Quá trình diễn biến đặc trưng đối với bệnh COVID-19? Phác đồ điều trị tại nhà nào có thể áp dụng được và làm thế nào để nhận biết được bệnh đang diễn biến nặng hơn?
_______
Quá trình diễn biến đặc trưng đối với bệnh COVID-19 theo từng khung giai đoạn?
Bác sĩ Đồng Phú Khiêm – Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương: Giống như các bệnh truyền nhiễm khác, bệnh do COVID-19 diễn biến qua ba giai đoạn chính: giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn toàn phát và giai đoạn lui bệnh.Giai đoạn ủ bệnh là khi cơ thể bị nhiễm bệnh có thể do tiếp xúc với người bệnh nhưng chưa có biểu hiện lâm sàng. Giai đoạn này kéo dài từ 5 đến 7 ngày. Theo các nghiên cứu, báo cáo thì thời gian ủ bệnh có thể từ 2 đến 14 ngày.
Qua giai đoạn ủ bệnh đến giai đoạn toàn phát, bắt đầu xuất hiện các triệu chứng. Ở giai đoạn này, các biểu hiện và thời gian biểu hiện sẽ tương đối khác nhau đối với hai nhóm đối tượng: nhóm bệnh nhân biểu hiện nhẹ và nhóm bệnh nhân biểu hiện nặng.
Khoảng 80% người nhiễm COVID-19 có biểu hiện triệu chứng nhẹ bao gồm ho, sốt, mệt mỏi và không có dấu hiệu tức ngực, khó thở. Thời gian biểu hiện đối với nhóm này trung bình từ 7 đến 10 ngày và sau thời gian này, các triệu chứng sẽ tự hết mà không cần phải điều trị.
Đối với nhóm bệnh nhân có nguy cơ nặng (như người già, người có bệnh lý nền: tiểu đường, suy giảm miễn dịch, sử dụng thuốc gây suy giảm miễn dịch…), biểu hiện là sau 5 đến 7 ngày các triệu chứng sốt không giảm mà xuất hiện thêm triệu chứng đau tức ngực, khó thở.
Thông thường đến cuối của tuần đầu tiên bệnh nhân sẽ có biểu hiện rất nặng là khó thở và nếu không được hỗ trợ y tế thì nguy cơ đe dọa tính mạng rất lớn. Diễn biến của nhóm này thường rất thất thường. Hỗ trợ cho nhóm này tùy thuộc vào nguồn lực. Hiện ở Việt Nam, tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương có không quá 10 ca bệnh nặng và 5 ca phải thở máy (tính đến thời điểm trả lời phỏng vấn – PV). Do đó, hiện nay nguồn lực vẫn được dồn cho các trường hợp này và diễn biến của các bệnh nhân rất tốt.
Qua giai đoạn toàn phát, các bệnh nhân nhẹ sẽ hồi phục hoàn toàn, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể để tiêu diệt virus và cho đến nay chưa có báo cáo về di chứng. Còn đối với nhóm bệnh nhân nặng nếu không được can thiệp y tế thì sẽ rất khó qua khỏi.
_______
Phác đồ điều trị tại nhà mà các cơ quan có thể áp dụng được và làm thế nào để nhận biết được bệnh đang diễn biến nặng hơn? Triệu chứng nặng về thở như thế nào? Và phải làm gì để vượt qua nếu như chưa được đưa đến bệnh viện trong trường hợp diễn biến nặng hơn?
Bác sĩ Lê Minh Ngọc -Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Về phác đồ điều trị, hiện nay chỉ có các phương án điều trị hỗ trợ, tức là bệnh nhân có biểu hiện, biến chứng đến đâu thì điều trị các biểu hiện đến đó để giúp bệnh nhân vượt qua thời kỳ tranh đấu chống virus.
Khi virus xâm nhập vào cơ thể, trong giai đoạn chờ cơ thể sản sinh ra kháng thể, vai trò của các phương pháp điều trị là giúp bệnh nhân cầm cự đến khi có kháng thể để đào thải virus. Hiện tại không có một loại thuốc nào được chứng minh có thể tiệt trừ virus.
