Chị bạn vừa thông báo, hai cô con gái, một đứa học xong lấy chồng ở lại Mỹ, một đứa cũng vậy, lấy chồng ở lại Phần Lan rồi. Chị ấy nói, lang bạt tranh đấu như thế là đủ rồi, bây giờ cứ tà tà làm việc, chờ bao giờ đến tuổi nghỉ hưu là bán hết nhà cửa, về Hà Nội sống.
Cho khỏi phải hát hò nhung nhớ Hà Nội “mùa này vắng những cơn mưa” với lại “cô đơn sấu rụng ngoài ngõ vắng” (nghe mà… sốt ruột). “Ôi, chị ấy sướng quá, sướng nhất trái đất rồi” – Bà xã tôi xuýt xoa. Chị ấy hãnh diện cho biết tương lai đầy hứa hẹn: “Tớ sẽ ở Hà Nội, thỉnh thoảng đi Mỹ, đi châu Âu thăm con”.
Xuýt xoa rồi, bà xã tôi lại ngậm ngùi (lạ thật, phụ nữ rất hay so sánh, hay vận vào mình kiểu này): “Nghĩ tới con mình mà rầu. Có phải kém cạnh gì cho cam, cả hai chị em đều giỏi giang, đều du học, đều có đầy cơ hội, nhưng sao mà khổ vậy không biết, lúc nào cũng chỉ thích học xong về lại Việt Nam, thế có khổ thân tôi không cơ chứ!”.
- Xem thêm: Áp lực phải thành công
Nhỏ chị thì nói, ở lại thì ở tư thế nào kia, chứ các chị các anh trong họ nhà mình, người kết hôn giả, người chạy vạy xin đủ mọi việc chỉ cốt ở lại, dù chỉ để làm móng chân móng tay, thì con không cần. Trời ạ, lại còn cành cao vậy nữa, làm móng không là một nghề lương thiện sinh sống sao, người ta sống đầy ra kia. Các bà con cô bác nhà mình đang sống đó, sao con lại nói như vậy chứ. Thằng em còn láo hơn nữa, nói rằng con đã đến thăm và ở với bác Hai rồi, con thấy bác… khổ lắm.
Hồi chưa qua Mỹ, ở Sài Gòn bác chỉ ăn xong, vác bộ cờ tướng đi tìm người chơi. Sáng ra chỉ có mỗi việc tự ăn sáng, cà phê xong, đi mua cào cào cho chim ăn, chẳng phải làm gì. Nay con sang đó thấy bác già xọm, đi làm mấy “job”, mưa gió tuyết lạnh cũng ra xe điện ngầm đi làm đêm… Cơm nấu một bữa ăn cả ngày…
Nó định kể nữa liền bị bà xã nạt: “Một cuộc sống yêu lao động, hữu ích, làm việc cho đời, kiếm được tiền lo thân, lại không xứng đáng hơn là cuộc sống lè phè làm gánh nặng cho người khác sao. Một xã hội có công ăn việc làm vậy không lành mạnh hơn là thất nghiệp cả đám suốt ngày ăn nhậu làm bậy sao…”. Cứ đà này câu chuyện không biết đi tới đâu. Con thì cứ trơ ra, mẹ thì hậm hực, ai nói cũng đúng cả.
Mà bà xã tôi cũng rất dễ thay đổi. Khi gặp bà bạn khác, có lý thuyết khác là cô ấy lại vui ngay. Bà bạn ấy nói, chớ có cho con chị… lấy Tây nhé, chẳng bền đâu. Nhưng bây giờ, có ai mà lo xa như vậy được. Có khác gì nói nhiều tai nạn giao thông nên… khỏi ra đường nữa. Chị bạn còn nói, trời ạ, căng thẳng lắm. Suốt ngày đi làm xa lắc xa lơ, lo hết “bill” này đến trả tiền “bill” kia. Sáng mở mắt ra đã càu nhàu, hôm qua ông già lại đậu xe ngoài đường, nhận thêm vé phạt… điên cả đầu.
Sao cứ nhìn một khía cạnh như vậy nhỉ. Sao không thấy y tế an sinh xã hội, không lẽ tự nhiên nước Mỹ hút hết cả nhân tài thế giới về đó? Thì chị Ba nhà mình đó, bệnh bên đó rồi cũng chết, họ có chữa được đâu? Chị bệnh gì? Ung thư. Trời đất, mắc cái bệnh cả loài người bó tay thì trách gì nước Mỹ? Sao không so sánh ở bển người ta tiêm vaccine cho trẻ con thế nào, ở đâu cũng có tỷ lệ rủi ro, nhưng người ta có cách cứu chữa được và có các quy trình nghiêm ngặt lắm… thôi thì đủ thứ “thời sự” được đem ra bảo vệ lý lẽ của mình.
- Xem thêm: Làm mẹ thời nay sướng không?
Đám con nhà tôi thích về Việt Nam, chúng nói ở đây tuổi trẻ được thử thách, sau nữa là được gần gũi gia đình. Chứ đâu có cảnh mẹ vợ lên chơi, chàng rể hỏi, sao bà nói chỉ ở có năm ngày thôi, nay đã hơn tuần chưa thấy về… Cái sự láo lếu ấy thì ở nước ta nay cũng có đầy, đâu cần Âu – Mỹ…
Bà xã tôi than với chị bạn “thỉnh thoảng đi châu Âu thăm con” kia: “Bồ sướng thật đó, con cái không có quanh quẩn xứ này, mà tung cánh bay xa”. Chị bạn cười cười: “Ai bảo bồ dạy con gắn bó với cha mẹ và quê nhà… Ai bảo bồ dạy con… ngoan”.
Thế mới biết các bà vợ phức tạp thật. Lý lẽ kiểu gì cũng có, ưu thành khuyết, mà có khi tốt thổi phù thành xấu, biến hóa chẳng khác gì ảo thuật.