngày một già yếu chống gậy run rẩy?
Thế rồi giải pháp là… “tôi mua đồ chơi về cho cha chơi lấm bẩn cùng cháu”. Giải pháp chính là… quảng cáo bột giặt. Cười bể bụng.
Cũng có nghĩa là quà tết cho cha mẹ bây giờ càng ngày càng phải… phát huy sáng kiến tìm tòi, vì rất khó.
- Xem thêm: Cái gì cũng có – chỉ thiếu chúng nó
Khi hàng hóa ê hề, thuyền ghe chở vào len lỏi tới tận các kênh rạch, thì cuộc lựa chọn quà gì cho cha mẹ càng trở nên… “bi hài”.
Có gì mà phải băn khoăn? Cứ có tiền là ổn mà. Nếu mà tiền giải quyết được tất cả, thì tại sao thiên hạ bây giờ vẫn cứ phải đỏ mắt tìm thông tin, loại rau củ nào nên mua, loại thuốc nào nghe nói bổ dưỡng mà lại ăn mòn cả giấy, cả săm kia kìa?
Nghĩa là nhiễu loạn hết, trong cái rừng trù phú hàng hóa đầy rẫy, có rất nhiều cái bẫy, phải có hiểu biết, tiền không giải quyết tất cả. Có người kêu lên, tiền giải quyết được hết. Đừng ham rẻ mà chết. Cứ mua giá cao bảo đảm hàng hiệu, ai đánh lừa được mình?
Nhưng cha mẹ thì dùng đồ hiệu gì? Không lẽ mua cho mẹ già ở quê theo lời quảng cáo “Hãy mua quà tết cho mẹ”, một chai sữa rửa mặt, hay kem chống nắng, chai Resfill Night giúp trẻ hóa và chai Musk Rose làm ẩm da? Người ta còn nói, giá trị tiền có vài triệu đồng nhưng giá trị tinh thần “đong đầy” nữa kìa, nói đúng quá rồi còn gì.
Mua quà đắt tiền, có khi làm mẹ… xuýt xoa vì tiếc. Cả đời mẹ tằn tiện nuôi con, bị cái nghèo đói làm cho nỗi sợ thành cố hữu trong tâm trí. Đến cái bao bì chai lọ hộp giấy gói hàng đẹp lộng lẫy, chỉ có người trẻ mới lột ra rồi cho ngay vào thùng rác.
Họ còn dạy người già rằng, tích trữ bụi bặm có hại cho sức khỏe như thế nào… Cha mẹ đâu có dại gì mà nghe giảng. Họ chỉ có một lý lẽ luôn đúng là, cha mẹ không phải loại người quen với cách sống cái gì cũng vứt. Các con sống như vậy, chẳng quý trọng cái gì, vứt hết, vứt cả… hôn nhân, cưới nhau vài tháng đã đưa ra tòa ly dị.
Không nghe một cụ già trả lời phỏng vấn đó sao. Khi được hỏi bí quyết gì giúp hai cụ giữ được hôn nhân bền vững, cụ trả lời rằng vì mình sống ở thời đại cái gì hỏng thì sửa chứ không… vứt đi.
Lý lẽ đã trở nên vững chắc, thành thói quen và lối sống của người già. Nên đừng dại mà có ý định cố gắng thay đổi những gì vô hại thuộc vào thói quen của người già. Các cụ xót tiền, thương con cái làm lụng vất vả, còn phải mua quà đắt tiền cho cha mẹ. Họ thấy mình có lỗi đã làm cho con lo lắng, dành dụm tiền bạc. Mà họ đâu có cần mấy thứ thời thượng đó?
Cuối cùng, mua quà tết cho cha mẹ, làm gì có công thức? Thường là mua thuốc bổ, áo quần đồ dùng, nhưng biết cha mẹ cần gì, bây giờ cũng là một… bí ẩn với con cái. Là vì nếu hỏi thì cha mẹ sẽ nói, già rồi chẳng cần gì.
- Xem thêm: Nỗi lo của cha mẹ
Một cô gái sắp về quê ăn tết, rất vui vẻ kiêu hãnh khoe, em chẳng quà cáp gì cả, chỉ biếu mẹ 10 triệu để mẹ sửa cái bếp. Nghe thật… oai và khôn ngoan. Không có 10 triệu thì biếu 1 triệu, vẫn hơn “rước” về đôi giày đúng mốt cho mẹ ở nhà quê.
Có người nói, người trẻ giờ cái gì cũng rành, xài toàn đồ công nghệ cao, hỏi gì cũng trả lời được, nhưng nếu được hỏi một câu thì nhiều người sẽ bó tay, đó là “Bạn biết gì về sức khỏe của cha mẹ bạn?”.
Trời ạ, may mà các nhà tuyển dụng không bao giờ hỏi… cắc cớ kiểu đó.
Hỏi khó nhau như vậy, ai mà trả lời được?