Khác với sự thưa thớt những năm trước, từ khi đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây hoàn thành, ba khu công nghiệp (KCN) vùng sâu vùng xa của Đồng Nai là Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc đã nhanh chóng được lấp đầy, với tỷ lệ từ 90 – 100%. Hiện các KCN này đang đề nghị được mở rộng diện tích để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh của doanh nghiệp.
Vùng sâu, vùng xa vẫn có nhiều lợi thế
Lợi thế lớn của các KCN vùng sâu nằm ở giá thuê rẻ, tuyển chọn lao động dễ, có nhiều chính sách hỗ trợ từ địa phương như miễn giảm tiền thuê đất và tiền hạ tầng trong thời gian dài.
KCN Tân Phú (huyện Tân Phú) trước đây cũng gặp rất nhiều khó khăn trong mời gọi đầu tư nhưng hiện tỷ lệ lấp đầy đạt gần 90%.
Mới đây KCN này đã thu hút được dự án lớn của Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam. Tổng nguồn vốn các doanh nghiệp đã đầu tư vào KCN Tân Phú là trên 113 triệu USD.
Ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Phó giám đốc Công ty cổ phần KCN Định Quán (huyện Định Quán) cho hay: “Diện tích đất trong KCN Định Quán đã cho thuê hết, nhưng hiện vẫn có nhiều doanh nghiệp liên hệ để thuê đất.
Một phần nguyên nhân là do nếu đầu tư vào KCN này, doanh nghiệp sẽ được miễn tiền hạ tầng năm năm đầu kể từ khi đi vào hoạt động và miễn tiền sử dụng đất đến năm 2020”.
Cũng theo ông Quỳnh, tuy diện tích đất đã cho thuê 100%, nhưng có một số doanh nghiệp thuê đất quá hai năm chưa triển khai dự án nên công ty đang nhắc nhở để tránh tình trạng doanh nghiệp lạm dụng ưu đãi của Nhà nước để “giữ đất”.
Ông Nguyễn Văn Nghị, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú cho biết: “KCN Tân Phú được thành lập từ năm 2007 nhưng trước đây việc kêu gọi đầu tư vào KCN này rất khó khăn.
Gần đây, giao thông thuận lợi nên các công ty đầu tư vào nhiều hơn. Tới đây, khi dự án của Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam hoàn thành đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động của địa phương và những vùng lân cận”.
Huyện Tân Phú cũng trông đợi KCN này sớm lấp đầy và các dự án xây dựng nhanh nhà xưởng và tiến hành sản xuất – kinh doanh để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn.
Với KCN Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc), hiện tỷ lệ lấp đầy cũng đạt gần 90% và các doanh nghiệp thuê đất hầu hết đã xây dựng nhà xưởng, đang sản xuất tương đối hiệu quả.
Hiện nay, kết nối giao thông ngày một thuận lợi, do đó khi đầu tư vào các KCN miền núi và vùng xa trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp không còn quá lo lắng việc vận chuyển hàng hóa.
Đồng thời tỉnh cũng có nhiều chính sách ưu đãi cho những doanh nghiệp đầu tư về miền núi và vùng xa nhằm giãn dần mật độ đầu tư tập trung tại các đô thị lớn, góp phần phát triển kinh tế – xã hội khu vực miền núi.
Tỷ lệ đất còn cho thuê tại các KCN miền núi và vùng xa hiện nay đã hết hoặc sắp hết nên các công ty hạ tầng cũng đang tiến hành các thủ tục đề xuất mở rộng diện tích gấp 2-3 lần so với hiện tại.
Đơn cử, KCN Xuân Lộc được thành lập từ năm 2006 với tổng diện tích gần 109 hécta, đang tiến hành làm các thủ tục để mở rộng thêm 200 hécta. Hiện Chính phủ đã chấp thuận cho điều chỉnh, bổ sung và quy hoạch vào các KCN Việt Nam.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, KCN Tân Phú được Chính phủ chấp thuận điều chỉnh diện tích từ 54 hécta lên 130 hécta. KCN Định Quán cũng đang hoàn tất thủ tục đầu tư để mở rộng diện tích thêm hơn 100 hécta, gấp gần hai lần so với hiện nay.
Ngoài ra, tỉnh cũng đang triển khai thêm KCN vùng xa thuộc huyện Cẩm Mỹ với diện tích khoảng 300 hécta. KCN trên đang trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng và đã có 4-5 doanh nghiệp đề xuất được làm chủ đầu tư hạ tầng KCN Cẩm Mỹ.
Công nghiệp bỏ xa ứng dụng công nghệ sinh học
Trái ngược với sự sôi động ở các khu công nghiệp, Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai (xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ) – một trong ba khu công nghệ cao – công nghệ sinh học của Việt Nam lại vắng vẻ đến mức hoang tàn.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay (tập trung ở giai đoạn 2012-2016), có 29 đề tài, dự án khoa học trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi do Sở Khoa học – Công nghệ đầu tư tại trung tâm này với kinh phí cả trăm tỉ đồng.
Hiện đa số các đề tài nghiên cứu đã kết thúc nhưng nhiều mô hình còn vướng mắc trong quá trình bàn giao hoặc chưa có hướng đầu tư mới. Theo đó, cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị được đầu tư của nhiều đề tài đang để không và ngày càng xuống cấp.
Gần 40 nhà màng rộng hàng hécta hầu như để hoang; hệ thống tưới nước tiết kiệm công nghệ cao hư hỏng nặng. Các trại nuôi dúi, chồn, gà Đông Tảo, heo rừng…, mỗi đề tài từng được đầu tư hàng tỉ đồng; nay để trống vì không còn vật nuôi.
Các mô hình vườn cây thanh long, tiêu, sầu riêng, bơ… phát triển èo uột, hầu như đều bị dịch bệnh với tỷ lệ cây chết cao. Vườn lan cũng bị nhiễm nấm bệnh xơ xác.
Theo một cán bộ quản lý ở đây, để duy trì vườn lan này cần hàng trăm triệu đồng/năm trả chi phí công lao động, phân, thuốc, nhưng hầu như không có doanh thu. Theo Ban Quản lý, nhiều đề tài hiện vẫn chưa hoàn thành, chưa được nghiệm thu hoặc đang chờ quyết toán.
Hiện trung tâm vẫn được giao tiếp tục duy trì những mô hình từ các đề tài khoa học. Khó khăn hiện nay là không có kinh phí duy trì các mô hình trên. Vì các mô hình này hầu như chưa có nguồn thu để tự nuôi.