Trong giai đoạn ủ bệnh của bệnh này có thể đã có sự lây lan virus. Ở các nước như Anh, Mỹ, người ta thường khuyến cáo các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, kể cả trong giai đoạn toàn phát, cũng nên tự điều trị tại nhà. Khuyến cáo này không phải không có lý. Những bệnh nhân nhẹ khi có biểu hiện sốt thì cho hạ sốt, biểu hiện ho, hắt hơi, viêm đường hô hấp thì cho dùng thuốc hỗ trợ hô hấp và sử dụng khẩu trạng để ngăn ngừa phát tán virus ra môi trường.
Những trường hợp này nếu đến bệnh viện thì cũng chỉ được điều trị như vậy, do đó điều trị tại nhà sẽ giúp hạn chế việc phát tán virus ra môi trường.
• Biểu hiện bệnh nặng: Khi một tác nhân xâm nhập vào cơ thể sẽ gây ra hai nhóm triệu chứng: triệu chứng tại chỗ và triệu chứng toàn thân.
Đối với triệu chứng tại chỗ, virus này khu trú ở phổi do đó các triệu chứng tại chỗ là ho, hắt hơi, chảy nước mũi và nặng hơn là suy hô hấp, khó thở.
Triệu chứng toàn thân là sốt và có thể có biến chứng nặng hơn. Có hai biểu hiện nặng hơn cần chú ý. Thứ nhất là sốt cao không hạ (sốt trên 38,5 độ C nhưng không thể khống chế bằng thuốc) và thứ hai là suy hô hấp.
Đối với những người ngoài ngành rất khó lượng hóa thế nào là suy hô hấp. Tuy nhiên, có một dụng cụ là Pulse Oxymetry đo SPO2 (độ bão hòa O2 ở trong máu). Đây là thiết bị rất nhỏ gọn, có giá khoảng 100 USD. Khi kẹp vào ngón tay, thiết bị sẽ cho ra 2 chỉ số, nhịp tim và nồng độ O2 trong máu. Nếu độ bão hòa O2 trong máu dưới 95% thì bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp.
Cách thứ hai để phát hiện bệnh nhân suy hô hấp là đếm nhịp thở trong 1 phút. Nếu số lần thở vượt quá 25 nhịp/phút thì có biểu hiện suy hô hấp do cơ thể có phản ứng tăng số lần thở để chống lại tình trạng suy hô hấp đang diễn tiến. Còn nếu nói từng từ, từng câu không được nữa thì đã quá nặng.
Với bệnh này, khoảng 80% sẽ tự khỏi và 15% sẽ có biểu hiện nặng và chết do không thở được. Do đó, cần xác định thời điểm trở nặng để can thiệp y tế sớm hơn, trước khi biến chuyển tới mức phải can thiệp y tế một cách nặng nề. Thông thường, khi nhịp tim ổn định, mức độ bão hòa O2 bình thường là trên 90%, còn dưới 90% là tình trạng suy hô hấp. Tuy nhiên, đối với trường hợp này, khuyến cáo nếu độ bão hòa O2 dưới 95% thì nên đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế sớm.
Khuyến cáo tự điều trị ở nhà nhằm giảm áp lực cho các cơ sở y tế chứ không phải khuyến cáo bắt buộc. Do đó, khi bệnh nhân có triệu chứng nặng như khó thở thì cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế để can thiệp.
• Phải làm gì để vượt qua nếu chưa được đưa đến bệnh viện: Trong trường hợp bệnh nhẹ, biện pháp tốt nhất là nâng cao thể trạng, tập thể dục thường xuyên tại nhà, chú ý việc ăn ngủ. Ăn đúng giờ và ngủ đủ giấc giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại virus.
Ngoài ra, phải phòng lây nhiễm cho những người ở chung. Thực tế, sử dụng khẩu trang vải đã an toàn rồi. Quan trọng là việc sử dụng và thay khẩu trang như thế nào cho đúng cách. Đối với các bệnh nhân sinh hoạt tại nhà nên ở phòng riêng, quần áo cho vào túi giặt và giặt bằng máy, mở cửa cho phòng thông thoáng để tia UV trong ánh sáng mặt trời vào phòng giúp diệt virus, giảm tải lượng virus trong nhà.
Ở những nơi khí hậu không cho phép thì có thể bật điều hòa nóng kết hợp chế độ hút ẩm do virus này rất ưa lạnh và ẩm. Một khuyến cáo nữa là các hộ gia đình thường có xu hướng ở chung nhiều thế hệ cả già và trẻ, trong đó người già là đối tượng nhạy cảm rất dễ lây nhiễm. Do đó, chúng ta cần lưu ý phòng ngừa cho các đối tượng này.