Bên cạnh yếu tố nhanh chóng và hiệu quả, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ với nhiều ứng dụng mới đang khiến cho quá trình giao dịch bất động sản (BĐS) toàn cầu trở nên minh bạch hơn. Thị trường địa ốc Việt Nam dù đi sau nhiều nước về mức độ tiếp nhận và sử dụng công nghệ nhưng vẫn được nhiều người trong ngành kỳ vọng rằng sẽ không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới.
Chỉ số minh bạch của BĐS Việt Nam đang được cải thiện
Theo báo cáo về Chỉ số minh bạch toàn cầu 2018 của Công ty Tư vấn BĐS toàn cầu Jones Lang Lasalle (JLL) Hoa Kỳ công bố mới đây, trong số 100 quốc gia được khảo sát có 85 quốc gia đã cải thiện chỉ số này so với năm 2016. Lý do là ngày càng có nhiều nhà đầu tư dịch chuyển dòng vốn vào BĐS, do đó sức ép về việc ban hành và thực thi các điều luật mới đang tăng lên đối với chính phủ các nước.
Báo cáo của JLL cũng cho thấy Việt Nam đang đứng thứ hạng khá thấp về minh bạch trong thị trường BĐS, xếp hạng 68/109 quốc gia. Tuy nhiên, so sánh với những năm trước đây hình ảnh của Việt Nam đang được cải thiện từng năm. Nếu năm 2014, Việt Nam nằm trong nhóm có chỉ số minh bạch thấp, đến năm 2018 được ghi nhận đang trong giai đoạn quá độ sang nhóm các nước có chỉ số minh bạch trung bình. Về phương diện chính sách, vài năm trở lại đây, hệ thống thể chế quản lý BĐS của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện.
Đáng chú ý là Luật Kinh doanh BĐS 2014, Luật Đầu tư 2014, Luật Nhà ở 2014, cùng một loạt nghị định, thông tư hướng dẫn theo hướng mở rộng, thông thoáng hơn, giảm bớt các thủ tục hành chính, đã tạo điều kiện cho thị trường phát triển ổn định và bền vững hơn.
Tuy nhiên, tiến trình minh bạch hóa trên thị trường BĐS Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả, do còn thiếu đồng bộ, nhất quán và chưa triệt để trong quá trình thực hiện cũng như giám sát. Những quy định cụ thể về tính xác thực của thông tin và sự công bằng giữa các doanh nghiệp vẫn còn thiếu. Theo GS Đặng Hùng Võ, một thị trường minh bạch thì số liệu phải cập nhật theo ngày, người dân, nhà đầu tư đều dễ dàng có thông tin đó. Muốn vậy, cần biến các quy định của pháp luật thành hệ thống công cụ hỗ trợ việc thực hiện.
Khi hội tụ đủ điều kiện, quá trình minh bạch hóa sẽ tăng tốc
Tại Hội nghị BĐS Quốc tế IREC 2018 diễn ra tại Hà Nội vừa qua, chuyên gia Daniel Levine nhận định rằng hiện nay khách hàng thường muốn được tự đánh giá và xếp hạng sản phẩm. Nếu các đánh giá xếp hạng này được công khai thì những khách hàng khác sẽ dễ dàng hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm dịch vụ.
- Xem thêm: Xu hướng nhà ở thông minh đang lan rộng
Ông Daniel Levine bình luận: “Trên thế giới có trường học để sinh viên xếp hạng thầy cô, dịch vụ Uber có các sao để xếp hạng cho chuyến đi, tài xế, thậm chí xếp hạng cho khách hàng. Theo đó, các sản phẩm bất động sản hay các nhà phát triển dự án bất động sản cũng nên được xếp hạng. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng xã hội là cơ hội để người tiêu dùng bày tỏ một cách công khai quan điểm, sự đánh giá và xếp hạng một nhãn hàng nào đó. Doanh nghiệp có nói tốt về mình hàng trăm lần cũng không thể bằng vài lời đánh giá của khách hàng”.
Vị chuyên gia này dẫn một nghiên cứu từ Trường Kinh doanh Harvard, nghiên cứu cho hay cứ mỗi sao được xếp hạng tăng lên thì doanh thu của doanh nghiệp tăng tương ứng 5 – 9%. Theo đó, các sản phẩm bất động sản muốn được tăng sao thì các doanh nghiệp bất động sản luôn phải minh bạch thông tin, nỗ lực gia tăng chất lượng sản phẩm.
Tại Hội nghị IREC, ông Lê Hoàng Nhật, Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ BMG Ami, cho biết Blockchain là công nghệ hữu ích giúp thị trường BĐS Việt Nam trở nên minh bạch hơn. Cụ thể, ứng dụng của Blockchain với BĐS nằm ở hai khía cạnh là hợp đồng thông minh và quản lý bằng Tokenization. Theo đó, hợp đồng thông minh có thể lưu trữ tất cả thông tin của hai bên và ghi lại mọi giao dịch, hoạt động phát sinh, giúp những người giao dịch tiếp theo không bị lừa đảo. Còn Tokenization có thể giúp quản lý hiệu quả hàng ngàn dự án BĐS cùng lúc.
Theo ông Hoàng Nhật, tiềm năng ứng dụng Blockchain vào thị trường BĐS Việt Nam là rộng mở dù ở thời điểm này mọi thứ vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển. Hiện tại, các nước đang phát triển công nghệ Blockchain cho BĐS có thể kể đến như Mỹ, Nhật, Singapore, Hàn Quốc… Còn tại Việt Nam, các startup về Blockchain khá nhiều, nhưng cho BĐS thì mới chỉ có vài ba công ty. Rủi ro lớn nhất của Blockchain phải nói đến là rào cản pháp lý chưa rõ ràng và đầy đủ để có thể triển khai trên thực tế, như vậy cần có sự đồng hành của luật pháp các nước sở tại để Blockchain được hợp pháp hóa và triển khai. Bên cạnh đó, cũng cần sự đồng hành của sở giao dịch BĐS của các nước chấp nhận nền tảng công nghệ này. Ngoài ra, một rào cản nữa cần phá bỏ là phải làm thế nào để Nhà nước công nhận Blockchain là nền tảng hợp pháp sử dụng cho thị trường BĐS.
- Xem thêm: Thận trọng với các dự án tỉ USD
Ông Hoàng Nhật phân tích thêm: “Các thông tin đưa vào ứng dụng sẽ là cơ sở cho người mua hàng. Theo đó, Nhà nước cũng cần hỗ trợ thông tin đầu vào, còn nếu dữ liệu do người dùng đưa lên thì người dùng phải chịu trách nhiệm với thông tin đó. Bởi mỗi thông tin đưa vào hệ thống Blockchain đều không thể thay đổi hay sửa xóa nên đây sẽ là bằng chứng pháp lý cho việc họ phải chịu trách nhiệm về thông tin họ đưa lên. Đối với ứng dụng về giá cả giữa hai bên thì đó là thỏa thuận cá nhân và Blockchain hỗ trợ đắc lực ở chỗ không để xảy ra tình trạng một ngôi nhà bán cho nhiều người. Tức là bạn đang giao dịch với ai thì giao dịch đó đã được ghi lại và những người khác đều nhìn thấy”.