Theo nhà khoa học Ulf Moslener, trưởng bộ phận nghiên cứu thuộc Trường Đại học Frankfurt, Đức, năm 2012, trong phạm vi toàn cầu, năng lượng tái sinh chiếm 6,5% tổng số năng lượng tạo ra và giúp làm giảm 1 tỉ tấn khí carbon thải ra môi trường. Ông cũng cho rằng hiện các nước đang phát triển có kế hoạch đầu tư sản xuất năng lượng xanh vốn không đắt đỏ bằng các loại nhiên liệu hóa thạch. Những nước nghèo hơn nữa cũng muốn tận dụng lợi thế của chi phí năng lượng ổn định, tạo thêm công ăn việc làm mới, cải tiến chất lượng khí trời, giảm thiểu những tổn thất về sức khỏe và khí hậu. Chính vì thế trong lúc các nước công nghiệp hóa như Mỹ, Anh, Đức đang tranh cãi nhau về tương lai của năng lượng xanh, thì các nước đang phát triển nắm lấy thời cơ tìm đến nguồn năng lượng này như một giải pháp cho nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội và môi trường. Năm 2007, mức đầu tư cho năng lượng xanh của các nước công nghiệp hóa nhiều gấp 2,5 lần mức đầu tư của các nước đang phát triển, nhưng năm năm sau (2012), khoảng cách này đã bị thu hẹp còn ở mức tối thiểu, với tỷ lệ 132 tỉ USD (các nước công nghiệp hóa)/ 112 tỉ USD (các nước đang phát triển).
Năng lượng xanh ngày càng dồi dào tại các nước đang phát triển
Các nhà đầu tư biết rằng năng lượng sạch không tốn kém hơn năng lượng hóa thạch, nhưng theo Michael Liebreich, Giám đốc điều hành tổ chức Bloomberg New Energy Finance, không có ngành công nghiệp nào bị đối xử tệ bạc bằng ngành năng lượng sạch. Tại châu Âu, sự thay đổi thường xuyên các chính sách về năng lượng khiến thị trường không ổn định và làm nản lòng các nhà đầu tư. Họ quay sang các nước đang phát triển với một thị trường đầy tiềm năng, khi mà tốc độ của sự giảm nghèo đòi hỏi phải kèm theo sự phát triển dịch vụ phục vụ đời sống.
Năm 2012, Trung Quốc, Mỹ, Đức, Nhật Bản và Ý là năm nước đầu tư hàng đầu cho năng lượng xanh, với việc lắp đặt pin mặt trời đạt công suất 30,5GW (gigawatt), trong khi công suất của năng lượng gió là 48,4GW. Riêng Nhật Bản, ngay sau thảm kịch nhà máy điện hạt nhân Fukushima, đã chuyển hướng ngành công nghiệp năng lượng từ lệ thuộc vào điện hạt nhân sang năng lượng mặt trời, năng lượng gió và năng lượng địa nhiệt. Tại bang Gujarat của Ấn Độ, một cơ sở điện mặt trời cung cấp 605MWh điện đã hoàn tất từ tháng 4-2012, dự kiến giúp làm giảm được 8 triệu tấn CO2 hằng năm. Tại bang Oaxaca (Mexico), chính quyền vừa công bố sẽ chi gần 1 tỉ USD để xây dựng một dự án năng lượng gió công suất 396MWh. Theo Achim Steiner, Giám đốc điều hành của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), ngày càng có nhiều quốc gia tham gia vào các chương trình năng lượng sạch. Mông Cổ có tham vọng trang bị cho tương lai bằng năng lượng gió và năng lượng mặt trời và còn cung cấp năng lượng sạch cho cả Trung Quốc và nhiều nước khác. Trong năm 2012, ước có 5,7 triệu người trên thế giới làm việc trực tiếp hay gián tiếp trong khu vực năng lượng tái sinh, phần lớn ở Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, các nước Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Steiner hy vọng rằng một công ước về khí hậu toàn cầu sẽ ra đời vào năm 2015, khi đó, nhiều vấn đề liên quan đến năng lượng sạch và xanh sẽ giúp giải quyết được nhiều vấn đề đương đại.
Lê Nguyễn tổng hợp