Chuyên gia vi sinh và dịch tễ TS-BS. Phạm Hùng Vân dành cho bài viết dưới đây, với cái nhìn toàn cảnh về các biện pháp chống lây lan, kinh nghiệm từ các quốc gia khác, đồng thời cung cấp cho người đọc nhiều thông tin y học chuyên sâu về cách điều trị và những giải pháp chủng ngừa.
Chuyên gia vi sinh và dịch tễ TS-BS. Phạm Hùng Vân dành cho Người Đô Thị bài viết dưới đây, với cái nhìn toàn cảnh về các biện pháp chống lây lan, kinh nghiệm từ các quốc gia khác, đồng thời cung cấp cho người đọc nhiều thông tin y học chuyên sâu về cách điều trị và những giải pháp chủng ngừa.
Cho đến nay, phải nói là rất khó để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Tuy nhiên, dựa trên những giải pháp mà các quốc gia đang thực hiện, chúng ta có thể nhận định: các giải pháp được đưa ra tùy tình hình dịch bệnh đang diễn tiến và điều kiện kinh tế, y tế từng quốc gia. Các giải pháp mà họ chọn lựa được cho là thích hợp nhất, cũng có thể phải thay đổi nếu tình hình chuyển biến.
Trước tiên là đối với các quốc gia dịch COVID-19 chưa lan ra cộng đồng như Việt Nam thì giải pháp là cố gắng nhận diện cho được tất cả các trường hợp F0 rồi truy tìm tất cả các trường hợp F1, F2, F3… để cách ly, làm sao tránh tuyệt đối các trường hợp F này tiếp xúc ngoài cộng đồng trong thời gian có nguy cơ lây lan (14 ngày).
Các trường hợp F0 sẽ được điều trị thích hợp và cách ly tại các trung tâm chuyên dành cho COVID-19. Với các trường hợp F1 thì sẽ cách ly tập trung, các trường hợp F2 hay F3 thì được khuyên cách ly tại nhà.
Trong thời gian cách ly tất cả các đối tượng trên phải mang khẩu trang để tránh lây lan ra bên ngoài. Những nơi tập trung để phát hiện các trường hợp F0 là cửa khẩu hàng không hay trên bộ. Ngoài ra, các giải pháp tránh tụ tập đông người, kiểm tra y tế tại các cửa khẩu, đóng cửa trường học, cũng như đeo khẩu trang khi ra ngoài cũng được áp dụng.
• Xem thêm: Bệnh dịch và số phận của con người xã hội
Thời gian đầu, nhiều quốc gia chưa đưa ra các giải pháp ngăn chặn khác, tuy nhiên do tình hình dịch COVID-19 ngày càng trầm trọng nên đến nay họ đã phải đưa ra các giải pháp cứng rắn hơn như đóng cửa nhà hàng, trường học, các sự kiện tụ tập đông người, cửa khẩu hàng không và trên bộ… Nhiều quốc gia còn đưa ra thêm giải pháp mọi người cố tránh tiếp xúc nhau trong vòng 2m, hoặc ở nhà tránh tiếp xúc bên ngoài.
Giải pháp này được gọi là social distancing. Một tính toán cho thấy nếu không áp dụng giải pháp này thì với chỉ số lây lan hiện nay của COVID-19 là 2.5 thì chỉ sau 1 tháng, một F0 có thể lây bệnh cho 406 người; còn áp dụng cho 50% dân số thì một F0 chỉ lây bệnh được cho 15 người; áp dụng cho 75% dân số thì chỉ có 2-3 người bị lây.
Có thuốc điều trị COVID-19?
Thoạt đầu nhiều người nghĩ COVID-19 là bệnh nhiễm virus và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Giải pháp điều trị chủ yếu là hỗ trợ như giảm đau và giảm sốt, tăng cường dinh dưỡng, đề kháng trong các trường hợp nhẹ; trong trường hợp khó thở thì hỗ trợ thở oxy; các trường hợp nặng thì dùng thở máy.
Tuy nhiên hiện nay mục tiêu tìm thuốc điều trị đặc hiệu không chỉ là tiêu diệt được virus mà còn làm sao cho bệnh khỏi nhanh hơn, ít diễn tiến nặng hơn, ít tử vong hơn. Chính nhắm đến các mục tiêu như vậy nên có một số ứng viên được xem xét:
1. Trước hết đó là chloroquine sulfate (SCQ) hay hydroxychloroquine (HCQ) với cơ chế làm gia tăng nồng độ ion kẽm trong tế bào nhờ chloroquine (CQ) có khả năng ion hóa kẽm, giúp kẽm vào tế bào dễ hơn thông qua một kênh protein trên màng tế bào.
2. Sự gia tăng nồng độ kẽm trong tế bào ngăn chặn enzyme giúp nhân bản chất liệu di truyền của virus và làm virus không nhân bản được. Ngoài ra, CQ còn bám lên chất liệu di truyền của virus làm virus mất khả năng nhân bản cũng như khả năng chỉ huy tổng hợp các protein cần thiết. Tuy nhiên, CQ có nhiều độc tính, liều tác dụng lại rất gần liều độc nên phải có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ điều trị.
