Mình vốn rất ghét chuyện phóng sinh. Nhiều phóng sự đã viết về đề tài này, thấy hình đám chim bị nhốt mỏi mệt lừ đừ sắp chết, có con chỉ còn lơ thơ lông cánh, xót lắm. Nghe nói phóng ra, chim bay không nổi, người bán lại bắt về bán tiếp.
Có người còn nói chẳng biết cho ăn gì mà chúng nó luôn tìm về đường cũ. Thành ra phóng sinh mà thành hành hạ chúng. Lại có lần nhân dịp lễ tết, truyền hình chiếu cảnh hai ông to diện bộ áo dài khăn đóng bằng gấm đỏ có chữ thọ tròn vo tổ bố, khiêng cái thùng có con cá ghi cá chép gì đó, đổ xuống hồ Tây, đám đông bộ hạ xun xoe chung quanh vỗ tay chẳng khác banh sút vào lưới đối phương. Thấy hoàn toàn trình diễn, đóng tuồng. Mệt quá. Càng ghét cái vụ phóng sinh.
Ấy nhưng nghe cô làm tóc ca tụng nhuần nhuyễn sự kỳ diệu của phóng sinh, mà chẳng nói gì chi tiết. Còn đề nghị chở đến tịnh xá nơi cô thực hành nghi thức này. Thì đi, hơi xa thành phố, vòng vèo nhiều con đường. Tịnh xá nho nhỏ hai hàng dừa thẳng tắp cao vút trên lối vào từ cổng, bên dưới ảng nước thả bèo xen kẽ ghế đá công viên. Nhiều cây xoài đang mùa, cây sa kê trái chưa chín tới, chớ chín rồi thì chiên ngon phải biết (miệng ăn mắm ăn muối, nhìn gì gì cũng nghĩ đến cái xoong cái chảo). Phía sau là con sông rộng nước ngầu ngầu, nơi lát nữa sẽ đón chào đoàn sinh vật được may mắn kéo dài tuổi thọ. Hai bên bờ nhà cửa cây vườn sum suê mát mẻ trông thật thanh bình.Vài ba chiếc thuyền nho nhỏ neo bên mép nước. Nhà Phật cứ ta dại ta tìm nơi vắng vẻ như vậy.
Trước đó cổ đi mua cá, nhìn mình khích lệ, thì mua. Nhưng chẳng biết đọc kinh Phật nên cổ bảo vái tên tuổi rồi muốn cầu xin gì thì nói.Tên tuổi thì dễ, từ nhỏ đã thuộc làu làu, nhưng cái mục cầu xin chuyện gì thì chưa chuẩn bị.
Cầu xin gì bây giờ? Cái gì cũng đã ở phía sau rồi, và đói có rau đau có thuốc rồi, thì cầu xin gì đây. Chợt nhớ hai chiếc máy bay SU và CASA mới rớt với mười quân nhân tử nạn trên Biển Đông, những cái chết của người lính giữa thời bình. Nghĩ sợ chiến tranh quá, bèn van vái đừng đánh nhau cho dân mình đỡ khổ. Rồi hoan hỉ mở miệng bao nylon đổ ra, đàn cá tung tăng bơi đi, uốn éo như nhảy đầm, chúng nó khỏe mạnh, mang theo thông điệp cầu nguyện hòa bình.
Xong xuôi ra ngồi ghế đá, cổ kể các sự nhiệm mầu bản thân từng trải nghiệm. Nhiệm mầu thiệt. Nhưng các nhà khoa học sẽ trố mắt ngạc nhiên tại sao mẹ cổ bán ốc luộc, khi đau ốm thì le lưỡi ra, mà cổ lại cho là quả báo? Bèn đi mua ốc, tháng hai kỳ, đem ra sông phóng sinh. Đâu ba lần, một hôm tình cờ có anh chạy xe ngang qua, A Di Đà Phật, chị ơi chị hoan hỷ cho em góp ý nghen. Ốc nó sống ở đồng ruộng mà chị bỏ xuống sông thì nó chết hết. Chú bèn dẫn tới chỗ ngoại ô xa hơn, có ruộng. “Chị ở đây em đi xem tình hình cái đã”. “Ủa chớ anh ơi, đi phóng sinh gì mà giống đi ăn trộm vậy, phải xem tình hình?”. “Chẳng là chị ơi, ruộng lúa mà thả ốc xuống nó ăn lúa của người ta, họ thấy là chửi chết”.
