Các chấn thương ở mắt có thể dẫn đến nhiều tổn thương nghiêm trọng như: rách giác mạc, kết mạc, vỡ nhãn cầu, tổn hại thần kinh, mù vĩnh viễn… trường hợp nhiễm khuẩn nặng có thể dẫn tới tử vong. Vì vậy, việc nhận biết các loại chấn thương mắt để có cách sơ cấp cứu là vô cùng quan trọng để tránh những tổn thương về sau.
Nhận biết các loại chấn thương mắt
BS Phí Duy Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh lưu ý chúng ta ba loại chấn thương mắt như sau:
Thứ nhất là chấn thương đụng dập do các vật va đập vào mắt. Chấn thương này thường không gây chảy máu nhưng lại gây các tổn thương như: bầm mi mắt, hốc mắt, tụ máu, chảy máu trong mắt, tổn thương các bộ phận bên trong mắt (như thể thủy tinh, võng mạc, thần kinh thị giác…) hoặc gây vỡ các thành xương bảo vệ mắt.
Thứ hai là chấn thương xuyên thủng do các vật sắt nhọn đâm vào mắt hoặc các dị vật cứng bay vào mắt. Chấn thương này thường gây chảy máu vì mắt vừa bị rách, vỡ các thành phần trong lẫn ngoài mắt như: rách da mi, đứt đường dẫn nước mắt, rách lòng trắng, lòng đen, đục vỡ thủy tinh thể… và có thể để lại những vật lạ bên trong mắt.
Thứ ba là bỏng mắt do hóa chất, keo dán sắt hoặc nhiệt. Trong các nguyên nhân gây bỏng mắt thì bỏng do hóa chất thường gây ra những tổn thương nặng nề ở cả mi mắt, lòng trắng, lòng đen, nếu bỏng nhẹ thì mắt bị giảm thị lực, bỏng nặng thì dẫn đến mù lòa, teo nhãn, có khi mất cả con mắt.
Cách xử lý khi bị chấn thương mắt
Mắt mới bị chấn thương mà biết xử lý đúng cách sẽ giúp cho việc điều trị được thuận lợi mà việc phục hồi tốt cũng dễ dàng hơn. Theo hướng dẫn của BS Phí Duy Tiến, khi bị chấn thương vùng mắt, bệnh nhân cần được nhanh chóng sơ cứu theo các hướng dẫn sau:
Nếu chỉ là những chấn thương đụng dập ở bên ngoài mắt như bầm máu mi mắt, sưng phù, tụ máu quanh hốc mắt thì nên sử dụng băng sạch che mắt lại rồi đưa đến cơ sở chuyên khoa mắt gần nhất để được khám và điều trị.
Trong trường hợp mắt bị chấn thương xuyên thủng có gây rách và chảy máu bên ngoài thì phải cầm máu ngay. Không nên tự cố gắng lấy dị vật, vật đâm vào mắt vì nó có thể gây tổn hại thêm cho mắt.
Tuyệt đối không được mở vành mắt ra xem, không được dụi mắt, không đắp thuốc, chườm đá hoặc các vật dụng chưa diệt khuẩn lên mắt bị thương. Người bị nạn có thể sử dụng kháng sinh nhỏ mắt thông dụng như chloramphenicol và băng mắt lại trước khi được đưa đến bệnh viện.
Đối với trường hợp bị dị vật kết – giác mạc (bụi, mạt sắt) thì tránh lấy tay dụi mắt vì có thể làm dị vật ghim sâu hơn. Cách làm đúng là chớp mắt vào ca nước sạch giúp dị vật trôi ra ngoài.
Nếu bị vật lạ bắn vào mắt hoặc bị chọc vào mắt thì cần nhỏ ngay thuốc kháng sinh như dung dịch cloroxít 0,04%, băng vô khuẩn rồi chuyển đến cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được lấy ra.
Nếu mắt bị các vết thương xuyên thủng ở bên trong lòng đen, lòng trắng, gây chảy máu và có kèm theo dịch nhầy thì người bị nạn cần được băng mắt ngay và chuyển đến cơ sở có chuyên khoa mắt gần nhất, không tự ý rửa mắt bằng nước hoặc lấy những vật lạ trong mắt ra.
Đối với các trường hợp bỏng mắt do hóa chất, nhiệt thì cần phải rửa mắt ngay tại chỗ bằng các loại nước sạch có sẵn, có thể rửa mắt dưới vòi nước máy hoặc trong ca nước lớn trong mười phút để làm sạch và dịu mắt.
Trừ trường hợp bỏng vôi sống thì tuyệt đối không rửa bằng nước, tránh để mắt bị bỏng nặng. Cần phải lấy hết vôi ra trước khi tiến hành rửa mắt, nếu không thể lấy vôi ra thì nên băng mắt lại và chuyển đến bệnh viện chuyên khoa mắt để bác sĩ xử lý.
Chúng ta cũng cần lưu ý trong sơ cấp cứu chấn thương mắt: Không nên băng mắt quá chặt, quá sát mắt vì có thể sẽ làm băng dính mi, dính nhãn cầu, khi bác sĩ lấy băng ra rất khó khăn. Chỉ cần băng nhẹ nhàng tránh để bụi bẩn bay vào mắt.
Ngoài ra, chúng ta cần giữ lại các vật gây chấn thương để các bác sĩ có hướng xử lý đúng, không tự ý rút vật nhọn ra khỏi mắt để tránh gây chảy máu nặng nề hơn.
Trẻ em thường không ý thức về các tổn thương mắt khi có dị vật lọt vào bên trong mắt. Vì vậy, khi trẻ hay dụi mắt, không nhìn rõ hoặc kêu đau mắt thì cần đưa trẻ đi khám mắt ngay.