Bố mẹ đến chơi nhà vợ chồng con trai lớn. Nhà mới xây, đẹp, rộng rãi. Cháu nội đang làm nũng với bố, có ông bà đến vui lắm.
Đang chơi, đứa cháu nội bỗng giở chứng mè nheo. Anh bố trẻ thấy có ông bà, muốn thể hiện mình biết dạy con liền nghiêm khắc nói con như thế là hư. Đứa trẻ con “cậy thế” có ông bà, bèn la khóc ầm ĩ. Ông bà định can thiệp, nhưng anh con trai ngăn, “bố mẹ để đấy cho con”.
Vậy là ông bà ngồi nhìn kịch bản dạy dỗ vừa chổi lông gà vừa nước mắt, la hét… Mẹ trẻ dưới bếp đi lên thấy vậy nhăn chồng, bà mẹ liền suỵt: “Đừng nhăn. Kệ họ đi. Mà cháu nội cũng hư đấy nhé”. Cô con dâu nghe lời mẹ trở lại bếp.
- Xem thêm: Kỷ luật của hôn nhân
Bà mẹ này cho biết, không đến thăm thì nhớ cháu, còn đến thăm thì phải chứng kiến nhiều cảnh… không vui, chẳng hạn con dâu cằn nhằn con trai, đôi lúc còn lớn tiếng. Ngày xưa cậu con cưng này không cằn nhằn mẹ thì thôi, làm gì có chuyện mẹ nói nặng nhẹ. Giờ đây, bà thấy con trai nhịn vợ giỏi thật!
Bà nhớ lại hành trình ba mươi năm của mình.Chồng không gia trưởng, lại được tính bao dung, có điều kinh tế không mạnh. Vợ tuy “lanh chanh, lắm điều” nhưng biết quán xuyến lo toan. Có thời gian chồng công tác xa nhà, vợ một nách hai con, còn chăm bố mẹ chồng nay ốm mai đau.
Đoạn cuối cả hai ông bà nằm một chỗ, khỏi phải nói người vợ cực đến nhường nào… Con cái dựng vợ gả chồng cũng một tay vợ, thành ra vợ có lanh chanh nói nhiều hay đôi lúc lỡ lời, chồng cũng bỏ qua. Đây còn là tấm lòng biết ơn.
Ba mươi năm tưởng dài mà cũng chỉ vèo một cái. Nhanh còn bởi vợ chồng cảm thấy thời gian thư thả bên nhau ít quá. Giờ, con cái phương trưởng hết rồi, ông chăm bà, chở bà đi đây đó, gánh những công việc “nặng nhọc” trong gia đình như đổ rác, rửa chén, lau nhà…
Thỉnh thoảng bà nói vui, không bằng ngày xưa tui làm ráng. Bà cũng cảm nhận được câu nói của các cụ: “Gái có công, chồng chẳng phụ”. Bởi thế, bà mới mang kinh nghiệm “đỉnh cao nghệ thuật” này nói với con dâu, đừng cằn nhằn chồng, hãy tôn trọng nhau, con trai cũng phải biết giúp đỡ việc nhà, “chơi như thế mới bền”!
Có người ví dụ cảm xúc (gia đình) là 100%. Vợ chồng cần phải cân bằng tỷ lệ này mới đạt được sự bền vững. Có khi tỷ lệ sẽ là 40/60 hay 70/30 nghiêng về người này hay người kia, thậm chí có giai đoạn tỷ lệ này chênh lệch 1/99 vẫn phải chấp nhận vì chắc chắn sẽ có lúc lấy lại sự quân bình.
Quan trọng nhất của đỉnh cao nghệ thuật này là không được thốt lên hay làm điều gì mà không gỡ lại được. Nói lỡ lời xúc phạm nhau đôi khi vẫn có thể bỏ qua, thậm chí có tí chút “bạo hành” vẫn có thể tha thứ; tuy nhiên, cần cân nhắc sao cho còn có đường quay về.
Cuối cùng, làm thế nào để tránh việc “không gỡ được” là cả một quá trình hiểu ý nhau. Sống với nhau không biết ý cũng là một trong những điều kiện gây ra sự việc “không gỡ được”. Tùy hoàn cảnh, tính nết, môi trường, chịu nhịn một chút, biết tha thứ, khoan dung là nguyên vật liệu hay gia vị cần thiết để có món ăn ngon.
- Xem thêm: Thất bại lớn nhất của cha mẹ: Chu cấp đầy đủ cho con cái nhưng lại không dạy chúng lòng biết ơn
Kinh nghiệm cho thấy, đi cùng nhau một hành trình dài, nếu không ai chịu ai, làm sao đạt đến đích?
Những mâu thuẫn xuất phát từ ông chồng hay bà vợ đều có biện pháp cân bằng. Kết quả cuối cùng bài toán sẽ có đáp số: khi chúng ta già, tình cảm vợ chồng sẽ rất ấm áp, tràn đầy. Tin đi, đỉnh cao nghệ thuật là đó chứ không đâu hết. Lại có người quan niệm, cuộc đời thì ngắn, chịu đựng khiến cho cuộc hành trình thành lê thê. Sống như thế còn gì gọi là sống?
Tuy nhiên, trừ khi sự việc không chịu đựng nổi nữa (nên nhớ, sức chịu đựng con người lớn lắm), nhịn được thì cứ nhịn cho con cái, cho gia đình được an.
Luận về hôn nhân cả đời không hết, bao trường thiên tiểu thuyết cũng không giải quyết nổi vấn đề, mỗi người tự biết mình và điều chỉnh. Phải chăng, đỉnh cao của hôn nhân bền vững còn là “chuẩn” để con cái lấy đó làm gương?