Sự bất đối xứng về số lượng người nghiên cứu, số lượng cơ quan nghiên cứu, số lượng nghiên cứu và mức độ đầu tư cho nghiên cứu Biển Đông giữa hai nước đã lý giải phần nào tại sao độ phổ biến các chứng cứ khoa học của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Sự tràn ngập của các ấn phẩm và các nghiên cứu của Trung Quốc, đặc biệt khi được dịch sang tiếng Anh và phát hành trên tất cả hệ thống thư viện thế giới sẽ nguy hiểm cho việc xây dựng “nhận thức chung” của cộng đồng quốc tế về vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Quý hồ tinh bất quý hồ đa
Trong khi tranh luận về Biển Đông, không thể “ăn thua” về lượng xuất bản phẩm hay sự hiện diện đông đảo tại các diễn đàn – hội nghị quốc tế, thì chìa khóa vàng mà giới khoa học Việt Nam đang sở hữu chính là tính “hợp lý hơn” của lý lẽ. Một lập luận có tính hợp lý hơn không những tạo sự chính đáng cho các quan điểm, mà còn là một tiền đề quan trọng góp phần xây dựng kiến thức chung về vấn đề tranh cãi. Như về chủ quyền lịch sử hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nguyên trưởng Ban Biên giới của Chính phủ Việt Nam Lưu Văn Lợi từng nhận xét rằng từ phía Trung Quốc không có một quyển sách sử nào đề cập đến hai cái tên Xisha (Tây Sa) và Nansha (Nam Sa), cũng như chủ quyền của Trung Quốc tại đây. Một biên khảo khác của tác giả Từ Đặng Minh Thu (Đại học Sorbonne) đi đến kết luận, khác với chứng cớ lịch sử của Việt Nam chứng minh chủ quyền lịch sử trên hai vùng đảo này đã được khám phá (ít nhất là từ thế kỷ XV) và khẳng định liên tục (trong suốt thế kỷ XVIII) qua sự khai thác và quản trị của hai đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải của triều đình nhà Nguyễn, thì những tài liệu từ phía Trung Quốc không thể hiện rõ ràng một lộ trình như vậy, dẫu có chăng là tình cờ thấy hay khám phá thì cũng không đủ điều kiện để chứng minh việc “hành xử chủ quyền” trên những vùng đất đó. Rõ ràng, sự yếu thế về mặt chứng cứ lịch sử là lý do chính khiến Bắc Kinh cương quyết phủ định giải pháp đưa tranh chấp ra Tòa án Quốc tế hay Liên Hiệp Quốc.
Mặt khác, vấn đề tranh chấp hiện tại đang đi vào một khúc quanh pháp lý rất quan trọng, mà điểm đầu tiên của mọi câu chuyện là phải làm sao định nghĩa lại những khái niệm cần giải quyết. Một trong những thí dụ điển hình cho sự gia tăng mâu thuẫn tại khu vực là sự bất đồng về cách hiểu, định nghĩa và diễn dịch những điều khoản trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Chẳng hạn như vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Dưới góc nhìn của Bắc Kinh, thỏa hiệp giữa quyền kinh tế của quốc gia ven biển và quyền vận chuyển quá cảnh của các nước nên được thay thế bằng nâng cấp mức độ EEZ tương đương với quy chế lãnh hải, nơi nước ven biển được hành xử chủ quyền một cách không giới hạn. Điều này khác với góc nhìn của nhiều nước khác trong vùng. Hay như cuộc tranh luận về bản chất tự nhiên của các đảo ở Trường Sa và Hoàng Sa để áp dụng điều 121 của UNCLOS cho thấy các vấn đề pháp lý, địa lý và quan hệ quốc tế lồng ghép vào nhau khiến không có một đề nghị nào được xem là “chuẩn mực”. Không có một cách tiếp cận nhiều chiều từ những quan điểm khác nhau sẽ khiến một đồng thuận khó trở thành hiện thực.
Nếu đang “nắm dao đằng chuôi” về lý lẽ, thì cái cần suy nghĩ là làm sao tiếp tục lan tỏa sức mạnh này. Các “mạng lưới trao đổi ý tưởng” cần phải được khuếch tán bằng nhiều kênh khác nhau nhắm vào hai mục tiêu chính. Nhìn từ góc độ “vĩ mô” là thiết lập cầu nối giữa “kiến thức và chính sách” theo ý nghĩa chuyên môn hóa quá trình hoạch định chính sách quốc gia bằng và dựa trên khoa học. Lập luận trên bàn đàm phán, hay trên các mặt trận thương thuyết, những kiến thức hợp lý sẽ làm bàn đạp cho những yêu cầu về chủ quyền, khiến cho những yêu sách của phía bên kia, nếu không có những luận chứng vững chãi hậu thuẫn, sẽ trở nên kệch cỡm hoặc không thể thuyết phục. Kinh nghiệm các cuộc đàm phán trên thế giới đã chứng minh, học thuật hay những sản phẩm phát minh và trao đổi từ các học giả góp phần rất nhiều vào việc thay đổi góc nhìn của các bên. Phân tích trên góc độ “vi mô”, “học thuật hóa” vấn đề Biển Đông góp phần tạo thành nhận thức chung cho cộng đồng, nhất là khi hiện nay nhu cầu “hiểu và thấu hiểu” về vấn đề Biển Đông cần thiết hơn bao giờ hết. Các đầu óc lớn thường gặp nhau trên ý tưởng, vì vậy cần phải có những cầu nối để các ý tưởng này tìm đến nhau. Một xã hội “giàu ý tưởng, giàu thông tin” sẽ là một xã hội mạnh, vì từng thành viên có thể tự đánh giá, nhận xét và quyết định các lựa chọn cá nhân, cũng như phản đối hay ủng hộ các quyết định của cộng đồng.
Khoa học có tính lan tỏa, trong đó một trong những đặc tính dễ nhận thấy nhất là sự lan tỏa cái đúng, cái hợp lý và logic, những yếu tố sẽ đóng vai trò bệ phóng cho cuộc đấu tranh chủ quyền của chúng ta tại Biển Đông.
Nguyễn Chính Tâm