Bệnh tim mạch hiện nay là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của con người trên thế giới. Bệnh thường kết hợp với các bệnh khác của cơ thể như: bệnh tiểu đường, rối loạn chuyển hóa Lipide, hội chứng thận hư… Ở những bệnh nhân có bệnh kết hợp này, tỷ lệ tử vong tăng lên từ hai đến bốn lần so với những người bị bệnh tim mạch đơn thuần.
Các triệu chứng cơ năng của bệnh tim
Có rất nhiều triệu chứng (thuật ngữ chuyên môn thường gọi là triệu chứng cơ năng) gợi ý cho người bệnh cảm thấy mình bị bệnh tim mạch và cần phải đi khám bệnh ở bệnh viện hay phòng khám. Những triệu chứng này thường do tình trạng thiếu máu cục bộ của cơ tim, tình trạng rối loạn vận động cơ tim, giãn các buồng tim và tổn thương của hệ thống van trong buồng tim gây ra.
Biểu hiện hay gặp nhất của thiếu máu cơ tim cục bộ là khó chịu ở lồng ngực bên trái và nặng hơn là đau thắt ngực. Còn giảm khả năng làm việc của cơ tim sẽ dẫn đến cảm giác yếu, dễ mệt nhất là khi hoạt động hoặc nặng hơn là da xanh tím, tụt huyết áp, ngất xỉu và tăng áp lực động mạch phổi, suy tâm thất trái dẫn đến biểu hiện phù và khó thở.
Các triệu chứng cơ năng mà người bệnh gặp phải thường tăng lên khi hoạt động nhiều, gắng sức, trong trạng thái xúc động…, hiếm khi xuất hiện lúc nghỉ ngơi. Trong trường hợp triệu chứng đau ngực, khó thở, hồi hộp… xuất hiện lúc chúng ta đang nghỉ ngơi thì cần phải nghĩ đến những bệnh của hệ thống thần kinh thực vật hơn là các tổn thương thực thể của tim.
Những lầm lẫn thường gặp trong khi chẩn đoán bệnh tim
Tim mạch là một bệnh khá phổ biến và các triệu chứng của bệnh lại không phải là đặc thù nên nhiều người, thậm chí cả thầy thuốc, cứ gán bừa những triệu chứng hồi hộp, khó thở… là bệnh tim thật sự. Ngoài ra, sự kết hợp giữa tư tưởng sợ bệnh tim phổ biến trong xã hội với sự liên tưởng sâu đậm giữa bệnh tim và các rối loạn cảm xúc làm cho những người không bị bệnh tim lại cứ hay tưởng tượng ra những triệu chứng giống bệnh tim, gây phiền não cho bản thân, gia đình và gây khó khăn cho việc chẩn đoán của bác sĩ.
Trong các triệu chứng hay gặp ở bệnh tim thì hiện tượng khó thở là triệu chứng gây khó khăn nhiều nhất cho công việc chẩn đoán vì nó không chỉ đặc trưng cho bệnh tim mà còn là dấu hiệu của nhiều loại bệnh khác như các bệnh về phổi, tình trạng béo phì hoặc tình trạng rối loạn cảm xúc. Tương tự như vậy, triệu chứng đau và nặng ngực cũng do nhiều bệnh khác như đau cơ thành ngực, viêm dạ dày thực quản… gây ra chứ không riêng gì bệnh thiếu máu cơ tim. Chỉ khi tìm hiểu kỹ cách xuất hiện của triệu chứng đau, hướng lan truyền cơn đau và các triệu chứng đi kèm, người thầy thuốc mới có thể chẩn đoán chính xác người bệnh có bị bệnh tim thật sự hay không.
Bệnh tim có di truyền hay không?
Khá nhiều bệnh tim có tính chất di truyền trong gia đình, nhất là những bệnh tim có kết hợp với các bệnh khác như tiểu đường, rối loạn chuyển hóa… Một số bệnh tim khác phải kể đến cũng có yếu tố gia đình như: Hội chứng Marfan, bệnh cơ tim phì đại, đột tử trong hội chứng QT (rối loạn nhịp tim có tiềm năng) kéo dài… Bệnh tăng huyết áp không rõ nguyên nhân cũng có yếu tố di truyền nhưng không rõ rệt lắm.
Nhiều bệnh tim khác trong gia đình không những do di truyền mà còn do các thói quen về sinh hoạt và ăn uống của gia đình bệnh nhân như: ăn quá mặn, ăn nhiều mỡ và chất bột đường, hút thuốc lá, thuốc lào… Chính vì vậy, ở những gia đình có người bị bệnh tim, các thành viên khác trong gia đình cần phải chú ý khả năng mắc bệnh tim của mình.
Việc phát hiện bệnh sớm là rất cần thiết cho điều trị, ở tuổi trên 40, những người có yếu tố nguy cơ cao trong gia đình có tiền sử bệnh tim mạch nên đi khám bệnh định kỳ mỗi sáu tháng để tầm soát sớm bệnh tim mạch.
Sau khi khám bệnh tại một thầy thuốc chuyên khoa về tim mạch và được làm thêm một số xét nghiệm cơ bản để chẩn đoán xác định cũng như loại trừ bệnh như đo điện tim, siêu âm tim, chụp X quang tim phổi…, người bệnh có thể ở vào một trong ba trường hợp sau đây: (1) Nếu chúng ta không bị bệnh tim thì bác sĩ không cần hẹn tái khám tim mạch định kỳ vì điều này sẽ làm cho người đó bị ám ảnh rằng họ đã bị mắc bệnh; (2) Nếu không thấy dấu hiệu của bệnh tim thật sự, nhưng có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ của bệnh thiếu máu cơ tim như: bị béo phì, tiểu đường, cao huyết áp, tiền căn gia đình, hút thuốc lá, phụ nữ trên tiền mãn kinh… thì nên có kế hoạch điều trị để giảm các yếu tố nguy cơ đó và nên hẹn tái khám định kỳ nhằm tầm soát sớm bệnh tim mạch; (3) Nếu thật sự mắc bệnh tim, cần phải điều trị ngay.
Bệnh nhân cần phải yêu cầu thầy thuốc chuyên khoa tim mạch nói rõ hướng điều trị cho mình là điều trị nội khoa, can thiệp nội mạch hay phẫu thuật. Dù điều trị theo hướng nào thì bệnh nhân cũng cần chuẩn bị nguồn tài chính vì các điều trị cho bệnh tim mạch rất tốn kém.