Thời gian gần đây, đau mắt đỏ đang là đề tài bàn tán xôn xao của mọi người vì tốc độ lây lan rất nhanh của bệnh. Bên cạnh đó còn có những thông tin trên báo chí, truyền thông cho biết thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ đang “cháy hàng” ở một số địa phương phía Bắc. Một số nhà thuốc còn tự ý đẩy giá thuốc có nhãn mác quen thuộc với người tiêu dùng lên cao để thu lợi. Phải chăng, chúng ta đang sống trong đại dịch đau mắt đỏ với nguồn thuốc có hạn?
Hiểu đúng về bệnh đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ là bệnh do viêm hoặc nhiễm trùng của kết mạc. Bệnh đau mắt đỏ có thể chia làm ba loại chính dựa trên nguyên nhân gồm: (1) Viêm kết mạc do vi khuẩn tụ cầu hoặc liên cầu; (2) Mắt đỏ do dị ứng phấn hoa, lông động vật, hóa chất, khói bụi và các chất ô nhiễm công nghiệp. Kiểu đau mắt đỏ do dị ứng thường đi kèm với các triệu chứng ho, hắt hơi, ngứa mũi, không có ghèn; (3) Viêm kết mạc do vi khuẩn và virus là loại đau mắt đỏ mà nhiều người đang mắc phải hiện nay, thường biểu hiện sưng đỏ nặng, có nhiều ghèn.
Căn bệnh đau mắt đỏ này thường xảy ra theo mùa, nhất là giai đoạn chuyển mùa thu-đông. Hiện nay, mỗi ngày Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận khoảng từ 100-200 bệnh nhân bị đau mắt đỏ. Chúng ta cũng không nên lo lắng rằng đau mắt đỏ đang phát triển thành đại dịch. Vì qua thời điểm giao mùa, bệnh sẽ lắng xuống và sẽ không tiếp tục lây lan trên diện rộng.
Nhiều người cho rằng nhìn nhau cũng lây mắt đỏ, điều này hoàn toàn không đúng. Bệnh lây lan nhanh chóng trong thời gian qua chính là vì đau mắt đỏ có thể lây qua đường hô hấp. Những virus nhỏ dễ lây lan khi ho, hắt hơi hoặc nói chuyện gần. Ngoài ra, cách lây truyền bệnh thường gặp là qua nước mắt (có chứa virus); qua vật trung gian nhiễm nguồn bệnh (tay nắm cửa, điện thoại, viết, khăn…); qua nước bị nhiễm khuẩn (như nước hồ bơi).
Khi mới nhiễm virus, người bệnh thường không có triệu chứng nên không biết để phòng ngừa cho người khác. Ngay cả giai đoạn ủ bệnh thì đau mắt đỏ cũng có khả năng lây truyền. Tuy nhiên, nếu giữ gìn vệ sinh mắt hoặc có phương pháp điều trị thích hợp, bệnh sẽ hết sau từ một đến hai tuần. Trong trường hợp viêm kết mạc dai dẳng có thể biến chứng hoặc bội nhiễm, thường là do không biết giữ gìn vệ sinh mắt hoặc không được điều trị đến nơi đến chốn.
Những biểu hiện của đau mắt đỏ rất dễ nhận thấy như: mắt sưng đau, ngứa ngáy, cộm bên trong mắt, sáng ngủ dậy thường không mở mắt lên nổi vì hai mi mắt đóng nhiều ghèn, nhạy cảm với ánh sáng. Bệnh thường bắt đầu ở một bên mắt rồi lây sang mắt bên kia chỉ trong một, hai ngày.
Phòng bệnh đau mắt đỏ khá đơn giản
Trong chữa bệnh đau mắt đỏ do virus, nhỏ thuốc kháng sinh không phải là phương pháp điều trị bệnh vì cho đến nay, đau mắt đỏ do virus vẫn chưa có thuốc điều trị. Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng phòng bội nhiễm, cách tốt nhất vẫn là giữ vệ sinh đôi mắt bằng cách rửa mắt bằng nước muối sinh lý và bệnh sẽ tự khỏi. Ngoài ra, có một số lời khuyên đối với bệnh nhân bị đau mắt đỏ là: đeo kính râm để giảm thiểu khả năng lây bệnh, tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, nhỏ dung dịch nước muối hoặc nước mắt nhân tạo, chườm lạnh giúp giảm sưng và mang lại cảm giác dễ chịu, giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng sát khuẩn đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa lây bệnh cho người khác. Nếu bệnh diễn tiến bất thường, đau rát và nhìn mờ thì có thể đã bị biến chứng viêm giác mạc kèm theo, nên sớm đến bệnh viện để được điều trị kịp thời, đúng cách.
Thuốc kháng sinh vẫn được bác sĩ khuyên dùng để phòng bội nhiễm. Tuy nhiên, do người dân chỉ quen một tên thuốc, chẳng hạn như Tobrex, nên chăm chăm hỏi mua một loại thuốc, tạo điều kiện cho nhà thuốc lạm dụng đẩy giá lên cao. Thực tế, còn rất nhiều loại thuốc cùng hoạt chất, với chi phí tương đương hoặc rẻ hơn, bệnh nhân có thể hỏi thầy thuốc khi kê toa.
Bệnh đau mắt đỏ tuy không dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nhưng ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống. Vì vậy, chúng ta nên chú trọng phòng bệnh để tránh lây bệnh bằng cách: tránh đến nơi đông người, không bơi lội nơi công cộng trong mùa dịch, thường xuyên rửa tay và tránh dụi tay vào mắt, quan tâm hơn đến vệ sinh ăn uống, tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin để hỗ trợ sức khỏe mắt.
Lưu ý là khi có người cùng phòng làm việc, cùng nhà bị đau mắt đỏ thì không nên dùng nước muối sinh lý hay nước mắt nhân tạo rửa mắt. Thứ nhất là vì virus đau mắt đỏ không thể phòng ngừa bằng nước muối hoặc nước mắt nhân tạo. Thứ hai, tay chúng ta rất dễ dính virus khi sống cùng người bệnh, dùng tay nhỏ nước muối nhiều lần vào mắt vô tình chúng ta lại tạo điều kiện để virus xâm nhập vào mắt dễ dàng hơn.