Anh thức dậy hơi trễ so với mọi ngày. Bình thường, đúng bốn giờ ba mươi đồng hồ sinh học báo thức buộc anh xuống giường, sau đó là vệ sinh cá nhân và bài tập thể dục. Chủ yếu hít thở và làm nóng thân thể. Rồi anh cắm ấm nước hay có thể cho quần áo vào máy giặt… Những thứ linh tinh lấy mất của anh gần một giờ. Và, đúng năm giờ ba mươi anh ra khỏi nhà. Nhiều năm như thế!
Sáng nay, anh không còn thời gian cho bài tập thể dục. Cuộc sống dù lập trình chính xác đến đâu vẫn có lúc bị lỗi. Không phải do tối qua anh thức khuya quá hay do say xỉn (thỉnh thoảng anh cũng có những ngày ngồi đâu đó với bạn bè hơi lố một chút).
Khoảng gần hai giờ sáng, một tràng tiếng thét cùng tiếng khóc dưới đường đánh thức anh. Anh nằm lắng nghe diễn tiến bên ngoài càng lúc càng sóng nhồi dồn dập và khó có thể biết khi nào kết thúc. Tiếng khóc cùng tiếng la gào (của một người phụ nữ) kèm thêm những tiếng chửi thề. Tò mò, anh bước xuống giường, mở cửa ra ban công. Họ có ba người. Một nam đang ngồi trên chiếc xe máy vẫn để nổ máy và chếch đó cô gái tóc tai rũ rượi, oằn bệt xuống đường vừa khóc la, vừa trì níu tay của người nam đang kéo cô đứng lên cùng lời dỗ dành với giọng rì rì, ề ề. Anh không nghe rõ nên không thể đoán được nội dung câu chuyện.
Hoạt cảnh trì – níu, khóc – la, rì – ề kéo dài khoảng hai mươi phút vẫn chưa dứt. Anh không chờ đợi được đoạn kết vì bầy muỗi đang mở tiệc liên hoan trên đôi chân. Khóa cửa vào nhà, nhìn sang phòng vợ và các con, anh thấy con gái đang cựa quậy trong mền trên chiếc giường nhỏ. Chắc nó cũng bị thức giấc. Cạnh đó, trên giường lớn vợ anh ôm thằng con trai nhỏ. Hai mẹ con đang ngủ rất say. Tối qua lúc anh vào giường rồi vẫn còn nghe tiếng gõ bàn phím lách cách. Có thể cô mới vừa đi ngủ chăng? Khi mọi thứ yên ắng, thao thức hồi lâu anh mới kéo được giấc ngủ trở lại. Và đó là lý do anh bị muộn ba mươi phút sáng nay.
Anh mở cửa trước. Gió ban mai hào phóng lùa vào mặt anh mát lạnh. Trời đã sáng. Khóa cửa cẩn thận xong, anh lấy ra từ trong túi chiếc điện thoại, cắm headphone vào máy và vào tai rồi bấm nút nhạc. You Needed Me. Giọng Anne Murray hơi khàn, ấm. Anh bước đều trong tiếng nhạc. Dù đi nhanh hay chậm, chỉ ba bài hát anh sẽ ra đến biển. Từ đó, anh đi thêm sáu, bảy bài hát nữa hết con đường lát gạch con sâu. Hai lượt đi và về tổng cộng bảy cây số cho mỗi ngày. Anh đã đo đoạn đường bằng cách chạy xe máy và trừ con số trên công-tơ-mét.
Thành phố nhỏ bởi có nhiều con đường nhỏ. Phố càng nhỏ hơn khi những ngôi nhà xưa cũ trong khuôn viên đất rộng phải chia cắt thành nhiều lô, có thể là chia cho con cháu, cũng có thể bán dần. Nhà ống dần xuất hiện với những bề ngang chưa đến 5m, vài tầng lầu. Sáng nào anh cũng một lộ trình, quen thuộc từng màu cửa sắt, gạch lát vỉa hè, cây hoa sứ nhà này, sakê nhà kia, giàn bông giấy và thậm chí cả… bầy chim sẻ.