Rắc rối. Có nơi biết thiên hạ phóng sinh thì bên dưới đã có lưới dọc lưới ngang rồi. Từ đó nghe lời chú, cổ tới tịnh xá này phóng sinh, mua cá trê loại còn nhỏ cho nhiều, thay vì vào nồi canh chua ngay thì chúng vẫy vùng thêm được vài ba tháng nữa. Lại lặn hụp trong cuộc nước đầy rẫy khổ đế chớ ích gì.Nhưng tâm cổ an lành, với các lời niệm cầu bài bản có pho có phách không nhớ nổi, nhờ vậy mới có kết quả nghe cô.Từ đó mẹ con hết vặn vẹo, hết le lưỡi nhưốc. Mầu nhiệm ghê chưa cô, vì tất cả những gì con làm đều xin hồi hướng cho mẹ con… Bắt tức cười, vậy mà mình chỉ mới phóng lần đầu tiên 120-125 con cá trê (nếu đúng theo lời bà bán), mà lại xin cho cả dân tộc bớt khổ, thì mỗi con vui vẻ lướt mình trong nước phải có bổn phận đỡ đần cho khoảng bảy trăm ngàn mạng người! Chúng nó mà biết vậy thì sẽ lắc đầu chui ngược vào bị, thôi cho tui vào nồi canh chua cho khỏe.
Phúc cho những kẻ nào không thấy mà tin. Một lần cô kia cực kỳ ngoan đạo nhất định muốn mình đọc quyển Kinh mỏng, bìa sau có vẽ hình Chúa trắng đen với lời dặn nhìn chăm chú vào đó một lát rồi nhìn lên tường. Thế là ai cũng gặp Chúa hiển hình, sinh động. Cô này có con em coi chồng không bằng cái núm vung, khi làm theo lời dặn thì thấy rõ ràng Chúa đang lung linh bước đến, còn mim mỉm cười nữa mới kinh, mặc dù hình vẽ Chúa không có miệng. Sợ quá, bèn từ đấy cải tà quy chánh, thành vợ hiền dâu thảo. Niềm tin cao độ vậy quả là tốt, ai ai cũng như bụt và cuộc đời sẽ thuận hòa, an lạc.
Chẳng bù cho một lần dịp lễ Phục sinh, khi Cha xướng lên đại khái “Có tin là Chúa toàn năng không?”. “Có”. “Có tin là Chúa sẽ làm sống lại thế gian không”. “Không”. Tiếng “Không” chìm nghỉm giữa bốn năm trăm tiếng “Có”, nên mình còn nguyên vẹn tứ chi sau buổi lễ. Mà thiệt tình, nếu Chúa đứng trước mặt bảo sắp làm phép cho thế gian của anh em sống lại đây, thì mình sẽ khẩn khoản cầu xin Chúa đừng. Bởi nạn nhân mãn chưa đủ khổ sao Chúa ơi, còn tạo ra rắc rối gia đình cha mẹ sống lại mà trẻ hơn con cái!
Cứ gì phóng sinh. Và dù không có mẹ đang ốm đau le lưỡi hay gì gì, ở cuộc đời rẫy đầy cái ác này, cứ dang tay ra, giúp con cá con chim trong cơn hoạn nạn cũng là một cách tạ ơn Trời mình được còn khỏe mạnh (nhưng lạy Chúa, thấy con gián nằm ngửa con cứ lờ đi, để nó tự chết, tòa chỉ phạt con “không cứu gián trong cơn nguy khốn” thôi, Chúa ạ).
(Tháng 6-2016)