Báo cáo còn phổ biến các dữ liệu sau: (1) Sự thiếu calcium và chất sắt góp phần quan trọng vào cái chết trong khi sanh nở của nhiều bà mẹ và hằng năm mang đến cho xã hội 165 triệu trẻ em còi cọc; (2) Năm 2011, toàn thế giới có 32 triệu trẻ béo phì dưới 5 tuổi, phần lớn sống ở những nước có thu nhập thấp và trung bình; (3) Việc bào thai không phát triển đầy đủ có liên quan đến tầm vóc thấp bé, sự gầy ốm của người mẹ mang thai và là nguyên nhân gây ra 12% những trường hợp trẻ tử vong ngay sau khi ra đời; (4) Việc cho con bú sữa mẹ không đầy đủ là nguyên nhân của hơn 800 ngàn cái chết của trẻ hằng năm.
Bú sữa mẹ đầy đủ, trẻ tránh được suy dinh dưỡng
Theo giáo sư Robert Black thuộc Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg (Mỹ), để giải quyết những vấn đề trên, cần hướng các chương trình phát triển nông nghiệp đến mục tiêu nâng cao tính dinh dưỡng của sản phẩm làm ra hơn là chỉ chú trọng đến năng suất. Kêu gọi sự quảng bá một “nền nông nghiệp nhạy bén với dinh dưỡng” (nutritional sensitive agriculture), Black nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hoạt động cộng đồng trong vấn đề giải quyết tình trạng kém dinh dưỡng ở trẻ em. Theo ông, sự hợp tác trong xã hội dân sự, giữa các tổ chức nhân đạo và khu vực kinh doanh sẽ tạo được sự khác biệt tại mỗi quốc gia. Ngoài ra, sự hỗ trợ không thể thiếu của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) sẽ giúp các nỗ lực của cộng đồng đạt được hiệu quả tốt hơn.
Báo The Lancet cũng cảnh báo về bốn yếu tố đã gây ra tình trạng kém dinh dưỡng, đó là nghèo đói, không an toàn thực phẩm, giáo dục kém và bất bình đẳng giới tính. Bên cạnh đó, nhiều nhà khoa học cũng xác định là thời gian người mẹ mang thai và một ngàn ngày đầu tiên kể từ khi đứa bé chào đời là thời khoảng quan trọng nhất cho sự phát triển của trẻ. Người ta chưa hiểu rõ mối tương quan giữa tình trạng còi cọc cùng sự béo phì với nguy cơ gia tăng bệnh tim mạch, do đó, điều cần làm là thiết lập mối quan hệ mật thiết giữa sức khỏe và hệ thống sản xuất thực phẩm trên toàn thế giới. Cuối cùng, các chuyên gia về y học và dinh dưỡng học đã kết luận rằng sự cân bằng thỏa đáng giữa các chất dinh dưỡng trong bữa ăn và một nền công nghiệp thực phẩm phù hợp sẽ giúp hóa giải nhiều vấn đề gai góc về dinh dưỡng trẻ em đã nổi lên trong thời gian gần đây.
Lê Cẩn tổng hợp