Tư tưởng tư hữu đất đai thâm căn cố đế khó xóa bỏ. Một tấc cũng là của cha ông để lại, dứt khoát không nhượng! Ngày xưa đường đất cát, đến khi làm mới, láng nhựa, quy hoạch lòng đường, lề đường bao nhiêu mét… Thế nhưng, dù nhà mới xây đúng quy hoạch nhưng trên đất cũ vẫn để cái rào chắn hờ, không có tác dụng bảo vệ nhưng khẳng định được chủ quyền. Dẫn đến, nhà mặt tiền lôm nhôm, thòi ra, thụt vô, không nhà nào trùng màu sơn.
Chỗ này rào sắt, chỗ kia hàng dâm bụt, chỗ nọ giữ hiện trạng nhà cũ phía trước dù bên trong xây cất mới, nguy nga tráng lệ. Tư tưởng tư hữu còn ở chỗ chút lề đường trước nhà tận dụng làm… vườn rau. Một giàn mướp nhô ra trên hè, chậu sả, cây chanh, mồng tơi từ các chậu kiểng bò lên tường lan sang nhà hàng xóm.
Vòng qua một ngã tư, vừa lúc bài hát có giai điệu buồn da diết về cuộc chia tay giữa đôi tình nhân, có kèm nụ hôn tạm biệt thì anh thấy trên vỉa hè bên kia Nhi đang đi ngược lại. Sáng nay cô đi một mình. Bình thường cô đi với chồng. Anh cười với Nhi và được cô đáp lại. Nụ cười hơi vụng. Bỗng dưng anh chợt nhớ đôi môi mềm của Nhi ngày hai người gặp nhau lần cuối rồi cô đi lấy chồng. Khi ấy, anh chưa có gì chắc chắn cho tương lai, nếu không nói nguy cơ rơi vào bế tắc. Cuộc tình chấm hết. Dễ đến chục năm bặt tăm nhau cho đến ngày anh gặp lại cô ở thành phố này và cũng đi bộ buổi sáng như anh.
Lan man những ý nghĩ lộn xộn như thế anh ra đến biển. Vũ điệu của những bước chân, khoan thai, vội vàng, gấp gáp, tự tin, nhàn tản… Họ cũng nhét nhạc vào tai và đi như anh. Cảm tưởng con người ngày càng co lại trong thế giới riêng của mỗi người dù sáng nào họ cũng hòa nhịp vào cộng đồng. Không bước chân ra đường thì bứt rứt không yên.
Anh không ngoại lệ. Và, chính nhờ có nhạc làm bạn đồng hành khiến anh thấy con đường đi buổi sáng không dài và không cô đơn cho dù đó chỉ là một cảm giác ảo. Khi giai điệu cuộc sống ngang ngang không vui, không buồn, tạo ảo giác cũng là một cách thay đổi điệu thức cho bản nhạc sống động hơn hay bi kịch hơn, hay cũng có thể đó là những hoài bão không bao giờ có thật.
Đường đi bộ có những đoạn tràn cát. Tối qua sóng đã rất lớn. Màu nước biển mùa này trông thật buồn. Vài công nhân đang cặm cụi làm công việc xúc cát trả lại màu xanh cho nền gạch con sâu. Xúc xong rồi họ quét. Chậm và kỹ. Anh nghĩ thầm, không biết liệu tối nay sóng có đẩy cát lên để sáng mai họ có việc làm nữa hay không.
Rồi anh liên tưởng đến những con dã tràng. Bên tai anh vang lên một bài hát cũ với giọng nam trầm, buồn “Chợt nghe lớp sóng xô lên đời mình niềm cay đắng. Cuộc tình trên tháng ngày muộn phiền”. Anh lại nhớ đến một người. Có một thời, tình yêu như những con sóng dập xô lên đời anh những nỗi bất an, cảm giác lúc nào cũng chạy đuổi mãi những ước mơ ngoài tầm tay với đến hụt hơi. Lúc anh tỉnh ngộ thì mặt trời đi qua đỉnh dốc đời người. Rồi anh lập gia đình không vui, không buồn, chỉ để thực thi bổn phận và trách nhiệm.
