Cách đây không lâu, phóng viên Dan Stone của kênh truyền hình National Geographic đã đến Brazil để tìm hiểu về cà phê và tương lai của một trong những thức uống thông dụng nhất thế giới, đặc biệt là vào thời kỳ của những biến đổi khí hậu khôn lường và sự gia tăng dân số đến chóng mặt.
Tại thành phố cảng Santos, nơi xuất đi nước ngoài đến 3/4 sản lượng cà phê Brazil, ông được các chủ trang trại trồng cà phê và giới doanh nhân bản địa tự hào cho rằng cà phê là thức uống được ưa thích nhất của… loài người.
Sự thật có phải thế không? Chắc chắn không phải, dù trẻ em ở Brazil đã được dạy như thế từ khi mới đến trường. Cũng chẳng phải Coca-Cola – thức uống thông dụng bậc nhất ở Mỹ mà chính Dan Stone từ thơ bé đã biết đến nó. Cũng chẳng phải bia, thức uống có cồn được uống khắp thế giới (tại Việt Nam, có đến 4,5 tỉ lít bia đã được uống trong năm 2017!).
Đó chính là trà. Theo số liệu của Tổ chức Lương Nông thế giới (FAO), trong vài năm gần đây, trung bình mỗi ngày có khoảng 6 tỉ tách trà đã được uống trên toàn thế giới. Chỉ riêng hai nước tiêu thụ trà nhiều nhất, thậm chí trà được coi là “quốc ẩm” – người Trung Quốc uống trà xanh, còn người Ấn Độ uống trà đen – mỗi nước có hơn 1 tỉ dân thì lượng trà được uống đã lớn biết bao. Trà cũng là thức uống thông dụng nhất tại Anh với hơn 165 triệu tách mỗi ngày (số liệu năm 2017).
Tìm hiểu nguồn gốc của trà
Trà còn được loài người biết đến trước cà phê đến 3.000 năm. Theo sử liệu Trung Quốc, trà đã được canh tác dưới thời vua Thần Nông, tức là vào năm 2700 trước Công nguyên. Trong khi cà phê mới được tìm thấy vào thế kỷ X, nơi cà phê được phát hiện đầu tiên không phải Brazil mà là Yemen.
Ngày nay cà phê được trồng nhiều nhất tại Barzil và vùng Trung Mỹ, thế nhưng cư dân Tây bán cầu chỉ biết đến nó vào khoảng năm 1720, trước tiên là ở vùng biển Ca-ri-bê sau đó đến Colombia, Ecuador và Brazil.
Phân biệt và cách làm ra lá trà
Nếu không kể đến nước lã hay nước lọc (water) thì không có thức uống nào qua mặt được trà. Trà ở đây bao gồm các loại trà lá hay trà tươi đã qua xử lý như trà xanh, trà đen, trà ôlong cho đến các loại thức uống được chế biến từ trà như trà túi lọc, trà thảo dược…
Nếu cà phê cần phải qua quá trình thu hoạch quả, phơi, rang và xay mới uống được thì trà dễ dàng hơn nhiều: khi pha trà đã phơi khô hoặc lên men chỉ cần nước sôi. Ban đầu người ta chỉ uống trà như thế, sau đó mới có thêm đường, mật ong, sữa; nay thì thức uống từ trà có rất nhiều biến thể với nhiều loại hương liệu, phụ gia (kiểu trà sữa, trà trân châu… rất được giới trẻ ưa thích). Trà cũng có giá dễ mua, dễ vận chuyển và rất tốt cho sức khỏe nếu được uống đều đặn mỗi ngày với liều lượng thích hợp.
Mới đây, theo một công trình nghiên cứu được thực hiện tại khoa Tâm lý học nghiên cứu về trạng thái thần kinh (School of Psychological and Cognitive Sciences), Trường Đại học Bắc Kinh thì uống trà cả ngày còn kéo dài hoạt động sáng tạo của não bộ. Thế nên trà muôn năm!