Một số nhà nghiên cứu cho rằng hồi những năm 60 thế kỷ trước là thời quyền uy của cha mẹ, đến những năm 70-80 là thời cha mẹ và con cái là bạn…
Thời buổi này ai còn gấp chăn nữa (đâu có sợ bụi vì cửa kín, máy lạnh, máy hút bụi, mà chăn mền lại đẹp, như một thứ trang trí sang trọng). “Thời buổi này ai còn thế nữa…”. Những câu kiểu “thời buổi” kiểu đó cho thấy sự đi lên, sự thay đổi trong sinh hoạt đã len lỏi vào cả những thói quen nhỏ xíu.
Ðó là chưa kể những tài sản lớn như nhà cửa, trang trại cũng có “mốt” của nó, nói gì xe cộ bỏ cả đống tiền sắm sửa mà cũng nhanh chóng “xưa rồi”. Cuộc sống đang đi vào quy luật của xã hội tiêu dùng: ai nghèo cứ việc sống kiểu nghèo, còn đã là dân chơi, là người sành điệu thì một khi không chấp nhận được điều gì, không vừa ý cái gì là phải thay đổi bằng được. Một số nhà nghiên cứu cho rằng hồi những năm 60 thế kỷ trước là thời quyền uy của cha mẹ, đến những năm 70-80 là thời cha mẹ và con cái là bạn, bây giờ là thời… cha mẹ quá yếu ớt trong việc dạy con. Nhiều người đã “mất vị trí” ngay cả khi họ là người tạo dựng sản nghiệp, hoặc một thời rất nổi tiếng.
Có người thậm chí được cả xã hội kính trọng nâng niu, nhưng có khi vẫn bị con “mắng” trước mặt khách. Ðơn giản là đã đau ốm mà ông (hay bà) không chịu ăn, không chịu nghỉ, cứ ham tiếp khách, trò chuyện như pháo ran, đến lúc khách ra về thì mệt rũ như “cái xác không hồn” làm cho vợ cho con lo sợ cuống cuồng.
Lại có các bậc cha mẹ quá thương con, vẫn nghĩ con như ngày xưa. Thời buổi hiện đại nhưng vẫn giữ nếp nghĩ ngày xưa, không phải các vị không biết ngày nay kinh tế phát triển, con cái làm ra tiền, lối sống thay đổi. Nhưng họ vẫn lấy cuộc đời xưa ra để so sánh và thấy nhiều cái của ngày xưa tốt hơn so với ngày nay. Không phải họ bảo thủ, mà họ không biết rằng họ khó có thể đưa cái tốt ngày xưa cho đám trẻ hôm nay chấp nhận được. Chúng có lối sống riêng, luôn muốn thoát ra khỏi mọi ảnh hưởng để tìm kiếm sự độc lập. Ðiều đó kể cũng đúng, vì nhiệm vụ của người lớn là phải sống độc lập. Nhưng với những người cao niên, phải quen với “một mình” là điều cực kỳ khó khăn, bởi họ là những người luôn mang một tâm thức: cái gì cũng phải có con, cho con. Họ không bao giờ được hưởng thụ riêng mà quên con, cho nên bảo họ hãy để cho chúng được sống như chúng muốn thì họ sẵn lòng, nhưng họ cảm thấy đời mình không còn nguyên vẹn. Họ đã bỏ vuột mất cái chủ yếu, cái mối quan tâm chính của đời mình. Ở xa con cái, trong nhà trồng được ít trái cây, ông bà cũng dành dụm gửi lên cho con, cho cháu ở thành phố. Ông bà còn dặn kỹ phải chia cho đứa này, đem đến cho đứa kia.
“Khổ quá, những thứ này thiếu gì ngoài chợ! Ông bà không biết là ở thành phố cái gì cũng ngon nhất vì mọi sản vật địa phương ưu tú đã được chọn lựa để đem ra thành phố bán lấy tiền. Hoa đẹp nhất, rồi chim, cá cảnh đẹp nhất, cây quý nhất, thuốc tốt nhất, hàng thủ công tinh xảo nhất, cái gì cũng được gửi lên thành phố làm vừa lòng người thành phố”.
“Ông bà cứ nghĩ như nhà ở thành phố gần lắm. Chạy đi chia mấy trái cây, tốn bao nhiêu xăng. Bận lòi con mắt vẫn phải lo chạy đi chia quà. Khổ!”. Lạc hậu nhất vẫn là những người lâu lâu ra Hà Nội hoặc từ tỉnh về Sài Gòn chơi. Ði máy bay, tàu xe thời nay người ta lịch sự, tay xách “xăm xô nai” nhẹ nhàng, còn hàng hóa cho vào hộp, vào va li gửi kèm. Có ai lại tay xách nách mang trái cây, đi lại cực muốn chết! Mất công mất sức xách được đến nhà con thì thấy đồ ngon, đồ tốt hơn thế bán đầy đầu hẻm!
Các cụ ngày nay chẳng biết cải tiến, chẳng biết hợp lý hóa là gì! Con cái chê cha mẹ vì chưa hợp lý hóa cuộc sống: Ðã ốm phải nghỉ! Nhân danh tình thương hợp lý, con cái cứ “mắng”. Ðôi khi dội nước lạnh một cách đau đớn như vậy, cha mẹ lại sợ chính con cái mình và hiệu quả rõ ràng là những người khách đến thăm ông cụ (hay bà cụ) phải lật đật ra về. Chỉ có điều trong lòng “người xưa” bị tổn thương vì cái hiện đại của “người nay” và đối với họ, có khi điều đó lại quyết định sức khỏe. Không biết cải tiến hay cải lùi nữa, khi bạn tới nhà ai đó, thấy cảnh sinh hoạt lạ mắt: Khách vào nhà, phải đi tìm người cao tuổi nhất để chào trước, dù phải leo mấy tầng lầu. Xưa nay, người trong họ hàng đã là bề trên thì bề dưới phải vâng dạ, gắp thức ăn mời, bất kể bề dưới có thể nhiều tuổi hơn. Trong đám giỗ, bát chén không được khua lách cách và món nào ăn trước, ăn sau rất rõ ràng, không được lộn tùng phèo. Có vẻ mệt quá với nề nếp xưa cũ đó chăng? Vậy mà đôi khi cái sự lỉnh kỉnh ấy tạo ra một vẻ ấm cúng, một tôn ti trật tự mà có sống ở nước ngoài, người ta vẫn nhớ “ngày xưa” ở nhà.
- Xem thêm: Sống hết mình, nhưng đừng quên mình