Những đứa trẻ ra đời, tạm gọi là bình yên. Vợ anh biết điều và tôn trọng chồng. Anh cư xử tốt và thương yêu vợ. Hai người đồng hành đi bên nhau nhiều năm dài cũng chỉ cần như thế. Vẫn chưa đến cuối hành trình nên anh không thể dự đoán được gì nhiều hơn quá đoạn đường mười năm, chẳng hạn. Anh đã thấy có những sự thay đổi chỉ trong chớp nhoáng tan vỡ tất cả mà nguyên nhân đôi khi chỉ là những điều rất vụn vặt. Anh không bi quan nhưng không ai có thể nói trước được những gì sẽ xảy ra. Làm sao biết chắc con đường mình đi cứ mãi bằng phẳng, không va phải ổ gà, vấp phải ổ trâu?
Đường đi bộ bị cắt bởi hàng rào bông giấy dày và cao của một khu resort. Bình thường tới đây anh sẽ quay lại, nhưng hôm nay anh quyết định bước xuống bãi cát, vòng qua chòi canh và đi tiếp. Ngày Chủ nhật, có thể khi anh trở về vợ anh và những đứa trẻ vẫn chưa thức dậy. Lần đầu tiên đi vào nơi này nên bước chân anh hơi ngại ngùng, nhất là khi nhìn thấy nó sạch, đẹp và yên tĩnh quá. Anh chần chừ mất vài giây, người bảo vệ nhìn anh nở nụ cười thân thiện khiến bước chân anh tự tin hơn.
Họ không phản ứng tức là mình có thể đi được. Anh nghĩ thầm như vậy. Sự tò mò thôi thúc khi anh nhìn thấy bãi cát được ủi phẳng phiu, không có lấy một cọng rác. Những bộ bàn ghế gỗ được sắp ngay ngắn thành hàng dài chuẩn bị cho một ngày của khách. Một vài người bên tách cà phê lặng lẽ nhìn ra biển hay cắm cúi vào cuốn sách. Trông họ thật bình an. Một người đàn ông chậm rãi những động tác của bài tập khí công.
Họ thật sự được sống chậm. Anh phục những người không rời bỏ thói quen hằng ngày dù môi trường sống thay đổi. Anh không được như thế. Chỉ cần một chệch choạc nhỏ cũng khiến anh không thoải mái. Anh biết đó là khuyết điểm nhưng không thể nào khắc phục được.
Anh đi ngang qua một nhà hàng. Mùi thức ăn vừa được chế biến đánh thức khứu giác anh. Qua khu vực spa có mùi thảo dược thoang thoảng. Một sân chơi ngoài trời với những chiếc ghế mây hình dạng thuyền thúng, quầy bar và sàn nhảy vẫn còn dấu vết cuộc vui tối qua với những chiếc vỏ chai lăn lóc và ly tách chưa được dọn dẹp. Cuối cùng là một hồ bơi thật rộng. Đôi nam nữ nằm dài trên ghế bố, tờ báo che kín mặt.
Anh nghĩ, họ đang thưởng thước những nốt lặng của bản nhạc cuộc đời sau những giai điệu thăng – trầm, cao – thấp, buồn bã – vui tươi. Anh dừng lại một chút rồi quay về. Nhạc vẫn đều bên tai, giọng Adele hơi uể oải như đang kể chuyện cùng tiếng dương cầm rải chậm. Màu nước biển đã khá hơn nhờ có ánh nắng mặt trời. Những chiếc dù nhiều màu được bày ra trên bãi cát và người bắt đầu đông hơn. Anh đoán họ là khách du lịch bởi lỉnh kỉnh máy hình, túi xách và áo quần màu sặc sỡ. Đôi vợ chồng già ngồi trên ghế đá nhìn ra biển, họ đang lặng ngắm thời gian trôi, tận hưởng những ngày tháng êm đềm sau khi hoàn thành trách nhiệm với con cái, với cuộc đời.
