Ẩm thực Việt Nam đang trong xu hướng hòa nhập và kinh doanh nhượng quyền thương hiệu nên xu hướng ăn uống của chúng ta cũng dần thay đổi theo hướng đa dạng và “Tây hóa”. Các loại salad, sinh tố, nước ép, cà phê kem… dần trở thành những loại thức ăn, đồ uống quen thuộc của doanh nhân và dân văn phòng. Tuy nhiên, theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP. Hồ Chí Minh, thực phẩm chế biến quen thuộc nói trên chứa một lượng chất béo và đường lớn, có thể gây nguy hiểm cho một số đối tượng cần ăn kiêng. Dưới dây là một số loại thực phẩm mà chúng ta nên cảnh giác.
Các loại sinh tố dinh dưỡng
Trái cây kết hợp với sữa chua là một loại thức uống ngon miệng đối với nhiều người. Một số người có nhu cầu giảm cân còn chọn sữa chua trái cây làm bữa ăn sáng ít năng lượng. Trên thực tế, hỗn hợp này thường chứa nhiều đường, chỉ có thể phù hợp với người cần tăng cân. Vì một ly sinh tố dạng lỏng kết hợp sữa chua và các loại chuối, đu đủ, bơ, dưa hấu có thể chứa đến 1.044 calo, 35g chất béo và đến 120g đường. Nếu thường xuyên dùng sinh tố, bạn chỉ nên sử dụng sữa chua không đường và kết hợp các loại trái cây ít đường để một ly sinh tố chỉ còn khoảng 268 calo, 9g chất béo và 3g đường.
Thức uống dạng hỗn hợp cà phê kem
Ngày càng nhiều người nghiện uống các loại cà phê được pha chế theo kiểu iced blended, trên cùng là lớp kem tươi thơm ngon, béo ngậy. Tuy nhiên, một ly cà phê dạng này có thể chứa đến 510 calo, 19g chất béo (chiếm 1/3 lượng chất béo mà cơ thể cần mỗi ngày), 59g đường, và đến 300mg natri. Lượng đường, muối cao nếu hấp thụ thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến gan, thận, cột sống. Bạn nên yêu cầu người phục vụ một ly cà phê dạng hỗn hợp nhẹ (ít béo và ngọt) chỉ chứa 130 calo, 0,5g chất béo và 16g đường.
Nước vitamin
Khá nhiều loại vitamin dạng lỏng đánh vào tâm lý người tiêu dùng bằng những quảng cáo hấp dẫn hoặc các thành phần dinh dưỡng đa dạng ghi trên nhãn mác sản phẩm. Thực tế theo các chuyên gia dinh dưỡng, tổng lượng đường mỗi chai có thể đến 33g và 125 calo. Vì vậy, chúng ta cần suy nghĩ khi bỏ tiền mua một loại nước uống vitamin. Thay vì uống vitamin đóng chai, hãy tự làm nước ép trái cây không đường để mỗi ly nước ép chỉ còn khoảng 10 calo.
Hải sản đút lò
Với nhiều người, tôm, cua là thực phẩm ít béo và là lựa chọn thích hợp khi ăn ở nhà hàng. Tuy nhiên, một món tôm đút lò có thể chứa đến 900 calo, 41g chất béo. Ăn ba con tôm đút lò xốt bơ tỏi nghĩa là bạn đang tiêu thụ một lượng chất béo bằng 2/3 nhu cầu của cơ thể mỗi ngày. Vì vậy, nếu dùng hải sản hãy chọn loại hải sản luộc hoặc dạng salad ít béo.
Bánh mì ngũ cốc
Ngũ cốc nguyên hạt vốn là lời khuyên thường xuyên cho những ai mắc bệnh béo phì, tim mạch, huyết áp. Tuy nhiên, theo một khảo sát, hai lát bánh mì ngũ cốc có thể chứa 220 calo, 4g chất béo, 420mg Natri, 42g tinh bột và chỉ 4g chất xơ. Hàm lượng này hoàn toàn không phù hợp với những đối tượng nói trên.
Các loại xúp Thái
Mặc dù nhiều người thích chọn món Thái cho những bữa trưa văn phòng, chiêu đãi khách hàng hoặc gặp gỡ đồng nghiệp vì yêu thích vị chua chua, cay cay. Nhưng các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo rằng món Thái có thể chứa lượng chất béo rất cao, đặc biệt là món xúp Thái như cà ri xanh và Tom Yum. Một bát xúp Tom Yum có thể chứa 140 calo, 10g chất béo, 580mg sodium. Ngay cả các loại xúp đóng gói cũng có thể chứa hàm lượng đường và chất béo vượt quá nhu cầu cơ thể. Người ăn kiêng thì chỉ nên chọn một bát xúp Thái với rau, đậu chỉ còn khoảng 4g chất béo và 340mg sodium.
An Nhiên