Mất trí nhớ là bệnh đáng sợ nhất trong tất cả các bệnh của con người, mà cho đến nay khoa học vẫn chưa tìm ra phương pháp phòng ngừa hay chữa trị. Có hai loại bệnh mất trí nhớ: Loại nặng là Alzheimer, hoàn toàn mất hẳn trí nhớ, như trường hợp cựu Tổng thống Mỹ Reagan (kéo dài 10 năm mới chết). Loại nhẹ gọi là Dementia, lúc nhớ lúc quên, như trường hợp nhà bác học Albert Einstein.
Không như các bệnh nhiễm trùng hay ung thư thường tàn phá cơ thể rất nhanh, bệnh mất trí nhớ không làm tổn thương tới thân xác bệnh nhân vì chỉ có não không còn làm việc chứ tim gan phèo phổi vẫn bình thường nên bệnh nhân vẫn có thể sống rất lâu, nếu không muốn nói là thọ.
Thế nhưng bệnh mất trí nhớ lại làm tổn thương rất nặng nề về tinh thần cho người chăm sóc, đặc biệt khi người bệnh lại là ông – bà – cha – mẹ của mình. Biết bao câu chuyện não lòng khi gia đình có người thân bị bệnh mất trí.
Những người bị Alzheimer, dù không còn minh mẫn, nhưng họ vẫn có thể nhận ra những người vô cùng đặc biệt với họ. Bà Nancy, vợ của cựu Tổng thống Reagan, cho biết ông quên hết tất cả mọi người, chỉ còn nhớ duy nhất một mình bà.
Trong các triệu chứng của bệnh mất trí nhớ nhẹ Dementia (lúc khởi đầu), có một triệu chứng gây tổn hại tới tình cảm gia đình – đó là người bệnh lúc nào cũng nghi ngờ bị mất cắp đồ đạc của mình.
Họ có thể nói (y như thật) người này người kia đã lấy cắp tiền bạc hay nữ trang của họ. Nếu trong nhà chỉ có một người chăm sóc người bệnh thì có thể giữ bình tĩnh, bỏ ngoài tai coi như không chấp. Nhưng khổ nỗi vì cuộc sống khó khăn, rất nhiều người sau khi lập gia đình vẫn phải ở chung, trong trường hợp đó thì dâu, rể hay cháu rất dễ bị hàm oan.
Hay một bà mẹ chồng – có thể quên hết mọi người, nhưng vẫn luôn nhận ra thằng con yêu quý của mình – cứ mỗi chiều khi con đi làm về thì đều than thở đã bị bỏ đói cả ngày. Vậy là cô con dâu ở nhà cả ngày với bà mang nỗi oan Thị Kính, đôi khi không thể giãi bày. Nếu gặp thêm người chồng thiếu hiểu biết thì thảm cảnh gia đình có nguy cơ xảy ra, từ cãi vã đến xô xát, có khi dẫn đến chia tay.
Căn bệnh mất trí còn nguy hiểm hơn cả bệnh điên, vì bệnh điên vẫn có thuốc chữa hay chế ngự, do não bị xáo trộn vì một nguyên nhân gì đó, chứ không có hư hại. Trái lại ở bệnh Alzheimer và bệnh Dementia não đã bị thoái hóa, bị hư hại. Đó là lý do tại sao chưa có cách phòng ngừa và chữa trị.
Chăm sóc cho người bệnh lãng trí là một điều vô cùng khó khăn.
Một con vật nuôi bình thường như chó hay mèo, dù không nói được nhưng chúng vẫn nhận ra và nghe lời người nuôi dưỡng vì chúng vẫn còn bộ não. Nhưng chúng ta phải làm sao, khi người bị lãng trí gây ra đủ thứ phiền toái, làm đảo lộn toàn bộ cuộc sống của tất cả những người trong nhà.
Ông bà cha mẹ là những người chúng ta phải tương kính theo đạo làm con cháu, nhưng làm sao giữ được vẹn toàn khi ông bà cha mẹ bị mất trí: một bệnh nhân trong thân xác của người trưởng thượng.
Một triệu chứng kinh khủng cho người chăm sóc người bị mất trí, đó là bệnh nhân không còn phân biệt được đúng sai, họ có thể ăn cả phân của họ, nghĩa là chúng ta không thể rời mắt khỏi họ. Điều này đã làm đau lòng người thân của họ vô cùng.
Không thể dùng một chữ nào khác hơn “độc ác” để diễn tả bệnh này.
Biết bao câu chuyện đau lòng của người thân, khi có ông bà cha mẹ bị bệnh mất trí nhớ. Dù cho bạn có là thiên tài như nhà bác học Albert Einstein – cũng vẫn mắc bệnh như thường.
Dù cho bạn có học cao hay giàu có đến đâu, bạn cũng vẫn nghẹn ngào khi thấy người thân yêu của mình tàn tạ hay có những hành động làm đau nhói con tim.
Điều này có thể giải thích được tại sao có nhiều người bình thường đã đem nhốt người bệnh vào những cái cũi. Họ quá nghèo khổ, phải bươn chải vì miếng cơm manh áo nên đành làm liều. Những khó khăn đã dồn họ đến chân tường tuyệt vọng, cái khó bó cái khôn. Không thể nào kể hết về những hoàn cảnh thương tâm của những người vướng phải căn bệnh độc ác này – hành hạ bệnh nhân thì ít (vì họ không còn nhận thức) nhưng hành hạ gia đình người bệnh thì nhiều.
Có không ít trường hợp người không mất trí chăm sóc lâu ngày cho người bệnh, cũng mất trí luôn.
Người ta phần lớn không sợ chết, mà chỉ sợ bệnh. Không tôn giáo nào cho phép tự tử. Phật bảo rằng khi tự tử có nghĩa là chưa trả hết nghiệp. Đời sau cũng phải trả tiếp. Luật pháp cũng không cho phép người ta xin chấm dứt sự sống. Bạn thấy điều này có đúng không? Kéo dài cuộc sống trong vô thức, không còn tận hưởng được mọi vui thú của cuộc đời, thì có còn ích lợi gì cho xã hội và cho chính người bị bệnh.
- Lại Thị Mơ