3. Remdesivir là thuốc kháng virus trước đây được dùng để điều trị Ebola, MERS… với cơ chế tác dụng là một chất đồng dạng nucleotide làm cho virus tưởng nhầm là nucleotide (một nguyên liệu giúp virus nhân bản chất liệu di truyền của nó) do vậy virus sẽ không thể nhân bản được.
4. Các ACE2 tự do để làm cho virus tưởng nhầm là các thụ thể ACE2 trên tế bào và sẽ không bám được vào tế bào để xâm nhập và nhân bản.
5. Các kháng thể kháng ACE2 sẽ bám lên các ACE2 làm cho virus không thể bám lên được tế bào và xâm nhập.
6. Huyết thanh người khỏi bệnh thường có chứa kháng thể trung hòa được virus cũng được xem là ứng viên dành cho điều trị COVID-19.
7. Kháng sinh azithromycin là một loại macrolide hữu dụng trong điều trị nhiễm khuẩn hô hấp cũng được xem là ứng viên nhờ khả năng ức chế sự tổng hợp các protein của virus khi các mRNA của virus trượt trên các ribosome của tế bào.
Trên đây là các giải pháp đang được các nhà khoa học và điều trị thử nghiệm lâm sàng. Hiện chưa có giải pháp nào được FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) chấp thuận. Việc sử dụng hay không là tùy bác sĩ điều trị.
Giải pháp thuốc chủng ngừa COVID-19 thế nào?
Giải pháp chủng ngừa là căn cơ nhất. Một thuận lợi trong việc chế tạo thuốc chủng ngừa COVID-19 là các nhà khoa học đã biết được kháng nguyên nào của virus SARS-CoV2 kích thích được miễn dịch bảo vệ. Hiện nay đó chính là kháng nguyên S trên các gai của virus giúp nó bám lên thụ thể ACE2 của tế bào để xâm nhập tế bào. Chính nhờ vậy chúng ta hy vọng rằng thuốc chủng ngừa sẽ có sớm.
Có các giải pháp kỹ thuật sau đây được nhiều hãng sản xuất tiếp cận:
1. Trước hết là dùng một loại vaccine bản chất không phải là protein mà là mRNA tổng hợp nhân tạo. Các mRNA này có trình tự di truyền giống như mRNA của virus tổng hợp nên protein S, chính vì vậy khi chích vào cơ thể người thì các mRNA này sẽ vào tế bào người và làm cho tế bào người tổng hợp nên các protein S đưa ra bên ngoài gặp hệ miễn dịch, tạo ra miễn dịch bảo vệ. Vaccine này đang được thử nghiệm trên người tình nguyện tại Mỹ.
2. Vaccine là bản thân virus SARS-CoV2 được nuôi cấy làm yếu đi hay giết chết nhưng vẫn còn nguyên vẹn với kháng nguyên của nó. Thuận lợi của giải pháp này là hiện virus SARS-CoV2 đã được nhiều phòng thí nghiệm nuôi cấy dễ dàng.
3. Vaccine protein tái tổ hợp chính là các kháng nguyên S được tổng hợp qua công nghệ di truyền tái tổ hợp. Kháng nguyên này thường vẫn còn giữ tính đặc hiệu nhưng phải được liên kết lên các phân tử mang để làm tăng tính sinh miễn dịch khi chích vào người.
Kẻ thù khác rất khó đánh bại
Đó chính là thói ích kỷ của con người mà qua dịch COVID-19 bộc lộ rất rõ, không phải chỉ ở các nước nghèo khó. Tất cả đều xuất phát từ một tâm lý bầy đàn mà chúng ta không thể phủ nhận. Chính vì cái tâm lý này mà khẩu trang bị vét sạch làm cho người thật sự cần khẩu trang không có đủ để sử dụng. Giấy vệ sinh khan hiếm tại Âu, Mỹ. Hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, sữa bột, thuốc men bị gom sạch mà không hề có một sự nhường nhịn nào cho các thành phần dễ tổn thương như trẻ em, người già.
• Xem thêm: Thiết bị xét nghiệm Covid-19 trong 5 phút của Abbott được Mỹ chấp thuận sử dụng
Sẽ có nhiều bệnh như suyễn, COPD, tim mạch, nhiễm trùng hô hấp có tỷ lệ tử vong tăng vọt vì người bệnh không tìm được thuốc, không được điều trị thích hợp vì sự quá tải hệ thống y tế… Rồi các chửi bới miệt thị ném đá trên mạng xã hội đối với những cá nhân bị cho là nguồn cơn của sự lây lan.
Chúng ta phải nhận thức rõ các xu hướng phi nhân văn này để tỉnh táo tránh đi. Nếu không chúng ta sẽ không phải bị nguy khốn vì COVID-19 mà chính vì thói ích kỷ của chúng ta.