Đến một cây dương cụt ngọn, bước chân anh khựng lại bởi một gương mặt quá quen trong ký ức. Đôi chân dài, mái tóc dài và dáng vẫn còn thanh mảnh. Họ chạm mặt nhau rồi lướt nhanh. Anh sững lại một chút rồi như một hành động vô thức, anh ngoái nhìn theo bước chân sải nhanh về phía nhóm người đang đứng cười nói cạnh một chiếc xe du lịch.
Anh không kịp nhìn kỹ cho trọn gương mặt. Có vẻ như ánh mắt đã bớt lạnh hơn so với cái ngày cô cầm xấp hồ sơ ném mạnh xuống bàn. Kỳ đó anh suýt dính vào vòng lao lý. Một cái bẫy khá êm ái và anh lao vào không đắn đo, cân nhắc. Cuối cùng, anh là người sập bẫy đầu tiên, cảnh báo cho những người đi sau. May mắn, những người đi sau đó đã cứu anh. Năm năm trước, khi bước chân ra khỏi căn phòng đó anh đã buông lời thề không đội trời chung. Chết tiệt thế nào hôm nay anh gặp lại ánh nhìn ấy? Gió thổi mạnh. Anh rùng mình.
Tai nghe bên phải chợt rớt ra. Đoạn điệp khúc với giai điệu nhanh, rộn rã chợt hụt hẫng, chao nghiêng. Anh nhét nhạc lại vào tai và bước đi tiếp. Tuy nhiên, tự dưng anh cảm thấy chân tay rã rời. Anh ngồi xuống viền đá. Biển chật hẹp sau những cành cây bàng và những chiếc thuyền. Cô ta ở đâu mà giờ lại lù lù xuất hiện nơi đây? Không phải kỳ đó cô đã vượt đại dương cao chạy xa bay? Quả đất chật hẹp đến vậy?
Có hai con chuột lấp ló bên trong hàng rào một khu vui chơi. Có thể chúng định chạy ra ngoài thì khựng lại khi thấy anh? Tuy nhiên, chần chừ một lúc rồi chúng bắt đầu đuổi nhau lòng vòng qua gốc cây bàng khiến anh liên tưởng đến những trò chơi cút bắt đã tham gia trong cuộc đời. Con người sinh ra, lớn lên, nuôi và chạy theo tham vọng, được hay mất thì cũng có lúc mệt mỏi. Đó cũng là lý do anh trở về thành phố này sau những chìm nổi cuộc đời. Một con chuột chạy xáng xả va vào chân anh khiến anh rùng mình lần nữa. Đôi khi trong một trò chơi cút bắt, vì quá hăng say người ta cũng không thấy hay không biết có những nguy hiểm rình rập.
Anh đứng lên và bước đi tiếp. Một đôi tình nhân ngồi choàng vai nhau trên chồng ghế gỗ trong một nhà chòi. Trên bãi cỏ nhỏ, một người ngồi trên xe lăn đang giương máy hình tìm những góc ảnh đẹp. Cuộc sống quý báu đến từng milimet và qua từng hơi thở. Một giọng nữ trầm, khàn vang lên bên tai anh: “Đời cho ta thế hãy cứ cất bước đi mọi nơi. Gặp nhau trong phố xin yêu không nguôi những thân người. Đời cho ta thế hãy cứ sống tới như mọi ai. Mặc dòng sông kia sẽ cuốn đất cát ra biển khơi…” (*).
Anh bước đều trong tiếng nhạc. Lời nhắn nhủ của người nhạc sĩ rằng hãy tập biết sống tha thứ và quên để thanh thản. Anh thầm nghĩ, ừ nhỉ, đời có dài lắm đâu!
(*) Lời bài hát Đời cho ta thế của Trịnh Công Sơn